(SGTT) – Tuy cùng vị cay như lẩu Tứ Xuyên nhưng thực tế độ cay và hương cay của lẩu sa tế lại khác biệt. Nếu như lẩu Tứ Xuyên cay tê rần rần nơi đầu môi thì lẩu sa tế cay cả khoang miệng.
- Nồi lẩu cuối tuần dậy vị cùng nấm thanh mát và thịt bò thanh ngọt
- Nồi lẩu cuối tuần đậm vị cùng giò heo hầm thuốc bắc
- Kết hợp hàu vào nồi lẩu cuối tuần
Cứ vào mỗi thứ Bảy, Trưa nay ăn gì thường gợi ý các món lẩu với đa dạng phong cách nấu, từ Việt Nam đến quốc tế. Và hôm nay là món lẩu khá cơ bản và bán ở nhiều quán ăn, đó là lẩu sa tế đậm đà hương vị cay.
Về sa tế, đây là hỗn hợp làm từ ớt bột, ớt tươi, dầu ăn và đôi khi một số đầu bếp còn cho thêm sả xay nhuyễn vào. Với hương vị cay nồng, sa tế thường là nước sốt ướp gia vị hay là một phần quan trọng trong các món lẩu.
Qua tìm hiểu, thị trường thực phẩm hiện có ba loại sa tế: Việt Nam (sả, ớt bột, dầu ăn), Trung Quốc (ớt bột, dầu ăn, hoa hồi, hoa tiêu, nguyệt quế, thảo quả) và Thái Lan thường được gọi là tomyum (ớt, riềng, sả, lá chanh, me, tôm khô, mắm tôm). Thế nên, tùy vào phong cách nấu ăn của đầu bếp mà nhà hàng đó chọn một loại sa tế để làm điểm nhấn.
Với nước dùng (lèo), người nấu thường dùng xương ống heo hầm lấy nước bởi xương heo cho vị nước đậm đà hơn xương gà nhưng không quá nặng mùi như xương bò. Hơn nữa, vị ngọt thanh của xương heo tiết ra nước dùng sẽ thơm và đậm đà hơn bởi sa tế. Không chỉ là lúc dùng bữa mà ngay từ khâu nấu nước dùng thì đầu bếp luôn hớt bọt để nước dùng trong, không bị lợn cợn tiết ra từ xương heo. Do là điểm nhấn về hương vị nên sa tế được cho vào nồi nước dùng ngay từ đầu để sa tế hòa quyện đều vị nước lẩu.
Không chỉ lẩu sa tế mà bất kỳ món lẩu nào cũng đều chung một quy tắc là nước dùng + thịt nhúng + rau nhúng + sợi bánh ăn kèm. Và thịt cho lẩu sa tế sẽ không kén chọn mà tùy sở thích mỗi người. Tuy nhiên, nếu thưởng thức kiểu thịt nhúng thì mọi người lưu ý chỉ hợp với thịt bò (do có thể ăn tái), còn lại các loại thịt khác phải thả vào nồi lẩu đợi cho chín hẳn.
Cuối cùng, khi thực khách gọi món thì quán ăn dọn lên nồi lẩu, đĩa rau, đĩa mì (bún, bánh canh, hủ tiếu) và nước chấm phù hợp là nước mắm mặn hoặc nước tương. Theo đầu bếp chuyên nghiệp, nồi lẩu sa tế ngon là khi nước dùng đậm đà vị dù múc ở vị trị nào của nồi lẩu, khi dùng thịt hay rau củ cảm nhận độ cay của sa tế và quan trọng là nồi lẩu phải có màu đỏ cam bắt mắt.