(SGTT) - “Chiều nay tôi tư vấn cho một bạn, mũi rất ngắn hếch và cánh rất rộng; bạn không có bất cứ chỉ định nào khác để thay thế ngoài làm cấu trúc sụn sườn mà nhìn bạn và cách bạn nói chuyện tôi sợ bạn không có đủ điều kiện tiền bạc, tôi đành khuyên: thôi đợi đi em, tích cóp đủ tiền hẳn quay lại làm; giờ đừng làm sai phương pháp sẽ tốn kém mà không đẹp”.
- “Núi đôi” phẫu thuật chưa đẹp đã sợ rủi ro
- Phẫu thuật thẩm mỹ: đủ loại dịch vụ hiện đại
- Để không phải “tiền mất, tật mang” khi phẫu thuật thẩm mỹ
Đó là lời kể của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ N K., và anh tâm sự: “Một thoáng buồn, ước gì...”. Nhưng người phụ nữ đó vừa bước ra thì một người nữ khác bước vào tái khám sau một tháng phẫu thuật với nét mặt vui vẻ, cười nói. Tôi xem lại hình cũ vì nhiều bệnh nhân quá, không cách gì nhớ hết gương mặt trước khi phẫu thuật. Thật tình cờ, mũi cũ trước của người phụ nữ vào sau ngắn hếch như như người tôi vừa tư vấn trước đó.
Ngồi nghe người được mình phẫu thuật kể lại chuyện tình cờ biết trang fanpage của tôi, đọc nó ngấu nghiến để tìm hiểu dịch vụ ra sao? Bạn ấy tích góp để dành tiền làm như thế nào? Rồi bạn tự tin ra sao sau khi phẫu thuật làm tôi cảm thấy lâng lâng vui theo.
Cả hai bạn bước ra vào làm cho cảm xúc của tôi lẫn lộn: thương cảm vì không thể giúp được gì cho người phụ nữ kia; vì mổ cho cô ấy đẹp nằm trong tầm tay tôi; vui vì giúp được cho người phụ nữ sau lấy lại sự tự tin và vui vẻ.
Rồi bữa nọ có vị khách bảo tôi: “cấu trúc sụn sườn (ý nói nâng mũi cấu trúc) mấy chỗ khác giá rất cao, 70-80 triệu đồng cho đến hơn 100 triệu đồng; sao bên bác sĩ rẻ vậy?” và tỏ ý nghi ngờ tôi có thật sự làm bằng sụn sườn không?
Người khách ấy không biết rằng cấu trúc sụn sườn là kỹ thuật khó, không phải bác sĩ nào cũng có thể triển khai làm được. Những phụ nữ quan tâm tới phẫu thuật mũi có thể thấy nhan nhản quảng cáo trên mạng làm cấu trúc sụn sườn rất nhiều, nhưng thực sự thì rất ít bác sĩ có khả năng làm và dĩ nhiên theo quy luật cung cầu thì cái gì càng ít sẽ càng có giá cao, vì mức độ hiếm và phức tạp của nó.
Nhưng thực tình với tôi là không nhìn nhiều ở góc độ kinh tế mà mình nhìn ở góc độ: kỹ thuật khó đó có giúp được cho nhiều người cần giúp không?
Khi bạn nhiều tiền thì bạn có nhiều quyền lựa chọn. Nhưng khi bạn không có nhiều tiền thì chi phí làm một ca mũi cấu trúc sụn sườn là một gánh nặng rất lớn về kinh tế, nó là cả một gia tài, nhất là khi không có sự lựa chọn phương pháp thay thế khác, thì đó sẽ là một nỗi buồn rất lớn cho người cần làm đẹp mà không có điều kiện để làm.
Vậy nên tôi thường khuyên: “nếu không có tiền thì đừng làm gì cả, dành dụm, 1 năm, 2 năm thậm chí dài hơn để làm cho đúng phương pháp” nhưng dù miệng nói vậy nhưng trong lòng tôi cảm thấy áy náy. Là một bác sĩ phẫu thuật làm đẹp cho đời nhưng tôi vẫn là người làm dịch vụ, vẫn phải chi phí tiền nhà, điện nước, lương nhân viên, thuế má… nên cũng ráng cố gắng giảm được chi phí cho khách hàng được chừng nào hay chừng ấy nhưng cũng chỉ trong chừng mực nhất định.
Nhiều trường hợp gặp phải trong hành nghề cũng vui, nhưng cũng buồn. Có hôm trúng ca cuối cùng trong ngày nhưng tôi phải ngồi hì hục rút chỉ của một vị khách và sau đó đếm có rất nhiều sợi chỉ xanh không tan, dài ngắn đủ cỡ ở trong… mũi và hai sợi chỉ xanh to dài trong… mắt tới mức trước khi tới tay tôi, mũi của vị khách ấy xanh lè và chỉ thì nổi cộm dưới da; mắt cũng nhấn luôn bằng chỉ xanh to và cộm lên. “Vị khách này đi thẩm mỹ ở spa nào đó và để lại hậu quả”, anh kể lại.
Có lần một phụ nữ đến tôi tư vấn khi mũi bị nhiễm trùng co rút do làm đi làm lại nhiều lần ở những nơi khác. Theo lời khách kể thì lần một làm mũi thấy bình thường, khá đẹp. Lần hai sửa lại cho khác vì thấy thanh mũi nhỏ quá, muốn to hơn và cắt cánh (cùng một bác sĩ). Lần ba khách này đi bác sĩ khác làm mũi cấu trúc, chỉnh lại cánh. Lần bốn đến bác sĩ khác nữa chỉnh từ mũi cấu trúc sang mũi thường sau đó ba tháng, có dấu hiệu nhiễm trùng.
Ngồi nói chuyện một lát, xem lại tất cả các loại hình từ chưa sửa cho đến các lần sửa của bạn. Mũi chưa sửa so với bây giờ khác một trời một vực do làm nhiều quá và bị nhiễm trùng, co rút, kéo hếch chóp và gây bẹt cánh mũi. Tôi đành khuyên về bác sĩ cũ rút ra, đợi 3-6 tháng sau rồi hãy xử lý, thấy khách có vẻ nghe theo nên hy vọng sẽ ổn.
Vấn đề cần bàn ở đây là tâm lý khách hàng đi làm đẹp là: đẹp, đẹp nữa và đẹp mãi, nên chỉ cần có tý khuyết điểm cảm thấy không vừa ý là ba chân bốn cẳng tìm bác sĩ khác để làm cho vừa ý, vì như vậy là rất mạo hiểm vì biết đâu trong chuỗi sửa sang đó gặp rủi ro nhiễm trùng (do mổ nhiều lần).
Nhưng cũng có một hôm, một cậu con trai làm mũi, lúc chích thuốc tê, mạch nhảy đùng đùng, huyết áp tăng cao, chắc là sợ nên tôi đứng kế bên an ủi, mạch vẫn không xuống, vậy là nắm tay truyền cho năng lượng và ai ngờ 5 phút sau mạch xuống, huyết áp xuống, tôi buông tay, bước qua mổ ngon lành.
Nghề phẫu thuật thẩm mỹ cần lắm những lời khuyên chân thành từ các vị bác sĩ có kinh nghiệm và có tâm trong những trường hợp khó, mà khổ nỗi thường là các khách hàng muốn làm đẹp lại ít chịu nghe theo, bởi lời nói thật thường khó nghe mà, toàn đi tìm phép màu nào đó nên có khi vướng phải tình huống ngày càng khó xử lý hơn.
Chẳng hạn hiện nay khá nhiều phụ nữ quan tâm tới chỉnh sửa mũi và theo tôi nghĩ, mũi khó đến đâu sẽ có phương pháp làm thích hợp đến đó; đừng chạy theo giá tiền, đừng nghĩ giá cao là sẽ đẹp hơn.
Có lần nhân viên của tôi nói: “Bác sĩ có biết có rất nhiều trường hợp đến mình tư vấn để lấy chỉ định cần làm gì rồi qua chỗ khác để mổ không? Vì bên đó giảm giá tới 50-70% còn rẻ lắm”. Tôi nói với nhân viên rằng họ chính là khách hàng thông minh và chứng tỏ tôi tư vấn, ra chỉ định tốt, chính xác nên họ tin, còn do chênh lệch chi phí thì khách hàng phải lựa chọn bên rẻ thôi, dĩ nhiên về chất lượng sản phẩm và chế độ bảo hành thì tính sau vậy.
Dù sao thì tôi cũng mắc cười nghĩ trong bụng: sao giống như siêu thị điện máy, nhiều khách đi vào xem mẫu, coi giá cả, mẫu mã xong rồi đi ra ngoài mua cho nó rẻ.
Hồng Ngọc
Căn bệnh nghiện phẫu thuật thẩm mỹ đang thịnh hành, khá nhiều bạn tôi đang sửa sang liên tục mũi, ngực, rất nguy hiểm nếu cứ phải làm đi làm lại nhiều lần.