Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Broadway và nhạc kịch phiên bản Việt

TAM ANH -

Vào ngày 10-9 tại Nhạc viện TPHCM, nhóm kịch Buffalo sẽ trình diễn Broadway in Saigon 2015. Đây là một chương trình broadway (nhạc kịch) đúng nghĩa với các trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng như Chicago, Mamma Mia, Cabaret... Điều này cho thấy nhạc kịch đang dần dần bén rễ tại Sài Gòn. Từ đây, nó kéo theo một trào lưu dựng kịch khai thác yếu tố âm nhạc.

Chấp nhận thử thách

Nhạc kịch dù có chỗ đứng rất cao trong làng nghệ thuật thế giới nhưng là thể loại xa lạ với số đông công chúng Việt Nam. Nguyên nhân có thể do đây là biểu tượng văn hóa của phương Tây, khán giả xem muốn hiểu được phải học ngôn ngữ hàn lâm đặc thù của nó. Trong điều kiện kinh tế và dân trí chưa cao như Việt Nam, nhạc kịch khó bám rễ và phát triển. Thế nên dù kịch nói đã hiện diện ở doi đất hình cong chữ S khá lâu nhưng nhạc kịch vẫn chưa có đất sống.

Nhóm nhạc kịch Buffalo tham gia đêm diễn.
Nhóm nhạc kịch Buffalo tham gia đêm diễn.

Cách đây ít năm, đạo diễn Nguyễn Khắc Duy được Trưởng khoa Đạo diễn trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM – NSƯT Công Ninh khuyến khích thử nghiệm sự mới mẽ. Anh đã chọn nhạc kịch cho vở tốt nghiệp. Vở Chicago ra đời lập tức gây tò mò cho những người làm nghề lẫn khán giả, từ đó, Nguyễn Khắc Duy đã dấn thân vào con đường này. Anh dựng tiếp High School Musical tuân thủ theo phiên bản gốc. Sau đó, anh làm nhạc kịch với câu chuyện hoàn toàn Việt Nam và Vũ nữ, Tuyết Sài Gòn xuất hiện. Tất cả những vở diễn đều được giới chuyên môn đánh giá cao cho nỗ lực sáng tạo.

Nhưng nhóm kịch Buffalo của Nguyễn Khắc Duy vẫn liên tiếp bù lỗ chứ không thể hoàn vốn hoặc thu lợi nhuận. Chủ xị của nhóm gồm Cát Tường, Nguyễn Khắc Duy và Vũ Hoàng Quân tự bỏ tiền ra duy trì sự tồn tại của nó. Các diễn viên trẻ tham gia nhóm đều là những người thích khám phá cái mới nên chấp nhận đồng hành mà không màn đến cát sê. Với họ, vở diễn thành công về chất lượng là một sự đền đáp lớn. Nhờ vậy, Buffalo đã vượt qua được thử thách lớn nhất là mặt kinh phí để tiếp tục tồn tại. Đó là chưa kể họ chịu nhiều thăng trầm trong việc chọn nơi an cư để lạc nghiệp. Họ tạm dựng ở nhiều nhà hát nhưng vì bất đồng đã chịu cảnh long đong. Đến giờ vẫn chưa có nơi trú ngụ cố định.

Dù vậy, họ vẫn kiên trì với ước mơ. Vào tháng 6-2015, Nguyễn Khắc Duy và Vũ Hoàng Quân nhận được học bổng từ Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM cho một chuyến du học nhạc kịch ngắn hạn tại Thái Lan. Giảng viên phụ trách là những nghệ sĩ nhạc kịch hàng đầu của Mỹ. Chuyến du học này không chỉ nâng cao kỹ năng và kiến thức cho nghệ sĩ trẻ mà còn tiếp thêm lòng tin cho con đường mà họ lựa chọn. Đây là lý do Broadway in Saigon 2015 xuất hiện để phục vụ công chúng tại một nơi đậm chất nghệ thuật – Nhạc viện TPHCM.

“Tương lai nhạc kịch tại Việt Nam còn mờ mịt lắm, nhưng chúng tôi đã trót yêu thì dấn thân. Chúng tôi hy vọng sớm tìm được nơi phù hợp để có thể diễn định kỳ nhằm phát triển bước cơ bản đã xây dựng được. Trong khi chờ đợi chúng tôi sẽ tồn tại bằng cách lưu diễn theo lời mời của những người thích nhạc kịch”, Nguyễn Khắc Duy cho hay.

[box] Broadway in Saigon 2015 sẽ diễn ra tại phòng hòa nhạc Nhạc viện TPHCM lúc 8 giờ tối ngày 10-9. Đạo diễn chương trình và kịch bản: Nguyễn Khắc Duy. Tổ chức sản xuất: Vũ Hoàng Quân, Kenny Nguyễn. Phụ trách âm nhạc: Lương Mỹ Phượng. Phụ trách vũ đạo: Biên đạo múa Trương Phương (Vũ đoàn ABC).[/box]

Nhạc kịch phiên bản... Việt

NSƯT Thành Lộc sau khi xem nhạc kịch ở nước ngoài luôn ấp ủ giấc mơ sẽ xây dựng một nhà hát broadway tại Việt Nam. Khi nhìn lại thực tế, anh nhận ra điều này rất khó thực hiện. Do đó, trong vai trò là Giám đốc nghệ thuật của Idecaf, anh chấp nhận làm nhạc kịch một cách liệu cơm gắp mắm bằng cách lồng phần ca nhạc, vũ đạo vào các vở diễn. Những đoạn có phần nhạc xuất hiện một cách hợp lý này đã góp phần tạo nên cảm xúc cho người xem. Điều này được thấy qua vở Người mua hạnh phúc, Sơn ca không hót...

Bên cạnh đó, nhóm nghệ sĩ trẻ của đạo diễn Biển Kiện Tùng Phi cũng dựng vở mang hơi hướm nhạc kịch qua vở Tình ca phố. Trong vở diễn này toàn bộ diễn viên đều hát, và phần hát chiếm khoảng 50% thời lượng của vở diễn. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, thoại và diễn đã giúp cho Tình ca phố tạo được cảm tình đặc biệt nơi người xem. Nhờ vậy, “nhạc kịch phiên bản Việt Nam” thu hút được một lượng khán giả nhất định. Nói một cách nào đó, cách làm này tạo được sự gần gũi với công chúng trong nước vì mới lạ nhưng vẫn dễ hiểu và đậm chất trữ tình.

Biển Kiện Tùng Phi cho biết: “Trong tương lai tôi vẫn gắn bó với thể loại nhạc kịch. Tuy nhiên, tôi sẽ đi sâu vào việc khai thác yếu tố nội dung hơn phần hình thức. Hiện tại, tôi đang tìm một kịch bản lạ có yếu tố nhạc kịch để tham gia liên hoan sân khấu thể nghiệm tại Việt Nam, sau đó là liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế”.

Hiện tại, sân khấu Việt Nam đang có một thế hệ trẻ mê phong cách nhạc kịch hoặc là dạng kịch khai thác sâu âm nhạc. Họ có đam mê, quyết tâm và sáng tạo, điều đó sẽ tạo nên trào lưu mới cho nghệ thuật sân khấu Việt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối