Thứ hai, Tháng tư 28, 2025

Bối rối với phụ gia thực phẩm

TÂM AN - 

Không chỉ bất lực với các loại phụ gia độc hại được các cơ sở sản xuất thực phẩm “bẩn” lén lút sử dụng và qua mặt cơ quan chức năng bằng nhiều cách, người tiêu dùng cũng thực sự bó tay với các loại phụ gia được cấp phép và công bố.

Vẫn tiềm ẩn rủi ro

DSC_1205Theo quy định, nhà sản xuất phải ghi trên nhãn đầy đủ các thành phần có trong sản phẩm, nhưng thực sự người tiêu dùng khó biết rõ tác dụng của các thành phần này.

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, tại một tọa đàm về câu chuyện nỗi lo của người tiêu dùng khi mua sắm diễn ra cách đây chưa lâu, đã đánh giá bình quân mỗi sản phẩm hiện nay có sử dụng 7-8 loại phụ gia, cá biệt có những sản phẩm dùng tới 20 loại phụ gia, chẳng hạn như bột nêm.

Vấn đề là, theo bác sĩ Ký, ngay cả với những loại phụ gia được phép sử dụng thì cũng có thể gây phản ứng, dị ứng hoặc gây hại với một số nhóm người như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người có vấn đề về thận. Có những chất phụ gia trước đây được cho phép sử dụng nhưng gần đây lại bị cấm (nhờ khoa học phát triển, tìm ra những tác dụng nguy hiểm). Lại cũng có những chất mà các nước phát triển cấm nhưng nhiều nước khác thì không.

Nguy hiểm hơn, các phụ gia được coi là an toàn khi dùng riêng lẻ nhưng kết hợp nhiều loại có thể tạo ra phản ứng hóa học, sinh ra các chất độc hại. Theo bác sĩ Ký, các quy định quản lý hiện hành chỉ mới tính ngưỡng cho từng loại phụ gia. Thế mới có chuyện, chất này không được dùng quá 10 mg, nếu lên 11 mg là vi phạm, nhưng ba loại phụ gia có tác dụng tương tự nhau với tổng hàm lượng 30 mg thì lại được phép.

Bên cạnh đó, tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải ghi đầy đủ tên các chất phụ gia sử dụng trên nhãn. Vậy nhưng, người tiêu dùng không thể có đủ kiến thức hóa để đọc hiểu những chất được ghi bằng tên khoa học. Đó là chưa nói, các nhà sản xuất còn in rất nhỏ, ẩn dưới các lớp bao bì…

Ông Châu Thịnh Lân, Tổng giám đốc Công ty Vianco, một doanh nghiệp chuyên sản xuất gia vị, nhìn nhận, trong khi thế giới đang quay trở về với những gì tự nhiên sau thời gian dài dùng nhiều phụ gia thì Việt Nam lại đang ở giai đoạn dùng các phụ gia để giảm giá thành sản phẩm, cạnh tranh với nhau bằng giá. Thực hiện các quy định, hiện nay các nhà sản xuất có pháp nhân đều đã khai báo đầy đủ về các chất sử dụng trên nhãn và bằng những cái tên khoa học. Đây là yêu cầu bắt buộc của cơ quan quản lý nhằm tránh nhầm lẫn bởi có những loại phụ gia có thể có đến 5 tên thương mại. Tuy nhiên, những cái tên này thì quá chuyên ngành với người tiêu dùng. Hiện nay, với nhiều sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, người tiêu dùng càng khó biết thông tin dù có yêu cầu bắt buộc về nhãn tiếng Việt.

Thêm vào đó, nhiều nhà sản xuất làm tiếp thị “quá giỏi”, biết “đánh” vào cảm xúc của người tiêu dùng… bằng những tính năng, lợi ích của sản phẩm. Nhưng, nhiều thông tin trong đó vẫn chưa rõ ràng, thậm chí lập lờ và người tiêu dùng bị dẫn dụ vì không đủ kiến thức.

Nhận xét của ông Lân có thể thấy rõ ở nhiều mặt hàng, nước mắm là một ví dụ. Có nhiều thương hiệu sản phẩm được quảng cáo rằng sản xuất theo phương thức truyền thống với nhà thùng, thời gian ủ cá (gần một năm) nhưng độ mặn vừa phải, không cần thêm, bớt gia vị…, khác biệt với các sản phẩm thường thấy. Bà Bùi Thị Sách, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Nam Phan (tỉnh Ninh Thuận), nhận xét nhiều người tiêu dùng ưa thích nhưng chưa bao giờ tự đặt câu hỏi, sản phẩm có 10% nước mắm, vậy phần còn lại là những gì?

Thông minh bằng cách nào?

Ông Châu Thịnh Lân chia sẻ, để bảo vệ người tiêu dùng trước những chiêu trò của nhà sản xuất, các cơ quan quản lý về quảng cáo cần phải kiểm soát kỹ càng những nội dung, cần có quy định về dẫn nguồn, chứng minh những con số, thông tin được nhà sản xuất đưa ra.

Bên cạnh đó, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thể học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài là thường xuyên mang các sản phẩm trên thị trường thí nghiệm, phân tích. Làm việc này không phải là để so sánh với những gì nhà sản xuất quảng cáo mà để có những thông tin độc lập về chức năng cho người tiêu dùng tham khảo. Muốn vậy thì cần phối hợp với các nhà khoa học, thực hiện hoàn toàn độc lập, đảm bảo là không có tài trợ từ các nhà sản xuất.

Còn với người tiêu dùng, ông Lân cho rằng, có thể tìm hiểu thông tin trên Internet. Tiếc rằng, hiện tại chủ yếu thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Việt rất ít. Do vậy, ông Lân kỳ vọng sẽ có một trang web bằng tiếng Việt, hoàn toàn độc lập với chuyện kinh doanh của doanh nghiệp để cung cấp thông tin hữu ích, các kiến thức sử dụng thực phẩm cho người tiêu dùng.

Rất nhiều người mua hàng theo lời tư vấn của người bán, nhất là ở kênh truyền thống. Tuy nhiên, phải nhìn cách bán hàng, cách chủ cửa hàng hỏi về nhu cầu của mình trước khi giới thiệu sản phẩm để hiểu động cơ của người bán, đó là vì lợi nhuận hay vì muốn giữ khách. “Nếu họ thực sự quan tâm đến nhu cầu của mình, đó là về giá, về hương vị, về sức khỏe… thì họ sẽ hỏi cặn kẽ trước khi giới thiệu sản phẩm phù hợp. Nếu họ chỉ hỏi về sản phẩm thì nhiều khả năng là vì doanh số với nhà sản xuất”, ông Lân nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối