Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024

Bùng nổ thương hiệu thời trang phổ thông

Nguyễn Trang-

Liên tiếp các nhãn hiệu thời trang bậc trung du nhập vào Việt Nam, biến hai thành phố lớn, tiêu thụ hàng thời trang hàng đầu Việt Nam là Hà Nội và TPHCM trở thành những nơi mà các thương hiệu thời trang quốc tế có tuổi đời non trẻ nhưng độ phủ sóng rộng khắp tìm cách thâm nhập.

Xôn xao các thương hiệu nước ngoài

Gần một năm trước, một cửa hàng Zara mở đầu tiên tại TPHCM đã thu hút nhiều sự chú ý của giới trẻ yêu thời trang và giới văn phòng có mức thu nhập trung bình. Zara Việt Nam ngay từ đầu đã được đánh giá là có giá bán tốt, thậm chí một vài món đồ còn rẻ hơn cả các cửa hàng ở Singapore, Thái Lan hay châu Âu, lại thường xuyên có những đợt giảm giá với các dòng hàng đã qua một vài tuần lên kệ.

Trước đó, dù xuất hiện im ắng hơn nhưng vẫn giữ một lượng khách hàng trung lưu ổn định, Mango và Topshop vẫn được coi là điểm đến mua sắm thời trang của nhóm khách có thu nhập khá ở đô thị.

Các thương hiệu khác bên cạnh Zara, Mango, Topshop đã về Việt Nam, cũng có độ phổ cập lớn qua các kênh bán hàng online hoặc xách tay như H&M, Forever 21, Uniqlo. Dù chỉ là “hàng hiệu bình dân”, nhưng không thể phủ nhận các hãng thời trang nhanh này luôn hấp dẫn với nhiều khách hàng trong nước từ mẫu mã, giá bán, sự tiện dụng và thậm chí cả đến giá trị thương hiệu. Cũng đã qua thời khách hàng Việt Nam thường phải nhờ bạn bè mua hàng xách tay trực tiếp từ nước ngoài về hoặc đặt hàng online qua một số người bán trên mạng xã hội khi các nhãn đã về Việt Nam phục vụ đủ kích cỡ, đủ mẫu của bộ sưu tập mới và tạo điều kiện khá tốt cho công tác thử, đổi hàng tại chỗ.

Gần đây nhất đã có thông tin về việc hai thương hiệu “thời trang nhanh” nổi tiếng là H&M của Thụy Điển và Uniqlo của Nhật Bản cũng vào Việt Nam thông qua cửa hàng tại TPHCM vào mùa thu năm nay chứ không còn là hàng xách tay hay mua qua mạng như trước. Sự kiện này một lần nữa mang thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng phổ thông và đặt các thương hiệu may mặc, thời trang Việt Nam trước thách thức phải cải tiến bản thân để đón đầu xu hướng.

 H2Cửa hiệu Zara đầu tiên ở Việt Nam tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TPHCM).

Sự cố gắng của các nhãn hàng Việt Nam

Dù có nền tảng dệt may được đánh giá cao trong khu vực nhưng các nhãn hiệu thời trang Việt Nam vẫn chật vật tìm chỗ đứng giữa thị trường sôi động, bị các thương hiệu nước ngoài lất át. Ngoài mẫu mã, chất liệu còn nhiều hạn chế, hình thức tiếp cận khách hàng nội địa của các thương hiệu thời trang Việt Nam cũng chưa theo kịp được làn sóng “đánh nhanh, rút gọn, thu tiền nhiều” với “tốc độ ánh sáng” của các “đế chế” thời trang nhanh quốc tế.

Các thương hiệu từng được biết đến vào thập kỷ trước ở phân khúc trung cấp như Foci, PT, Ninomax, May Hai, Canifa… hầu hết đang phải tái cấu trúc, thay đổi phương thức hoạt động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Có thương hiệu thì đóng hết các cửa hàng trên cả nước và chuyển hẳn sang việc bán hàng qua mạng kết hợp hình thức gia công đồng phục công sở và trường học. Có thương hiệu thì giảm bớt còn 1/3 số cửa hàng, tập trung vào khách hàng các tỉnh, thành phía Nam. Cũng có thương hiệu thời trang từng được một tập đoàn lớn trong nước đầu tư tạo nên một hệ thống đầy đủ từ thiết kế, phân phối, quảng bá, được định giá cùng phân khúc khách hàng với Zara nhưng cũng bị đóng cửa sau hai năm hoạt động với nguyên nhân chính được cho là không sinh lời nhanh như các hạng mục đầu tư khác của tập đoàn.

Nhưng thách thức cũng là cơ hội khi một số ít các doanh nghiệp dệt may có sự chủ động đổi mới để tìm hướng phát triển mới. Tiêu biểu là Canifa, từ một đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm len sợi đã mở rộng sang các chất liệu phổ thông khác như cotton, kaki, jeans, thay đổi mẫu mã và tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh quảng bá mới, đặc biệt là các chương trình truyền hình thực tế như Nhà thiết kế thời trang Việt Nam, Người mẫu Việt Nam. Các thương hiệu cao cấp hơn một chút như Elise, Alcado, Coco Shin, Magonn… cũng tập trung vào việc đổi mới mẫu mã, đón đầu xu hướng thời trang ứng dụng quốc tế nhằm thỏa mãn hơn nữa phân khúc khách hàng của mình.

Giữa những thay đổi nhanh chóng của ngành thời trang, sự lựa chọn của khách hàng chính là động lực cũng là thách thức để người làm thời trang phổ thông tìm ra một định hướng phát triển làm sao vừa đảm bảo lợi ích trước mắt vừa có những mục tiêu lâu dài để ghi dấu mốc thực sự cho một ngành nghề vốn là thế mạnh của Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối