Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Bước vào năm điều chỉnh lộ trình Net Zero

(SGTT) - Việt Nam bắt đầu áp dụng trách nhiệm tái chế đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu kể từ ngày 1-1-2024. Và cũng là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra chiến lược phát triển năng lượng hydrogen song song với việc xuất khẩu năng lượng tái tạo ra nước ngoài.

Tiếng pháo giao thừa đánh dấu thời khắc chuyển giao 2023-2024, thế giới cũng bắt đầu thời kỳ bận rộn với việc điều chỉnh lộ trình Net-Zero 2050, bởi điều mà Hội nghị các bên tham gia công ước khung Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) cho thấy là sẽ không có một Net-Zero nào vào năm đó theo như Thỏa thuận Paris 2015, trừ khi có một cuộc điều chỉnh lớn lao và triệt để.

Mục tiêu tối thượng của Thỏa thuận Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu trên mức tiền công nghiệp ở +2 độ C và lý tưởng nhất là ở +1,5 độ C. Làm như vậy sẽ giảm khả năng gây ra những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Điều mà thế giới chứng kiến ngày nay là các thảm khốc đó dường như đã bắt đầu!

Với hơn 50.000-70.000 đại biểu đến từ 198 quốc gia tham gia công ước, cuộc họp năm 2023 tổ chức tại Dubai của Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất từ 30-11 đến 12-12-2023 đã phải kéo dài qua ngày 13-12 bởi những tranh luận gay go cuối cùng để lần đầu tiên thế giới đồng thuận đưa lịch trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ra khỏi nền kinh tế. Khi chúng ta nói đến điện khí hóa, từ chiếc ô tô, xe máy đến mọi máy móc công nghiệp và trang thiết bị gia đình, chúng ta nói đến sử dụng điện. Nhưng phần lớn lượng điện tại nhiều quốc gia hiện nay có được từ nguồn nhiên liệu hóa thạch, tác nhân chính của biến đổi khí hậu.

Để hạn chế sự nóng lên của khí quyển Trái đất ở mức +1,5 độ C, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết thế giới cần cắt giảm 43% lượng khí thải nhà kính trong khoảng 2019-2030, và sau đó đưa lượng khí thải CO2 tăng thêm hàng năm trở về con số 0 vào năm 2050, gọi là Net-Zero. Thế giới đã có những nỗ lực lớn nhằm đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhưng thực tế chúng ta chưa đi đúng hướng.

Tỷ lệ năng lượng sơ cấp được sản xuất bởi các nguồn tái tạo đã tăng chậm, từ 8% năm 2010 lên 12% vào năm 2021. Nếu lượng phát thải vẫn giữ nguyên quỹ đạo hiện tại, ước tính từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy Net-Zero sẽ không đạt được ngay cả đến cuối thế kỷ này.

COP28 đã khởi động cuộc điều chỉnh lớn, bởi đây là lần đầu tiên từ trước đến nay các nước thông qua thỏa thuận về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu cùng những tai ương thảm họa từ đó. Cụ thể, thỏa thuận của Hội nghị COP28 kêu gọi các nước chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050. Đây thực sự là một thay đổi tích cực cho tình hình khí hậu thế giới hiện nay, và về cơ bản báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch.

Ý niệm công bằng trong Thỏa thuận này rất có ý nghĩa, và từ đó Việt Nam tranh thủ tuyên bố Kế hoạch Huy động nguồn lực (RMP) cho gói vốn có tên Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây là gói vốn có giá trị 15,5 tỉ đô la do nhóm đối tác quốc tế dành cho nâng cấp lưới điện, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, hạn chế điện than… của Việt Nam với khoảng một nửa là vốn vay ưu đãi và một nửa là vốn vay thương mại. Những chuyển biến theo sau COP28 ở nước ta tỏ ra khá nhanh và đa diện. Việt Nam bắt đầu thu được những khoản bán tín chỉ carbon đầu tiên từ những cánh rừng Bắc Trung Bộ. Và kể từ ngày 1-1-2024, Việt Nam bắt đầu áp dụng trách nhiệm tái chế đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu. Và cũng là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra chiến lược phát triển năng lượng hydrogen song song với việc xuất khẩu năng lượng tái tạo ra nước ngoài.

Thông qua quá trình thảo luận và các cam kết tại COP28 chúng ta có thể thấy cuộc điều chỉnh lớn lộ trình Net-Zero không chỉ nằm trong việc loại bỏ năng lượng hóa thạch mà còn là việc sắp xếp lại mục tiêu một cách công bằng cho tất cả mọi quốc gia, doanh nghiệp. Trước đây, quá trình chuyển đổi được hình dung như chỉ có một thách thức duy nhất là giảm lượng khí thải từ năng lượng, vật liệu, sử dụng đất và các hoạt động khác của con người. Điều này tạo nên sự kèn cựa và thậm chí là không công bằng giữa các nước cũng như các doanh nghiệp, dẫn đến việc chúng ta đối phó với biến đổi khí hậu một cách chậm chạp, và nhiều công ty bắt đầu hụt hơi vì sản phẩm không thể đáp ứng tiêu chuẩn thị trường.

Thế giới nay biết rằng quá trình chuyển đổi Net-Zero chỉ thành công khi xác định đúng và đủ các mục tiêu và đặt chúng vào chung trong một hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau. Làm sao để mọi quốc gia đều có thể thực hiện được các dự án chống biến đổi khí hậu trên địa bàn, và các doanh nghiệp được hưởng lợi tương ứng với công sức tiền của bỏ ra. Hệ sinh thái này gồm bốn mục tiêu, quan trọng nhất vẫn là giảm phát thải (emissions reduction) nhưng đồng thời nhắm đến ba mục tiêu khác là bảo đảm khả năng chi trả (affordability) cho các dự án, bảo đảm độ tin cậy (reliability) của các công nghệ đưa vào dự án; và cuối cùng bảo đảm phát huy năng lực cạnh tranh (competitiveness) cho các doanh nghiệp. Và đây thực sự là một sự san sẻ toàn cầu về nguồn lực và lợi nhuận một các công bằng.

Hoàng Việt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối