(SGTT) – Vừa kết thúc hành trình đạp gần 550km vào chiều chủ nhật vừa qua, chị Bùi Thị Phúc (32 tuổi), sinh sống tại TP Hội An đã lên tinh thần thực hiện những thử thách tiếp theo. Dù là mẹ hai con, bận rộn với công việc quản lý chuỗi nhà hàng từ xa, chị Phúc vẫn tận hưởng niềm đam mê đạp xe phong trào cùng những đồng đạp và người bạn đời ngoại quốc của mình.
- Gặp nữ giám đốc đạp xe vượt đèo, đi du lịch “bon bon” ở tuổi 63
- Gia đình nhỏ rủ rê nhau “xê dịch”, thay đổi tinh thần hậu Covid-19 nhờ xe đạp
Đam mê đồng vợ đồng chồng
Chuyển vào sinh sống ở Hội An vì tình yêu với mảnh đất phố cổ, chị Bùi Thị Phúc, hay còn gọi là Katie Bardsley nhớ mãi thời điểm tăng 30kg sau sinh bé thứ hai. Đó là khoảng thời gian chị xoay sở tìm cách cải thiện sức khỏe và vóc dáng như thời con gái của mình. Chị tiết lộ chỉ trong chưa đầy hai năm được chồng đôn đốc cùng đạp xe, chị đã tìm thấy được môn chơi mình thuộc về và nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Giờ đây, cộng đồng đạp xe biết đến chị với nhiều thành tích nổi bật và tinh thần “chịu chơi” của hai vợ chồng.
Để có kết quả rõ rệt, chị cho biết người bạn đời lên kế hoạch luyện tập và chế độ ăn uống cụ thể. “Chồng là người yêu thích bộ môn này trước, nên cũng chính là người thầy hướng dẫn kỹ thuật, động viên tôi không ngừng từ những cây số đầu tiên. Mỗi người có thể cùng theo một chế độ tập luyện giống nhau nhưng việc cho ra kết quả khác nhau là chuyện bình thường”, chị kể. Được chồng đánh giá có năng khiếu với môn chơi và khả năng hồi phục cơ thể tốt, chị nhanh chóng nâng cao thành tích từ 21km lên 54km, tăng dần đều theo thời gian cho đến khi đủ tự tin tham gia những giải phong trào liên quan.
Được biết, trong giải IRONMAN 70.3 tại Đà Nẵng năm 2022, đội chị về đích với hạng nhì, tiếp đó chị tham gia giải Đà Nẵng Gran Fondo và nằm trong top 5; giành chức vô địch giải đua xe đạp NTT-SKY Open; gần nhất là vị trí chiến thắng giải đua xe đạp Ngũ Hành Sơn Open tổ chức đầu tháng 1 năm nay. Với một vài thứ hạng nổi bật, chị đã để lại ấn tượng với hình ảnh nữ cua-rơ khỏe khoắn, vượt qua tâm lý sau sinh, trở thành người đồng điệu cùng chồng trong mọi hoàn cảnh.
Chị tâm sự ngoài thời gian quản lý nhà hàng, làm công việc kinh doanh hằng ngày, hai vợ chồng luôn có cùng một chủ đề bàn luận. Những câu hỏi làm thế nào để đạp nhanh hơn, nên trang bị thêm những gì để việc tập luyện được suôn sẻ đã khiến cho không khí gia đình bốn người được tiếp thêm năng lượng từ thể thao, chị nhận định.
Với kinh nghiệm từng chơi qua những môn thể thao khác như tập gym, Katie kết luận đạp xe giúp tiêu hao nhiều calories hơn trong một giờ đồng hồ và ít gặp cảm giác lặp đi lặp lại như tập luyện trong nhà. Từng là kiểu phụ nữ sợ đen, điệu đà, Katie cũng tự tin mình đã tự do hơn trong suy nghĩ nhờ nhiều giờ đồng hồ trên xe đạp đều đặn mỗi ngày.
Cán đích thử thách: lăn bánh không ngủ
Thông qua hoạt động đạp xe kêu gọi gây quỹ ủng hộ bệnh nhân bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và quỹ Newborns Vietnam do hội xe đạp thể thao TP Đà Nẵng tổ chức, chị Phúc đã đăng ký tham gia thử thách đạp xe liên tục một ngày một đêm. Với chặng đường kéo dài qua Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai, giải có tổng cộng hơn 130 vận động viên phong trào góp mặt. Chị chia sẻ hành trình bắt đầu từ 5:30 chiều thứ Bảy đến 5:30 chiều Chủ nhật, gồm sáu chặng đua nối tiếp nhau qua những cung đường, địa hình khác nhau. Càng về cuối, những thành viên tham gia “rụng” dần và chị cũng là nữ duy nhất về đích thành công tổng cự ly 549km với 24 tiếng không ngủ, chỉ nghỉ ngơi và ăn uống dọc đường.
“Đó là cảm giác vỡ òa khi xe bắt đầu tiến vào trung tâm TP Đà Nẵng. Hai chặng cuối chúng tôi đạp vòng quanh Tam Kỳ, băng qua 100km đường đồng không mông quạnh với sức gió rất lớn. Vì ngược gió, 100km đường lúc đó như thử thách điên rồ, tôi đếm từng cây số một vượt qua, lê lết hơn ba tiếng với tốc độ khoảng 20-25km/giờ cùng một anh khác đạp hỗ trợ song song. Đến khi thấy điểm đến, tôi và anh đã reo hò sung sướng và không nghĩ mình đã vượt qua cung đường dài với tinh thần vẫn còn tốt như vậy”, chị vui sướng kể.
Để về đích với tổng thời gian và số cây số đạp “không tưởng”, chị đã lên kế hoạch tập luyện đo lường nhịp tim, điều hòa thể lực, tốc độ, trước khoảng ba tuần. Được biết vận động viên trong suốt quá trình đạp không được dừng chân ngủ nghỉ trong điểm lưu trú, việc ăn uống phải tự chuẩn bị và khi kết thúc thử thách phải cung cấp toàn bộ dữ liệu, thông tin ghi nhận từ thiết bị điện tử về hành trình cho ban tổ chức.
Nhìn lại cuộc đua vừa qua, chị tâm niệm đó là hành trình không dễ gì 10 năm sau có được. Đặc biệt với một người phụ nữ Việt Nam, chị Phúc tự hào về bản thân và lên dây cót tinh thần chờ những thử thách tiếp theo. Theo chị, bí quyết thành công ở chỗ, ta bắt đầu một môn thể thao nào đó đòi hỏi người chơi có ý chí kiên định và kế hoạch khoa học.
Trong tương lai chị dự định sẽ chinh phục các giải iron man và cùng chồng tạo nhiều hành trình khác nữa. “Tôi thầm cám ơn chồng vì đã tạo mọi điều kiện để mình toàn tâm đến với đam mê, chiến thắng những giới hạn của bản thân và cùng nhau cân bằng cuộc sống. Tôi mong những người phụ nữ khác cũng được người bạn đời lắng nghe và tôn trọng sở thích của mình”, chị nhấn mạnh.
An Phú