(SGTT) - Hiện tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM đã được kiểm soát nhưng ngành y tế thành phố vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn như nguy cơ dịch chồng dịch như Covid-19, bệnh sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm mùa hè; nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế; tình trạng thiếu nguồn nhân lực do nhân viên y tế nghỉ việc…
- Gần 1.000 nhân viên y tế ở TPHCM nghỉ việc
- Trẻ bị thận hư tại TPHCM có nguy cơ không được thanh toán BHYT
- Bệnh viện thiếu thuốc nhưng gần 3.500 túi thuốc trị sốt xuất huyết hết hạn, chờ hủy
Sáng 5-8, tại buổi gặp gỡ giữa Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và cán bộ nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế tại TPHCM, nói về những khó khăn của ngành y tế, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết hiện dịch Covid-19 trên địa bàn đã được kiểm soát nhưng ngành y tế thành phố vẫn gặp những thách thức và khó khăn mới. Theo đó, TPHCM đang đối mặt với bốn nguy cơ là dịch chồng dịch, tình trạng thiếu thuốc, biến động nguồn nhân lực và tình trạng lo lắng kéo dài ở một số bộ phận nhân viên y tế.
Trước đây, nhân viên y tế gặp nhau rất vui vẻ, nhưng hiện nay ai cũng lo lắng. Ngành y tế xem đây là nguy cơ và phải có biện pháp giải quyết. “Chúng tôi triển khai công tác lắng nghe tâm tư của nhân viên y tế tại các đơn vị mỗi tuần, ngoài ra còn có những chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các anh em trong ngành y tế”, ông Thượng cho biết.
Trong thời gian vừa qua, một số cơ sở y tế cũng có tình trạng nhân viên nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến biến động nguồn nhân lực trong ngành y tế.
Về tình hình biến động nhân viên y tế công lập, ông Thượng cho biết, từ đầu năm đến nay có 891 viên chức các cơ sở y tế xin nghỉ việc; đồng thời cũng đã có nhiều nhân viên y tế mới tốt nghiệp xin vào làm việc. Theo thống kê, nếu như số người làm việc vào cuối năm 2021 tại các y tế cơ sở công lập trên địa bàn là hơn 42.914 người; ở thời điểm hiện tại, tổng số người đang làm việc tại các y tế cơ sở công lập là hơn 42.608 người.
Mặc dù tổng số người làm việc giảm không nhiều (306 người) nhưng “điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì những người nghỉ việc là người có thâm niên, nhiều năm kinh nghiệm. Đối với người mới vào là những người vừa tốt nghiệp, cần thời gian để thực hành, làm việc”, ông Thượng chia sẻ.
Chia sẻ về tình hình nhân sự tại trạm y tế, bà Kim Nhật Lệ Anh, Trưởng trạm y tế, phường 12, quận Gò Vấp, cho biết trong giai đoạn trước dịch từ năm 2018-2020, trạm y tế phường đã thực hiện trạm y tế mô hình điểm với 10 nhân sự. Tuy nhiên, sau đợt đại dịch Covid-19 (kéo dài từ 2020-2021), trạm y tế rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn nhân lực. Hiện trạm y tế chỉ còn 7 nhân sự (1 cử nhân y tế công cộng, 2 điều dưỡng, 2 y sĩ, 1 dược sĩ đại học và 1 nữ hộ sinh).
Tuy nhiên, nhờ vào Nghị quyết 01 của Hội đồng nhân dân TPHCM, trạm y tế đã kịp thời bổ sung thêm được nguồn nhân lực là các bác sĩ từ Bệnh viện Y khoa Phạm ngọc thạch, bác sĩ quân để hỗ trợ cho cho công tác khám, chữa bệnh tại trạm y tế, bà Lệ Anh cho biết.
Trước thực trạng thiếu nguồn nhân lực y tế, Giám đốc Sở Y tế TPHCM kiến nghị là không giảm số biên chế của ngành y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động phù hợp.
Ngành y tế thành phố cần có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị tự chủ về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý của ngành y tế.
Trước mắt cần tuyển Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM để ổn định sớm nhân viên y tế, bởi hiện nay, bệnh viện này vẫn chưa có giám đốc, chỉ có ba phó giám đốc. Trước đó, ngày 9-2-2021, ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, bị bắt tạm giam trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại bệnh viện.
Bên cạnh thiếu nguồn nhân lực do nhân viên y tế nghỉ việc, một trong những nguy cơ được Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu ra là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Để giải quyết tình trạng này, ông Thượng cho biết đã yêu cầu phòng nghiệp vụ dược triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả trong đấu thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện và các đơn vị trực thuộc, không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng.
Ngành y tế thành phố sẽ luân phiên đấu thầu tập trung các địa phương hai lần mỗi năm tại các bệnh viện tuyến cuối thành phố, huy động nguồn lực của cả ngành y tế tham gia. Đồng thời sẽ tổ chức giám sát tình hình sử dụng thuốc, tổ chức điều phối giữa các bệnh viện, chuẩn bị nguồn lực chuyên trách công tác quản lý và cung ứng thuốc cho bệnh viện, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại y tế cơ sở.
Ngoài ra, ngành y tế thành phố cũng đã có những phương án “biến nguy thành cơ”, thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, đặc biệt không để bị động khi dịch sốt xuất huyết bùng phát cùng với dịch Covid-19, ông Thượng nói.
Minh Thảo