Nguyễn Tấn Quốc (TPHCM)-
Cứ ngỡ thời đại công nghệ thông tin thúc đẩy việc cạnh tranh buôn bán sẽ tác động đến bưu điện, qua đó cải tiến, nhưng cũng có nơi bưu điện làm cho khách hàng thất vọng.
Khi thư điện tử (e-mail) chưa phát triển, giá tem thư thường thấp nhất chỉ 800 đồng. Đến thời e-mail bùng nổ, người người ít nhiều sử dụng thư điện tử trong liên lạc qua lại nhưng giá tem thư thường không giảm mà lại tăng lên đến 3.000 đồng và còn có loại đắt hơn.
Bưu điện nên bỏ bớt các quy định đã lỗi thời trong giao dịch với khách hàng.
Thư tay vắng hẳn, nhân viên bưu điện không cần phải gom thư 2-3 lần mỗi ngày như trước. Có bưu cục vài ngày mới nhận được một lá thư. Thư viết tay không “chết” được vì vẫn còn đó rất nhiều người hoài cổ, yêu cái cảm giác mong ngóng những lá thư tay thơm mùi giấy mới do anh bưu tá mang đến. Nên giá tem dù có cao thì vẫn có người mua dùng.
Có điều là nếu tăng giá tem thư thì bưu điện cũng nên tăng chất lượng dịch vụ sao cho tương xứng. Đằng này, việc khách hàng nhận được thư gửi cho mình thật là ngày dài mỏi mòn, trong khi khoảng cách địa lý không đáng là bao. Như tuần rồi, tôi được một cơ quan gửi thư mời họp mặt. Sở dĩ cơ quan đó không chọn giải pháp gửi e-mail vì trong số người được mời có những người lớn tuổi, không am tường công nghệ. Chỉ trong thành phố thôi mà mất sáu ngày thư mới tới nơi. Cứ tưởng mỗi mình tôi bị trục trặc ở khâu chuyển phát thư, ai ngờ những đồng nghiệp của tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, có người khi đã qua cuộc họp rồi mới nhận được thư. Cũng may phía cơ quan tổ chức có gọi điện thoại kiểm tra việc nhận thư nên chúng tôi mới biết mà đến dự. Tất nhiên, tem thư thường khác với chuyển phát nhanh nhưng với thời gian 5-6 ngày trong phạm vi thành phố thì thật là chậm chạp.
Cũng cần góp ý thêm về dịch vụ chuyển tiền qua bưu điện. Nhân viên bưu điện thường hỏi những câu mang tính lập trình, cứng nhắc, sáo mòn. Khi tôi mang giấy lĩnh tiền ra bưu điện nhận, họ thường hỏi: “Ai gửi cho anh? Cơ quan nào, họ tên người gửi? Địa chỉ nơi gửi?”. Đã nhiều lần tôi bối rối vì những câu hỏi như thế. Tôi là cộng tác viên cho vài tờ báo, làm sao biết được cơ quan báo cụ thể nào gửi tiền cho mình mà trả lời. Những món tiền bất ngờ ấy chỉ có thể gọi điện từng nơi mới biết được. Sau một hồi đọc cả mười cơ quan báo địa phương, cuối cùng cũng “trúng đáp án”.
Tôi biết rằng việc kiểm tra của nhân viên bưu điện là theo quy định chung nhưng thật ra là dư thừa, gây cho khách hàng một sự khó chịu không cần thiết, bởi vì trong thư mời nhận tiền đã có ghi rõ địa chỉ nhà, họ tên, số điện thoại của người nhận. Khi khách hàng nhận tiền đã xuất trình chứng minh nhân dân để đối chứng đồng thời nhân viên bưu điện cũng lưu thông tin cá nhân của người đến nhận tiền vào máy tính nên rất dễ để kiểm tra.
Thiết nghĩ, bưu điện cũng như nhiều nhà làm dịch vụ hiện nay đều phải thay đổi bản thân mình nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Để cạnh tranh đứng cùng với ngân hàng trong thị trường dịch vụ chuyển tiền thì bưu điện cần phải bỏ bớt các quy tắc lỗi thời, thủ tục rườm rà và nhân viên bưu điện cũng nên có thái độ lịch sự với khách hàng cũng như biết lắng nghe sự góp ý từ khách hàng. Nếu những lá thư hay báo biếu đến muộn vì những lý do khách quan, bưu tá cần giải thích cho khách hàng hiểu, gọi điện thoại hoặc có một mảnh giấy nhỏ ghi lời xin lỗi khi chủ nhà đi vắng. Chỉ là một hành động nhỏ thôi, nhưng sẽ làm cho khách hàng cảm thấy ấm lòng.