Thời gian gần đây, tại Hà Nội, người dân đổ xô tìm mua máy tạo oxy và bình oxy. Bộ Y tế đã phải đưa ra những khuyến cáo để người dân cân nhắc hơn khi mua các thiết bị y tế này.
- Bộ Y tế phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 Janssen của Johnson & Johnson
- Bộ Y tế dự định thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà ở TPHCM
Máy tạo oxy và bình oxy tại Hà Nội cháy hàng do nhu cầu cao từ TPHCM
Chiều 19-7, tại cửa hàng của Công ty TNHH thiết bị y tế Hà Nam có địa chỉ số 2 phố Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội, nhân viên cửa hàng liên tục nhận điện thoại của khách hàng gọi đến hỏi mua sản phẩm máy tạo oxy cũng như bình oxy.
Mặc dù tại website của công ty này có giới thiệu đến gần 30 sản phẩm máy tạo oxy nhưng khi khách hàng muốn hỏi mua thì chỉ còn duy nhất 2 loại máy với mức giá 20 và 35 triệu đồng. Khi người mua hỏi loại máy nào trong các loại máy được công ty đăng tải, thì thấy mức giá bán hiện tại tăng gấp 2-3 lần so với mức giá niêm yết.
Người bán hàng cho biết mức giá đăng tải trên website là giá mà công ty bán lúc bình thường, khi chưa có đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Kể từ khi số lượng bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM tăng nhanh trong những ngày gần đây, các đơn đặt hàng từ TPHCM với cửa hàng cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên, người bán hàng cho biết giá tăng do hàng nhập cũng tăng giá. Ngoài ra, trong ngày 19-7, cửa hàng này vẫn bán được hàng chục chiếc cho người mua hàng tại Hà Nội. Lượng hàng bán được cao hơn ngày thường.
Cũng tại cửa hàng trên, khi khách hàng hỏi mua bình oxy thì chỉ có duy nhất loại bình 8 lít và được bán với giá 1,5 triệu đồng/bình (kèm theo dây, van...), mức giá này cao hơn gấp đôi so với lúc bình thường. Còn loại bình oxy 40 lít không còn để bán.
Ngoài việc mua hàng trực tiếp tại cửa hàng, người có nhu cầu mua máy tạo oxy chỉ cần lên Google gõ từ khóa “máy tạo oxy” có hàng triệu kết quả được trả về với nhiều mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu mỗi sản phẩm.
Tuy nhiên, khi người mua liên hệ với nhiều trang bán hàng qua mạng để mua sản phẩm thì nhiều chỗ báo hết hàng và yêu cầu đặt hàng, có sản phẩm sẽ gọi lại. Bởi họ cho biết hiện nhu cầu mua máy tạo oxy của người dân cao nên hàng chưa nhập về kịp.
Theo giới thiệu của các đơn vị bán máy tạo oxy, máy này được sử dụng trong rất nhiều trường hợp: người bệnh, người bị nạn khi cấp cứu phải cho thở trực tiếp oxy, người cao tuổi, người bệnh hen suyễn, người bị yếu phổi, phi công lái máy bay, thợ lặn khi xuống sâu.
Ngoài ra, những người bình thường làm việc trong môi trường độc hại cũng rất cần máy tạo oxy... Đặc biệt đối với những bệnh nhân bị suy hô hấp mãn tính thì không thể thiếu máy tạo oxy.
Theo nhận định của các đơn vị bán hàng, do người dân lo lắng dịch bệnh bùng phát mà hệ thống y tế quá tải, không thể tiếp nhận bệnh nhân như các nước, nên họ đổ xô đi mua máy tạo oxy và bình ô xy để sử dụng khi tình huống xấu nhất xảy ra, các bệnh nhân Covid-19 không được bệnh viện tiếp nhận như một số nước.
Người dân không nên mua tích trữ máy thở, máy tạo oxy, bình oxy
Theo Bộ Y tế, đối với các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đều cần đến thở máy.
Theo dữ liệu được Bộ Y tế ghi nhận, trong đợt dịch lần này có khoảng 80% các bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Chỉ có khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập.
Việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở cũng khác và yêu cầu cao hơn so với các thiết bị theo dõi sức khỏe thông thường tại nhà như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết… mà người dân có thể sử dụng tại nhà.
Theo đó việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.
Đồng thời quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời.
Do đó, trong điều kiện gia đình thì không thể thiết lập các hệ thống máy thở, cũng như không thể cắt cử các kíp chuyên môn đến vận hành và theo dõi việc sử dụng máy thở tại nhà riêng cho bệnh nhân.
Bộ Y tế cam kết không thiếu máy thở cho người bệnh nên người dân không nên mua, tích trữ máy thở vì vừa gây lãng phí do không thể tự dùng được, mà còn tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch bệnh có những diễn biến khó lường.
Còn về nguồn cung khí oxy, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất oxy. Kết quả cho thấy khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện. Do đó nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước nói chung hay tại TPHCM nói riêng đều không thiếu.
Người dân không nên mua, tích trữ các bình khí oxy tại nhà vì không những không thể sử dụng được mà còn tiềm ẩn mối nguy cháy nổ rất lớn.
Vân Ly
Theo KTSG Online