Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Buýt vi vu: Khám phá những khu chợ lâu đời ở TPHCM qua buýt số 8

(SGTT) - Tuyến xe buýt số 8 có lộ trình từ bến xe quận 8 đến bến xe Đại học quốc gia. Dọc theo các trạm dừng của tuyến xe này có nhiều trạm là các khu chợ lâu đời, nằm rải rác ở các quận như chợ Xóm Củi (quận 8), chợ Nhật Tảo (quận 10), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Bình (quận Tân Bình)...

Xe buýt số 8 có thời gian hoạt động từ 4:40 đến 20:30, phục vụ khoảng 345 chuyến/ngày, thời gian giữa các chuyến là 3 - 10 phút.

Chợ Xóm Củi (quận 8)

Ảnh: Quốc Thịnh

Chợ Xóm Củi tọa lạc tại đường Xóm Củi, phường 11, quận 8. Cái tên Xóm Củi bắt nguồn từ việc ngày xưa chợ này chuyên bán các loại củi để đun bếp. Ngày nay, chợ Xóm Củi được mở rộng quy mô, từ mặt hàng duy nhất là củi, hiện chợ có hầu như tất cả các hàng hóa và là điểm mua sắm quen thuộc đối với người dân quận 8.

Trạm dừng: Chợ Xóm Củi

Chợ Đại Quang Minh (quận 5)

Ảnh: Quốc Thịnh

Trung tâm Thương mại Dịch vụ Đại Quang Minh thường được người dân địa phương gọi là chợ Đại Quang Minh, tọa lạc trên đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5.

Chợ có hai cổng, cổng chính trên đường Châu Văn Liêm. Cổng phụ thông qua một con đường nhỏ phía sau, chạy song song với đường Châu Văn Liêm và nối với đường Hải Thượng Lãn Ông và Tống Duy Tân.

Ảnh: Quốc Thịnh

Chợ Đại Quang Minh bán hầu hết là các loại phụ kiện may mặc và thời trang, vậy nên nơi đây còn được gọi là "thiên đường phụ kiện". Chợ có hơn 600 sạp hàng và hơn 80% là bán sỉ. Các thương nhân ở đây đa số là người Hoa vậy nên nguồn hàng nhập chủ yếu là từ Trung Quốc.

Trạm dừng: Bưu điện quận 5

Chợ Nhật Tảo (quận 10)

Ảnh: Quốc Thịnh

Khu chợ Nhật Tảo được xem là trung tâm mua bán máy móc, linh kiện điện tử cũ lớn bậc nhất TPHCM. Tại đây, người tiêu dùng có thể tìm đủ mọi loại hàng hóa, thiết bị, linh kiện điện tử nhỏ nhất đến những hệ thống âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp.

Ảnh: Quốc Thịnh
Ảnh: Quốc Thịnh

Đây cũng là nơi tập trung rất nhiều “tay thợ” trong việc sửa chữa các loại mặt hàng thuộc về điện tử. Dân chuyên về điện tử, vi tính thường xuyên lui tới đây bởi nhiều nguồn hàng có giá phải chăng.

Trạm dừng: Chợ Nhật Tảo

Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)

Ảnh: Quốc Thịnh

Chợ Bà Chiểu tọa lạc tại nút giao giữa ba con đường Phan Đăng Lưu - Lê Quang Định - Bạch Đằng. Đây là một trong những ngôi chợ lâu đời ở TPHCM.

Khi vào chợ, du khách sẽ thấy rõ nét truyền thống trong thiết kế, cũng như bày trí các sạp hàng hóa. Bên cạnh đó, chợ còn nổi tiếng với đồ si giá rẻ và nhiều món ăn ngon hấp dẫn.

Ảnh: Quốc Thịnh

Có nhiều sạp tại khu này phục vụ từ 5:00 giờ sáng đến tận khuya. Tuy nhiên, các cửa hàng thời trang thường sẽ đóng cửa sớm hơn (vào khoảng 19:00 giờ đến 20:00 giờ).

Trạm dừng: Chợ Bà Chiểu

Chợ Tân Bình (quận Tân Bình)

Ảnh: Quốc Thịnh

Chợ Tân Bình thuộc địa phận phường 8, quận Tân Bình, hay còn có tên gọi khác là trung tâm thương mại Tân Bình. Chợ được thành lập vào năm 1960, ban đầu, chợ Tân Bình được biết đến như một chợ nhỏ tại vị trí giao nhau giữa 4 trục đường chính Lý Thường Kiệt, Lê Minh Xuân, Tân Tiến và Phú Hòa.

Ảnh: Quốc Thịnh

Sau năm 1975, để đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân địa phương, chợ Tân Bình đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng, nổi bật là mặt hàng thời trang.

Trải qua nhiều năm phát triển, ngày càng có nhiều trung tâm thương mại xuất hiện, nhưng chợ Tân Bình vẫn làđịa điểm thu hút người dân buôn bán từ các tỉnh thành.

Ảnh: Quốc Thịnh

Trạm dừng: Chợ Tân Bình

Chợ Thủ Đức (thành phố Thủ Đức)

Ảnh: Quốc Thịnh

Chợ Thủ Đức nằm trên đường Võ Văn Ngân, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức. Theo tư liệu nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển, chợ Thủ Đức xưa vốn là một ngôi chợ nhỏ được xây dựng từ thế kỷ 17. Trong suốt thời gian gần 400 năm qua, chợ được mở rộng và tu bổ nhiều lần.

Ảnh: Quốc Thịnh

Nổi bật trong kiến trúc ngôi chợ là hệ thống tường ở hai đầu. Mặt hướng Đông bắc bao gồm một cửa chính và hai cửa hai bên, tất cả đều có hình chữ nhật cửa kéo với các đường chỉ trang trí hình vòm.

Ảnh: Quốc Thịnh

Toàn bộ mặt tiền có hình tháp chóp bằng, phía trên có gắn hình hoa sen, trên cùng là tên "chợ Thủ Đức". Trên tường hướng Tây nam trang trí khá đơn giản với ba cửa hình chữ nhật.

Trạm dừng: Chợ Thủ Đức

“Buýt vi vu” là chuỗi nội dung Sài Gòn Tiếp Thị sẽ gợi ý cho quý độc giả về những hành trình đi du lịch bằng xe buýt khám phá TPHCM. Theo đó, trong mỗi bài viết, “Buýt vi vu” sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về lộ trình của một tuyến xe và gợi ý các điểm du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh… trên lộ trình đó.

Phương Ly - Quốc Thịnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối