Việc áp dụng công nghệ viễn thông trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được cho là sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, nhờ các nỗ lực của Chính phủ tập trung tận dụng các dịch vụ viễn thông để cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe của cộng đồng.
Theo kết quả đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Mỹ), việc áp dụng công nghệ viễn thông vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, một phần là nhờ các nỗ lực của Chính phủ trong việc khuyến khích tận dụng các dịch vụ viễn thông trong ngành y tế, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công đồng.
Ngoài ra, bản báo cáo về nghiên cứu ngành và rủi ro quốc gia của hãng này cũng nhận định việc các bệnh viện Việt Nam cần đáp ứng nhu cầu đáng kể về dịch vụ y tế sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hướng tới công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của họ.
Cụ thể, hệ thống y tế Việt Nam sẽ coi việc tích hợp công nghệ như một phương tiện để giải quyết những điều còn bất cập trong khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và nâng cao hiệu quả của ngành. Sự hỗ trợ của Chính phủ đối với việc sử dụng viễn thông trong ngành y tế được dự báo sẽ tăng mạnh và hoạt động cung cấp dịch vụ y tế từ xa sẽ giúp Chính phủ giải quyết tình trạng phân bổ địa lý không đồng đều của các chuyên gia y tế trong nước.
Từ dịch vụ y tế công đến tư nhân
Cũng giống như các thị trường mới nổi khác như Trung Quốc, các bác sĩ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung tại các bệnh viện lớn ở khu vực thành thị là Hà Nội và TPHCM, hơn là các trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng cấp địa phương. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến dưới dù đã được chính phủ nỗ lực giải quyết nhưng các cải tiến vẫn còn hạn chế.
Đây cũng là nguyên nhân hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ở các vùng nông thôn khi số lượng bác sỹ địa phương bị giới hạn. Nguyên nhân này chính là tiền đề để đưa công nghệ vào dịch vụ y tế, qua đó sẽ cho phép các bệnh viện tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ.
Đặc biệt, trước những thách thức hiện tại mà các bệnh viện công ở Việt Nam đang đối mặt và đại dịch Covid-19, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số hứa hẹn sẽ là một giải pháp tiềm năng cho ngành y tế. Truy cập Internet đã rất phổ biến và Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng về của hệ thống công nghệ 4G và 5G.
Dựa trên những nền tảng này, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy chương trình số hóa tại các bệnh viện và phòng khám trên cả nước. Các giải pháp thông minh đang được khuyến khích mạnh mẽ, như sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và công nghệ di động để giúp giảm bớt tình trạng quá tải của các bệnh viện công và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Fitch Solutions lấy dẫn chứng việc Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình y tế từ xa (Telehealth) doTập đoàn Viettel phát triển. Trong tháng 4 vừa qua, chương trình này đã giúp cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa bằng cách kết nối bệnh nhân và bác sĩ thông qua một nền tảng ảo.
Với 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, chương trình telehealth này sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, đồng thời giảm chi phí khám và điều trị bệnh cho người dân.
Khu vực tư nhân cũng đã nhanh chóng tận dụng lợi thế của sự chuyển dịch sang các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được hỗ trợ bởi công nghệ. Nhiều startup đã có mặt tại Việt Nam trước khi dịch Covid-19 bùng phát đã mở rộng và tối ưu hóa hoạt động của những nền tảng y tế công nghệ này. Tương tự như vậy, các công ty y tế kỹ thuật số cũng có nhiều cơ hội góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe chất lượng cao hơn và tiết kiệm chi phí hơn ở Việt Nam.
Còn đó những thách thức
Tuy nhiên, theo sự đánh giá của Fitch Solutions, những thách thức vẫn còn đó khi lĩnh vực y tế công nghệ vẫn còn khá sơ khai tại Việt Nam, thu hút đầu tư ít hơn đáng kể so với các lĩnh vực liên quan khác.
Ngoài ra, một số thách thức đối với việc áp dụng giải pháp y tế kỹ thuật số bao gồm chi phí và sự phức tạp của việc triển khai một số hệ thống bệnh án điện tử và thói quen hiện có của các bác sĩ và chuyên gia y tế trong việc sử dụng tài liệu giấy cũng cần được lưu tâm và giải quyết.
Như với bất kỳ thị trường nào, việc số hóa dữ liệu và dịch vụ cũng làm phát sinh các vấn đề về quyền riêng tư và lòng tin của khách hàng và đây là một vấn đề Việt Nam cần lưu ý khi phát triển mảng y tế công nghệ trong thời gian tới đây.
Trang Nguyễn
TBKTSG Online