Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Bối rối sản phẩm chứa paraben

VŨ YẾN-HOÀNG NHUNG -

Theo yêu cầu của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), bắt đầu từ ngày 1-8 tới đây, các sản phẩm có chứa paraben, chất bảo quản và nhũ hóa trong mỹ phẩm, sẽ bị cấm sử dụng và lưu hành trên thị trường. Điều khiến người tiêu dùng quan tâm là việc thực hiện cũng như kiểm soát ra sao khi chỉ còn bốn ngày nữa là quy định có hiệu lực, trong khi trước đó trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chứa chất này, theo như các chuyên gia trong ngành khẳng định.

Loại trừ nguy cơ

Trong công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành, viện kiểm nghiệm và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, Cục Quản lý dược liệt kê năm dẫn chất paraben bao gồm isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben vào danh mục các chất không được dùng trong mỹ phẩm. Các sản phẩm sản xuất trong nước hay nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30-7-2015.

Sản phẩm nào có chứa hay không có chứa dẫn xuất paraben thì người tiêu dùng không thể phân biệt được. Ảnh: Vũ Yến
Sản phẩm nào có chứa hay không có chứa dẫn xuất paraben thì người tiêu dùng không thể phân biệt được. Ảnh: Vũ Yến

Các dẫn chất paraben, theo Cục Quản lý dược, được sử dụng khá phổ biến dưới vai trò chất bảo quản trong mỹ phẩm. Cụ thể, có đến 22.000 sản phẩm mỹ phẩm có sử dụng dẫn chất paraben để bảo quản. Mặc dù chưa chứng minh được rõ ràng tác hại của paraben, nhưng sau khi xem xét khả năng chất này có thể ảnh hưởng tới hệ nội tiết cũng như gây dị ứng cho người sử dụng, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã thống nhất lộ trình ngưng lưu hành sản phẩm có mặt paraben.

PGS.DS. Nguyễn Hữu Đức (trường Đại học Y dược TPHCM) cho biết hầu hết các mỹ phẩm, dược phẩm, ngay cả mỹ phẩm được gọi là thiên nhiên 100% đều dùng chất bảo quản. Paraben có chức năng sát khuẩn, diệt các loại vi nấm, do vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy chất này có mặt trong các sản phẩm đòi hỏi có sự bảo quản trong thời gian dài.

DS Đức kể, cách đây không lâu, báo chí đưa tin Cơ quan An toàn sức khỏe của Pháp hợp tác với nhiều hãng dược phẩm nghiên cứu về tính độc hại của các paraben vì nghi các chất bảo quản này có khả năng gây ung thư vú ở phụ nữ và vô sinh ở nam giới. Các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa đi đến kết luận thống nhất về các paraben.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy các paraben có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ nội tiết, cũng như gây phản ứng dị ứng nếu dùng bôi ngoài da (dùng nhiều trong kem dưỡng da). Với nguyên tắc “cân nhắc và loại trừ nguy cơ là tốt nhất”, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã thống nhất lộ trình ngưng lưu hành các sản phẩm có chứa một trong năm paraben kể ở trên.

Trong một buổi hội thảo liên quan đến mỹ phẩm, khăn giấy ướt và sức khỏe người tiêu dùng tổ chức tại TPHCM gần đây, PGS.TS.BS. Lê Ngọc Diệp, công tác tại bộ môn da liễu trường Đại học Y dược TPHCM, cho biết paraben và methylisothiazolinone là các chất bảo quản có mặt trong nhiều sản phẩm, mỹ phẩm chăm sóc cá nhân như kem dưỡng da, nước tẩy trang, kem cạo râu và nhiều sản phẩm dùng cho trẻ em như khăn ướt, sữa tắm, dầu gội đầu…

BS Diệp cho biết, gần đây trên thế giới đã có những nghiên cứu cho thấy các chất này có thể nguy hiểm cho sức khỏe và tác động đến hệ nội tiết. Đã có nhiều báo cáo về các trường hợp viêm da do dùng các sản phẩm có chứa methylisothiazolinone ở các nước châu Âu và châu Mỹ.

Theo vị bác sĩ này, thông thường người ta phối hợp các gốc paraben để giúp làm giảm liều lượng của chất này trong sản phẩm, đồng thời tăng khả năng kháng khuẩn và kháng nấm. Nhưng đối với các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện vệ sinh kém, nguyên vật liệu đầu vào không đảm bảo chất lượng thì cơ sở sản xuất thường lạm dụng paraben vượt giới hạn cho phép nhiều lần để chống nấm mốc và vi khuẩn vì paraben có hoạt tính mạnh và giá rẻ.

Nói về tác hại của paraben, BS. Diệp cho biết các paraben có hoạt tính giống như nội tiết tố estrogen của phụ nữ, có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết tố, đồng thời có thể gây viêm da kích ứng. “Paraben còn có khả năng gây ra ung thư vú, các triệu chứng của sự mãn kinh và giảm khả năng sinh sản ở nam”, BS. Diệp nói.

Người tiêu dùng làm sao biết?

Mặc dù các nhà chuyên môn cảnh báo paraben có mặt trong hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm, nhưng trên thị trường sản phẩm nào có chứa hay không có chứa dẫn xuất paraben thì người tiêu dùng không thể phân biệt được. Bởi người tiêu dùng chỉ có thể căn cứ vào thành phần ghi trên nhãn mác sản phẩm nhưng phần lớn sản phẩm như kem dưỡng da, nước tẩy trang, kem cạo râu, sữa tắm, dầu gội đầu và các sản phẩm dùng cho trẻ em đều không ghi thành phần paraben. Nhiều ý kiến phân vân rằng, nếu doanh nghiệp không ghi trên nhãn mác vì sản phẩm của họ không có chứa paraben thì hóa ra ý kiến cảnh báo của nhà chuyên môn là sai?

Chị Minh Thiên, nhà ở quận 1, TPHCM, cho biết thời gian gần đây đọc báo thấy nói paraben một loại hóa chất không an toàn cho sức khỏe nên khi đi mua sắm mỹ phẩm chăm sóc cá nhân và sản phẩm chăm sóc em bé chị để ý kỹ hơn nhưng chưa bao giờ thấy hóa chất này trên nhãn.

“Cơ quan quản lý nói có, nhưng doanh nghiệp không ghi nên người tiêu dùng như tôi khá hoang mang và lúng túng khi lựa chọn. Thà họ ghi lên nhãn “No Paraben” như một số loại sản phẩm khăn giấy trẻ em hay mỹ phẩm hiện nay để mình có sự lựa chọn, đằng này họ không ghi nên chẳng biết đâu mà lần”, chị Thiên nói.

Giải thích lý do có sử dụng paraben nhưng không ghi trên nhãn mác, tổng giám đốc của một công ty sản xuất hóa mỹ phẩm trong nước (không muốn nêu tên) cho biết trên thực tế paraben là một loại hóa chất được sử dụng nhiều trong các sản phẩm mỹ phẩm, nhất là các loại mỹ phẩm thoa lên mặt. Nhưng đa số các nhà sản xuất không ghi chất này vào thành phần là vì trong quy định ghi nhãn mác thường chỉ ghi thành phần chính, trong khi paraben và các loại dẫn chất của nó không phải thành phần chính, nên các nhà sản xuất chỉ ghi chung chung là chất bảo quản.

[box] Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết bắt đầu từ ngày 1-8, khi quyết định của Bộ Y tế có hiệu lực, tất cả các sản phẩm trên thị trường hiện có chứa chất paraben đều phải thu hồi để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đơn vị nào thu hồi bỏ sót đều bị xử phạt theo quy định.[/box]

Tính chuyện thu hồi

Nói về việc thu hồi sản phẩm, vị tổng giám đốc trên cho rằng quy định của Cục Quản lý dược đang gây khó cho doanh nghiệp vì thời gian ban hành văn bản và thời gian cấm lưu hành khá gần nhau (Công văn 6577/QLD-MP của Cục Quản lý dược ban hành ngày 13-4-2015). Song, ông cũng cho biết sẽ thu hồi các sản phẩm trước ngày 1-8, đồng thời tìm kiếm chất bảo quản thay thế khác.

Còn ông Lê Quang Được, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Quốc tế Việt Úc, cho biết từ năm 2013, các sản phẩm của công ty bao gồm khăn giấy ướt và sữa tắm trẻ em đã không sử dụng paraben làm chất bảo quản.

Về phía hệ thống phân phối, đại diện của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết chủ trương của Saigon Co.op là nghiêm túc thực hiện các quy định của các cơ quan quản lý chuyên ngành đối với tất cả các sản phẩm, mặt hàng bán trong siêu thị. Do đó, ngay sau khi nhận được nội dung cập nhật các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, Saigon Co.op đã có thông báo chính thức đến tất cả các nhãn hàng liên quan để hướng dẫn thực hiện nghiêm túc các quy định. Động thái này giúp nhãn hàng, nhà sản xuất kịp thời cập nhật thông tin để có kế hoạch sản xuất điều chỉnh phù hợp.

Ông Lê Ngọc Hoàng, bộ phận quản lý chất lượng sản phẩm của hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam, cho biết siêu thị đã tiến hành rà soát, kiểm tra hồ sơ công bố các loại mỹ phẩm. Các sản phẩm có nồng độ các chất trong giới hạn cho phép vẫn kinh doanh bình thường.

Gần đây, một số sản phẩm khăn giấy đã được thu hồi. Doanh nghiệp sản xuất cho biết sẽ sớm xin cấp lại giấy phép công bố sản phẩm đạt yêu cầu theo quy định, và dự kiến cuối tháng 7 này sẽ hoàn thành thủ tục để đưa các sản phẩm trở lại thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối