Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Bóc tách và phong tỏa đến bao giờ?

(SGTT) - Mấy ngày gần đây, nhiều bạn bè và sinh viên cứ điện thoại hỏi tôi “Sài Gòn còn tiếp tục bóc tách và phong tỏa đến bao giờ?”. Thế nhưng, tôi không phải là chuyên gia dịch tễ nên đành trả lời là “Chịu”. Họ hỏi tiếp với góc nhìn thời sự, vì biết tôi là người có quan rệ rộng với đủ thành phần xã hội. Tôi cũng chỉ một từ “Chịu”. 

Đem chuyện hỏi mấy người có vai vế, cả đương chức lẫn về hưu, vẫn không ai trả lời cụ thể được. Ừ thì nói chống dịch là như chống giặc nhưng nó chỉ đúng ở khía cạnh tinh thần bởi hai câu chuyện này hoàn toàn khác nhau. Bởi chống dịch bệnh là phải có chuyên môn, khoa học chứ không cần gan dạ, mưu mẹo như chống giặc ngoại xâm.

Thế nên, sáng tạo phải dựa trên cơ sở khoa học chứ không thể chủ quan. Sai thì phải sửa nhưng không thể thay đổi chiến thuật kiểu sáng nắng chiều mưa, thậm chí vừa ban hành đã phải thu hồi, vừa công bố đã phải rút lại. Chống dịch và chống giặc đều phải thận trọng, chủ động, chớp thời cơ chứ không thể tùy tiện. Trong cuộc sống, “sai một ly, đi một dặm”; trong chống dịch, sai mấy từ có thể làm bao nhiêu người khốn đốn theo.

Làm gì cũng có thể sai sót, lúc đầu lúng túng và bất ngờ là chuyện thường nhưng không thể cứ mãi lúng túng hoài được. Hết phun thuốc xịt khuẩn toàn quốc đến phong tỏa đại trà, rồi cứ F0, F1 là cách ly, là phong tỏa cả cộng động đồng. Nỗi hoang mang, sợ hãi sẽ nhân lên nếu tập trung, dồn nhốt; đặc biệt là trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ.

Dù mục đích tốt đẹp nhưng các chủ trương đi chợ hộ, cấm shipper, loạn app, đủ thứ giấy đi đường, sản xuất 3 tại chỗ, xét nghiệm liên tục… đều lợi bất cập hại. Ngay rào chắn vô hồn, dây thép gai bịt kín khắp nơi cũng bất ổn. Thay vì tập trung nguồn lực để cứu người bệnh, bệnh gì cũng cứu thì lại truy vết F0. Cái chính là làm sao để người dân tự nguyện đồng lòng và hiến kế, chung sức.

Nhìn qua một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia đã từng bước mở cửa cả kinh tế lẫn du lịch, dù gặp không ít trở ngại. Họ vẫn kiên trì, bình tĩnh, cân nhắc và quyết đoán khi mở cửa. Châu Âu, Mỹ và nhiều nước đều khẳng định “Sống chung với virus”, xem Covid-19 và các biến thể như một loại cúm mới và bình thường mọi hoạt động trong điều kiện mới mà vẫn cảnh giác và thực hiện 5K.

Hình như Việt Nam chống dịch trong tâm lý hoảng sợ, nhất là sợ trách nhiệm nên mỗi địa phương một kiểu. Thiên hạ khẩn trương “Nhanh nhưng an toàn”, Việt Nam cứ đủng đỉnh “Chậm mà chắc”, vẫn tuyên bố “Sống chung với dịch”, nghĩa là dịch bệnh không biến mất nên sẽ phong tỏa bất tận? Thật là chỉ khác một từ mà nội dung một trời một vực.

Phong tỏa trong nhà mà ngoài đường nhộn nhịp, các điểm chích ngừa chen chúc như trẩy hội, hay gần nhất là việc dân Hà Nội đổ ra đường vui Trung Thu. Các điểm xét nghiệm rồng rắn, các chốt chặn ùn tắc vì phải kiểm tra đủ thứ giấy tờ. Đến Thủ tướng cũng phải đề nghị các ngành đơn giản hóa thủ tục, chỉ cần một app thống nhất, chỉ cần có thẻ xanh là tham gia giao thông có chủ đích.

Cả Thủ tướng Phạm Minh Chính lẫn Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đều khẳng định “Không thể phong tỏa mãi” nhưng cụ thể là bao giờ hết phong tỏa thì không ai trả lời được. Râm ran một số doanh nghiệp nước ngoài đã lên phương án dời nhà máy qua nước khác nếu Việt Nam cứ tiếp tục phong tỏa và chống dịch như hiện nay.

Có người nửa đùa nửa thật là Việt Nam đang chống dịch sáng tạo theo kiểu không giống ai. Trong khi thiên hạ đã từng bước mở cửa đón khách du lịch quốc tế, Việt Nam chưa biết đến bao giờ vì thiếu sự chuẩn bị. Chưa kể, người Việt sẽ gặp khó khi ra nước ngoài vì một số vắc-xin chủng ngừa ở Việt Nam không được quốc tế công nhận rồi thẻ xanh Việt Nam chỉ giá trị sử dụng trong nước.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối