Cẩm Anh-
Khi con đến tuổi dậy thì, sự thay đổi về tâm sinh lý khiến việc dạy con trở nên khó khăn. Theo một số chuyên gia giáo dục, cha mẹ có thể tham khảo một số phương pháp tích cực để hiểu và gần gũi con, tránh ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ.
Một buổi tư vấn giáo dục giới tính cho trẻ từ độ tuổi 12-16 tổ chức tại một trường học ở quận 1, TPHCM. Ảnh: Cẩm Anh
Nhiều tình huống phức tạp
Chị Nguyên Hồng, nhà ở quận 3, TPHCM, chia sẻ câu chuyện của con trai 13 tuổi. Theo lời chị Hồng, cách đây không lâu, con trai chị đi học về với vẻ mặt rất buồn và khóc nức nở. “Tôi hỏi thăm nhưng cháu không trả lời, đóng kín cửa phòng khóc suốt ngày hôm đó. Tôi lo quá nên gọi điện thoại hỏi bạn thân cháu mới biết là trên trường cháu có người yêu và buồn khóc vì người yêu đã quen người khác”, chị kể. Còn trường hợp bé gái 15 tuổi, con của chị Ngọc, nhà ở quận Bình Thạnh thì nghiêm trọng hơn bởi chị vô tình phát hiện con hút thuốc trong phòng tắm, xỏ nhiều khuyên tai và xăm hình ở lưng.
Bên cạnh đó, trên các diễn đàn xã hội, nhiều cha mẹ cũng than vãn về việc con mình ở độ tuổi dậy thì tính tình hay thay đổi, chống đối lại cha mẹ. Một số trường hợp trẻ còn giữ bí mật, lén lút khi nghe điện thoại và không còn tâm sự với cha mẹ như ngày trước. Nhiều trẻ còn lơ là việc học dẫn đến lực học sa sút, có em phải nghỉ một năm học vì gặp một số vấn đề về tâm lý.
Về việc thay đổi tâm sinh lý của trẻ ở tuổi dậy thì, chị Hà, giáo viên một trường trung học tại quận Phú Nhuận, chia sẻ rằng chị là giáo viên nên từng nghe nhiều tâm sự từ học sinh. Bản thân chị nghe xong cũng rất sốc và không biết giải quyết thế nào. Chẳng hạn, nhiều bé gái sợ và ám ảnh chu kỳ kinh nguyệt nên cứ tới kỳ là không chịu đi học hoặc mặc một lúc 3-4 áo che ngực. Một số em hỏi về vô sinh, đồng tính. Có nhiều em thắc mắc về quan hệ tình dục, thậm chí tâm sự rằng đã từng quan hệ vì tò mò. “Gặp những trường hợp như vậy, tôi chỉ có thể báo lại với phụ huynh và đưa các em đến chuyên viên tâm lý vì tôi cũng không có chuyên môn trong lĩnh vực này”, chị nói.
Là người có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho lứa tuổi dậy thì, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết trẻ ở độ tuổi dậy thì 12-16 tuổi thường có những hành vi như chống đối, lơ là việc học, ham mê thần tượng, chăm chút hình thức, tò mò về tình dục, yêu đương hoặc nghe lời bạn bè thái quá. Ngoài những thay đổi tâm sinh lý, trẻ và cha mẹ còn gặp xung đột giữa khả năng thực tế của trẻ so với mong đợi của cha mẹ. Chị Huyền nói: “Nhiều phụ huynh muốn con mình phải tự lập ở độ tuổi 14-16 tuổi, nhưng trẻ vẫn chưa sẵn sàng. Trẻ sẽ bị áp lực với những kỳ vọng của cha mẹ dẫn đến có thái độ, lời nói khó chịu và chống đối. Từ đó, tính nết và hành động của trẻ cũng thay đổi”.
[box] Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, cha mẹ nên xin lỗi con nếu bản thân mình đã làm sai. Cha mẹ không nên bắt con cảm thông cho lỗi sai của mình khi chính mình không dũng cảm nhận lỗi, dẫn đến trẻ sẽ có thái độ không nhận lỗi sau này. Cha mẹ cũng từng trải qua giai đoạn tuổi dậy thì “ẩm ương”, nên cần nhẹ nhàng thấu hiểu cho những gì con mình đang trải qua, từ đó trẻ sẽ gần gũi và tin cậy cha mẹ hơn.[/box]
Hiểu và làm bạn với con
Thạc sĩ Huyền cho rằng, tuổi dậy thì là giai đoạn quan trọng hình thành bản sắc cá nhân. Nếu cách giáo dục của cha mẹ không hiệu quả và tiêu cực thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý và hình thành tính cách không tốt sau này của trẻ.
Bên cạnh đó, chị Huyền cũng cảnh báo về những cách ứng xử của cha mẹ khi con cái thay đổi tâm sinh lý. “Thông thường phụ huynh sẽ mặc kệ, im lặng chịu đựng, tức giận, quát nạt, cấm đoán hoặc kiểm soát, theo dõi con mình. Nhưng thực tế không dễ dàng gì để ngăn cấm tuyệt đối hành động của con”, chị Huyền cho biết.
Ngoài ra, khi cha mẹ bộc lộ những cảm xúc giận dữ, cấm đoán hoặc bất lực, rơi nước mắt vì những hành động sai trái của con mình thì chưa hẳn sẽ làm cho trẻ thấy hối lỗi. Trường hợp nhận thức được hành vi không đúng của mình, với đặc điểm của độ tuổi này, trẻ rất khó có thể nói lời xin lỗi hay tâm sự vấn đề mình gặp phải với cha mẹ.
Theo chị Huyền, muốn đồng hành với con, trước hết cha mẹ nên hiểu những vấn đề mà con mình có thể gặp phải để đồng cảm với trẻ. Cụ thể, cha mẹ cần dành cho con sự quan tâm tế nhị, tránh chê bai hoặc phán xét bằng từ ngữ không tôn trọng con. Cha mẹ cần kiên nhẫn thiết lập mối quan hệ gắn bó, đồng thời có những giới hạn, quy tắc riêng.
Đồng thời, cha mẹ nên tâm sự nhiều hơn với con về những vấn đề tế nhị như tình yêu hay tình dục để trẻ dễ dàng thổ lộ suy nghĩ của mình. Cha mẹ cũng có thể làm bạn với con qua những cuốn sách mà con cần, như sách về tâm sinh lý tuổi mới lớn, những câu chuyện tình yêu đẹp góp phần vun đắp hoài bão cho trẻ. Nếu con không thể chia sẻ, cha mẹ có thể đưa con đến các thầy cô giáo, trung tâm tư vấn để góp phần giải tỏa những nỗi niềm của con.
Cha mẹ cũng cần lưu ý kiểm soát tính khí nóng nảy của mình, kiềm chế sự tức giận trước những hành vi của con. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tránh việc so sánh giữa bạn bè hay anh chị em của trẻ, điều đó khiến trẻ dễ mặc cảm và luôn thấy bản thân yếu kém và tổn thương.