Giữa cơn giông quần quật, bụi bão mịt mù, tôi lút mình trong tấm áo mưa đang bị muôn vàn cơn gió lao vào giằng lấy, quật bên này, đập bên kia. Đường xa ướt mưa, lạc đường, đói bụng. Không một ai thân thích trong thành phố xa lạ. Nước mắt hòa lẫn cơn mưa rào nặng hạt. Trong đầu chỉ độc một tiếng nói, “cố lên, ba bước nữa là về đến nhà”.
Tuổi trẻ của hầu hết bạn bè tôi, 8x đời cuối, 9x đời đầu đều ít nhiều có những ngày tương tự thế. Những ngày cùng cực, đi xe đạp vì không còn tiền đổ xăng, đạp 10 cây số sang nhà bạn xin một bữa cơm toàn rau với đậu, đến tối lèn nhau trên chiếc giường xộc xệch, đắp cái chăn cũ mèm, cùng khóc vì vừa bị quỵt tiền lương. Sáng ra, hai đứa này vét ví góp lại được năm ngàn đồng, dúi cho thằng đi xe đạp tiền gửi và bơm xe.
Những ngày rơi xuống vực sâu, cắt tay chảy máu để đánh lừa nỗi đau trong tim, cảm thấy trong mình không còn mầm non nào đang sống. Không lòng tin, không ý chí, không đam mê, không hy vọng. Tài sản tinh thần đều vỡ vụn. Không dám để gia đình lo lắng, không muốn phiền tới bạn bè, chỉ có thể cắn môi đến bật máu, một mình bó gối khóc một trận đã đời trong căn phòng trọ chật hẹp. Cô đơn đến cùng cực. Mỏi mệt đến cùng cực. Buông xuôi đến cùng cực.
Không phải ai cũng may mắn có một cuộc sống đủ đầy từ trứng nước. Đã hóa kiếp đầu thai làm người, nghĩa là có nợ để trả, có nghiệp để làm. So với thời cha mẹ sống trong mưa bom bão đạn, ăn cơm độn ở nhà tranh, thời của chúng tôi quả thực đã tốt hơn rất nhiều.
Muốn đi du lịch, chỉ cần ngoắc xe, ngủ một giấc, sáng hôm sau đã có thể tung tăng chụp ngàn kiểu ảnh sống ảo lung linh. Muốn tìm hiểu ai đó, chỉ cần một cú nhấp chuột là đã có thông tin đọc mỏi mắt. Muốn thể hiện cái tôi, chỉ cần một tấm hình đẹp, một tài khoản mạng xã hội, với đôi ba dòng bay bổng. Muốn bữa cơm gia đình, chỉ cần ghé chân một quán ăn phong cách cổ, với lời quảng cáo “ngon như cơm nhà mẹ nấu”. Thời buổi công nghệ, định danh cá nhân chưa bao giờ dễ dàng đến thế.
Thế nhưng, cái gì đạt được càng nhanh, người ta càng dễ hoang mang.
Có thật sự mình xứng đáng được tung hô như vậy?
Có thật sự mình giỏi đến như vậy?
Có thật sự mình giá trị đến như vậy?
Người trẻ chưa bao giờ có điều kiện tốt như vậy trong nhiều ngàn năm văn minh loài người. Nhưng họ cũng chưa bao giờ hoang mang đến thế trong việc tìm ra một mục đích sống “vừa đủ” với mình, tìm ra cái tôi nằm trong cái ta to lớn, tìm ra cách định danh bản thân một cách xác đáng.
Hoang mang như thế, cùng cực như thế, phải làm sao để tiếp tục đi, làm sao để tiếp tục sống?
Tôi không nhớ nổi mình đã dùng những cách gì để đi qua khó khăn. Nhưng trong những ngày nản chí cực độ, tôi vẫn giữ trong đầu một “câu thần chú”: Cố bước thêm ba bước nữa…! Chỉ ba bước nữa…
Bước thêm ba bước nữa, là tới trạm xe buýt, là đôi chân mỏi nhừ vì chạy bàn sẽ được nghỉ ngơi trong phút chốc.
Bước thêm ba bước nữa, rồi lại ba bước nữa, là sẽ vượt chỉ tiêu tháng này, sẽ được nhận thêm một ít tiền thưởng nhỏ nhoi, sẽ mua thêm ít thức ăn ngon cho bữa cơm cuối tháng.
Bước thêm ba bước nữa, ba bước nữa, rồi lại ba bước nữa… ta sẽ kết thúc hành trình đơn độc gian khổ này, sẽ có được chút thành tựu nhỏ nhoi, sẽ trả được một phần ba số nợ…
Ba bước nữa, mình sẽ nghỉ chân.
Ba bước nữa, mình sẽ nghỉ việc.
Ba bước nữa, mình sẽ từ bỏ.
Cứ như vậy, cắm cúi, bước thêm ba bước nữa, sau đó lại thêm ba bước nữa. Không đếm nổi bao nhiêu lần ba bước.
Rồi cuối cùng cũng tới được trạm dừng xe buýt.
Rồi cuối cùng cũng đến ngày lĩnh lương.
Rồi cuối cùng cũng trở về nhà sau chuyến đi dài dằng dặc, thấy công ty bắt đầu nhận dự án thường xuyên, số nợ nần dần dần giảm bớt.
Giá trị của sự kiên trì và lì lợm luôn được đo đếm bằng những vết xước chằng chịt trên hành trình. Ai không thể bước thêm ba bước nữa sau ba bước ban đầu, có thể sẽ ít đớn đau hơn, nhưng cũng có thể là kẻ gục ngã hoàn toàn.
Ai đó kể với tôi câu chuyện rằng một cậu bé da đen đi học tại trường chỉ toàn học sinh da trắng. Quãng đường từ cổng trường vào tới lớp học của cậu bé dài như vô tận, với những lời nhục mạ, nhiếc móc, những quả trứng thối hay cả những hòn sỏi, hòn đá. Cậu cắm cúi đi, thầm đếm bước chân của mình. Từng cụm ba bước nhỏ… cho tới khi mũi giày chạm vào thành bê tông của bậc tam cấp. Ấy là lúc cậu biết mình đã an toàn, đã một lần xuất sắc vượt qua thử thách của ngày. Đã có hàng ngàn cụm ba bước chân như thế trong cuộc đời cậu bé, cho tới khi cậu được chấp nhận, ngẩng cao đầu đi từ cổng trường vào lớp mà không phải đếm bước chân.
Nếu cậu bé ấy bỏ cuộc ngay từ ngày đầu tiên, không chỉ cậu, mà có thể cộng đồng người da màu cũng không có cơ hội tiến đến ngày được thừa nhận sau này. Họ có thể vĩnh viễn phải cúi đầu bước đi trong một thế giới phân biệt chủng tộc đầy sợ hãi, rối ren.
Hành trình của bạn có thể sẽ cần mười vạn bước chân giống như cậu bé đó, có thể con số còn lớn hơn thế. Để nghĩ về con số mười vạn đó, có lẽ chẳng mấy ai đủ dũng khí bắt đầu. Sẽ có tới mười vạn lý do lớn nhỏ khác nhau để trì hoãn, từ bỏ, để thay đổi, xoay chiều.
Nhưng nếu chỉ là ba bước chân, rồi lại ba bước chân nữa – rất nhỏ thôi, liệu bạn có muốn bắt tay thực hiện, có dám thử - sai?
Ba bước chân ấy, dù bé nhỏ cỡ nào, cũng có giá trị riêng của nó.
Chỉ cần, bạn muốn bước thêm ba bước nữa, chỉ ba bước nữa mà thôi.
Hà Bi