Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Bỏ phố về rừng nuôi… khỉ

(SGTT) – Có không ít người hiện nay chọn cách sống bỏ phố về rừng để đầu tư làm ăn hay tìm kiếm cơ sở hai ở vùng ngoại ô để gần gũi môi trường xanh sạch. Nhưng cũng có không ít người từ bỏ chốn thị thành vài ngày, chấp nhận đi xa hàng ngàn kilomet chỉ để hòa mình với thiên nhiên và họ không chỉ hưởng thụ xanh sạch của thiên nhiên hoang dã, mà còn phải lo chăm sóc, nuôi nấng nai, khỉ, vượn, rái cá…

tình nguyện viên bảo tồn động vật hoang dã
Tình nguyện viên bảo tồn động vật hoang dã chăm sóc, cho động vật ăn ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Khương Hữu Thắng, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật

Đó là những tình nguyện viên tham gia cứu hộ động vật hoang dã đợt đầu tiên ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập do Nhóm tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã tổ chức sau khi nhóm này khánh thành ngôi nhà Hero House ở vườn quốc gia này dành cho tình nguyện viên “về rừng”.

Điều khá thú vị là cả ba bạn “bỏ phố ” này lại ở khá xa “khu rừng” mà các bạn làm tình nguyện viên một tuần vừa kết thúc cách nay vài ngày khi các bạn ở Hà Nội, Hải Phòng và Lạng Sơn, trong đó có một bạn nữ.

Bạn nữ có nickname (tài khoản) trên mạng xã hội Facebook Xuân Xuân viết “Gần với thiên nhiên, hít hà không khí trong lành, thấy mùi cỏ trong gió, mùi lá cây, nghe chim kêu vượn hú cả ngày, thấy chân mình đạp trên lá khô trong rừng như "con nai vàng ngơ ngác". Lại được học cách chăm sóc các bạn nai, khỉ… và tìm hiểu tập tính của loài. Sống bình dị, chan hòa, cùng nhau tận hưởng những niềm vui đơn sơ: cùng lao động, cùng nghỉ ngơi, cùng chuyện trò, chia nhau miếng nước, củ khoai, cái bánh, tặng nhau nụ cười. Có một sự yên tĩnh, tĩnh tại tuyệt vời. Sáng nghe vượn hú, tối nghe tắc kè kêu”.

Chăm sóc động vật hoang dã.

Khác với “về rừng” của những người đầu tư làm ăn, những người chọn rừng núi làm nơi sinh kế chính sau khi rời bỏ đôi thị, các bạn tình nguyện viên bảo tồn, cứu hộ động động vật hoang dã không sống biệt lập trên rừng núi, mà họ gặp những người yêu rừng, yêu động vật hoang dã, được sẻ chia kiến thức thiên nhiên hoang dã, giống loài động thực vật trên rừng núi và đặc biệt là làm những công việc mà những người trẻ chốn thị thành hiếm khi làm, đó là tự tay mình nấu cơm, cắt rau lang, đi chợ làng quê…

Hieu Nguyen là nickname hay còn gọi là Hiếu Obi, một tình nguyện viên cảm nhận: “Đêm cuối, tạm biệt Bù Gia Mập. Nơi cho tôi có duyên được gặp những người cần gặp, được làm những công việc chưa bao giờ từng làm. Được thức giấc vào mỗi sáng sớm để đón ánh nắng bình minh. Được đạp lên những lá cây lạo xạo trong rừng. Được lắng nghe những âm thanh khác lạ. Được nói từ ngữ địa phương, được ăn những món ăn mới lạ và các bữa cơm đầy ắp tiếng cười và sự sẻ chia của hai người bạn trong nhóm tình nguyện viên đợt này và hiểu thêm về giá trị của cuộc sống”.

Tình nguyện viên làm việc cắt rau, thái chuối cho động vật hoang dã ăn. Ảnh: Khương Hữu Thắng

Ở nơi rừng rú này, những tình nguyện viên ở thị thành cách đó hàng ngàn kilomet đã cảm nhận gần với chính mình hơn bao giờ hết, khám phá những điểm mới về bản thân. Gặp gỡ những người bạn mới thú vị với tấm lòng rộng mở. Họ nghe chuyên gia đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung nói về Hero House Bù Gia Mập với tình yêu và tâm huyết, gặp anh em ở trung tâm bảo tồn động vật hoang dã của vườn quốc gia để hiểu và yêu quý những người giữ rừng, cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã đang ngày bị suy giảm.

Có lẽ hiếm có ai “bỏ phố về rừng” mà chứng kiến cảnh con vượn đen má vàng sinh con và đó cũng là dịp may của các tình nguyện viên phương xa, hay như ngắm nhìn con rái cá lông mượt ngậm ngón tay ngủ trưa, cảnh con khỉ mặt đỏ “làm đẹp” tỉ mỉ bằng cách vặt lông tay cho tình nguyện viên…

Nên khi chia tay rừng, trở về thị thành Hiếu Obi đã cảm nhận rằng “bảo vệ động vật hoang dã cũng chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta”.

“Các bạn ấy rất nhiệt tình và nắm bắt công việc rất nhanh, đặc biệt lại đã làm quen được với một số loài thú. Công việc tuy vất vả nhưng luôn thấy nụ cười thân thiện, cảm ơn vì sự quả cảm của các bạn”, ông Khương Hữu Thắng, cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của Vườn quốc gia Bù Gia Mập kể lại.

Các tình nguyện viên được Vườn quốc gia Bù Gia Mập biểu dương.

Ông Phùng Mỹ Trung, chuyên gia đa dạng sinh học, người tham gia tổ chức bảo tồn cho các tình nguyện viên, cho biết muốn trở thành tình nguyện viên phải đăng ký và qua xét duyệt cùng với một vài thủ tục khác. Khi được tham gia làm tình nguyện viên phải đi theo nhóm tối thiểu 2 người, tối đa 8 người, tất cả phải đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập vào ngày thứ Bảy để gặp nhóm trước nhận và bàn giao công việc.

Các tình nguyện viên sẽ do ông Khương Hữu Thắng, cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của vườn quốc gia hướng dẫn công việc bào tồn động vật hoang dã hàng ngày. Có hai chiếc xe máy phục vụ miễn phí các tình nguyện viên đi lại, tham quan, dạy học. Các tình nguyện viên ngoài bảo tồn động thực vật còn tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ em đồng bào dân tộc địa phương vào sáng thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần ở khu vực trường phổ thông cơ sở Bù Gia Mập.

Bạn có muốn làm tình nguyện viên bỏ phố về rừng tham gia bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã:

Xem kết quả

Tình nguyện viên chuẩn bị gì trước khi đi?

Về trang bị cá nhân các tình nguyện viên sẽ mang theo lều cá nhân (nếu muốn), nhà Hero House có giường sẵn, đèn pin, giày dép và thuốc chống muỗi, ba lô, quần áo, nón rộng vành … Dĩ nhiên là khoảng 1 triệu đồng tiền ăn uống chi phí cho 1 tuần.

Hồng Ngọc

Hình ảnh: Khương Hữu Thắng

Clip: Hiếu Obi

1 BÌNH LUẬN

  1. Hay thật. Có vẻ như xu hướng tình nguyện bảo vệ môi trường đang là xu thế. Mình cũng thích tham gia những chương trình như thế này, tuy nhiên ở mảng Tâm lý và giáo dục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối