Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Bút “lá tre”

Y Nguyên -  

Tôi vào lớp 1, niên khóa 1971-1972. Trang bị cho ngày đầu tiên đến trường ngoài áo quần mũ dép (mới toanh) còn có chiếc cặp nhỏ. Trong cặp, ngoài hai tập vở mỏng tang, bảng con, phấn, thước kẻ vân vân, còn có thêm ngọn bút “lá tre” và một… bình mực. Thời ấy, trẻ con đi học đều viết bút “lá tre” chấm mực. Bút máy hiếm hoi và cũng chỉ dành cho các lớp lớn. Bút nguyên tử (bút bi) không được phép viết do cái ngòi trơn trượt, khó mà luyện ra được chữ đẹp.

but-la-tre

Gọi bút “lá tre” bởi ngòi bút thuôn dài, khum khum giống hệt chiếc lá tre. Cán bút bằng gỗ hoặc nhựa, đầu có rãnh tròn khum xẻ sâu để tháo, lắp ngòi bút. Bút chấm mực mà viết. Mực bút màu xanh hay tím, bán nguyên bình pha sẵn hoặc dưới dạng “hạt mực” sấy khô mua về tự pha. Mua bình pha sẵn đắt chút nhưng mực tan đều, ít cặn. Tự pha thì… hên xui: lắm khi chấm ngòi bút vào giở lên nó lôi theo nguyên một… cục mực đen sì còn chưa tan hết. Vô ý, mực sẽ dây tèm lem ra sách vở, ghế bàn, quần áo là chuyện cơm bữa, khỏi bàn.

Vốn tính vụng về, những ngày đầu, tôi đã khổ với cái món mực và bút lá tre không kể xiết. Hôm thì vặn nắp không chặt mực đổ dây ra đầy cặp. Hôm thì vội viết chấm ngập ngòi bút vào bình mực đầy, kết quả mực dây lên cán bút, cầm chèm nhem ra tay, còn vô ý bôi lên mặt thành 2 cái “râu mèo” cho bạn bè theo trêu. Hiếm ngày nào đi học không bị “sự cố” với bút mực. Tôi về nhà khóc mếu, mẹ dỗ: ráng đi con, từ từ rồi quen…. Mẹ hậm hụi tìm cái lọ không, sang bớt bình mực còn đầy qua, chừa lại lượng mực trong bình chỉ độ một phần ba. “Rồi, giờ con cứ chấm bút thoải mái, không lo dính cán”, mẹ nói. Đúng thật, cái bình mực lưng của mẹ đã giúp tôi giảm thiểu nửa phần “nạn tai”. Có vô ý ngã bình, mực chảy ra ngoài cũng không đến nỗi… tòe loe. Cẩn thận hơn, mẹ còn tìm cái túi có dây đeo, dặn tôi bỏ riêng bình mực ra ngoài, không mang chung trong cặp.

Bài tập viết đầu tiên của tôi với bút lá tre được cô giáo cho điểm 7. Thời ấy, điểm số vậy là cao (chứ không “hào phóng” như bây giờ). Về khoe, mẹ cười: nhờ bút “lá tre” á. Cứ ngỡ mẹ động viên cho tôi vui, bớt “thù” cái ngọn bút lá tre đáng ghét. Nhưng không! Sau này lớn lên, có dịp thử nhiều loại bút, tôi mới tin quả là bút lá tre ngày xưa viết chữ đẹp thật. Mũi bút có độ nhám vừa phải tạo được lực bám, không trơn trượt như bút bi; còn độ sắc của những nét móc, đá… thì bút lá tre ăn đứt cả bút máy –  miễn ta xài mực, ngòi tốt và viết khéo chút, đừng để dây mực ra ngoài. Viết bút lá tre người ta có thể điều chỉnh nét mực mỏng, dày tùy theo góc viết, điều mà các loại bút khác khó lòng làm được. Cả chuyện rập rình gây “sự cố”, tuy phiền phức chút nhưng cũng có cái hay: nó luyện cho trẻ ngay từ buổi đầu đức tính nhẫn nại, cẩn trọng và khéo léo. Luyện chữ viết đi đôi cùng rèn nết người là đây: cầm cây bút lá tre lên tay mà nóng vội, ẩu, bừa là mười mươi cầm chắc “có chuyện”!

Ngẫm ra mới biết vì sao thế hệ cha anh chúng tôi đổ về trước hầu như mười người hết chín viết chữ đẹp, chắc chắn có công lao không hề nhỏ từ những ngọn bút “lá tre”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối