Thứ Bảy, Tháng Sáu 29, 2024

Buýt vi vu: Khám phá quận 8 cùng buýt số 46

Du lịchHành trình - Điểm đếnBuýt vi vu: Khám phá quận 8 cùng buýt số 46
SGTT) – Vi vu cùng tuyến xe buýt số 46, du khách sẽ có dịp khám phá quận 8 với những điểm dừng chân thú vị như chùa Huệ Lâm, bến Bình Đông hay khu chợ Xóm Củi sầm uất…

Xe buýt số 46 đi từ bến xe quận 4, dưới chân cầu Kênh Tẻ, đến bến Mễ Cốc, quận 8. Trên chuyến xe này, du khách sẽ có dịp dừng chân tại Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Huệ Lâm, tìm về dấu xưa trên bến Bình Đông hay ngắm những nhà thờ từ “xóm đạo” trên đường Phạm Thế Hiển…

Chùa Huệ Lâm

Ảnh: Thái Bảo

Chùa Huệ Lâm hay còn gọi là Tổ Đình Sắc Tứ Huệ Lâm là ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời ở quận 8. Chùa hiện tọa lạc tại số 154 Tùng Thiện Vương, phường 11, quận 8.

Chùa Huệ Lâm có kiến trúc kết hợp giữa nghệ thuật chùa cổ Nam bộ và chùa Trung Hoa. Kiến trúc bên trong chùa Huệ Lâm mang đậm dấu ấn nghệ thuật chùa theo hệ phái Lâm tế tại Trung Quốc thế kỷ 17.

Ảnh: Thái Bảo

Chính điện được trang trí nghiêm trang, chính giữa tôn trí Phật Thích Ca. Xung quanh là các điện thờ nhiều tượng phật theo tín ngưỡng hệ phái Lâm tế như Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ Tát, Diệu Trì Kim Mẫu, Thập Diện Minh Vương Bồ Tát… Chùa được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2005.

Bến Bình Đông

Ảnh: Lạc Hà

Bến Bình Đông được ví như một “không gian di sản” với các dãy nhà đậm nét kiến trúc đặc thù của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Đồng thời, nơi đây cũng mang dấu ấn của hoạt động kinh tế “trên bến dưới thuyền” một thời.

Bến Bình Đông nằm bên kênh Tàu Hủ, song song với đại lộ Võ Văn Kiệt, nay thuộc quận 8, TPHCM. Theo TTXVN, bến Bình Đông xưa là một phần quan trọng của Chợ Lớn, được hình thành ngay khi người Hoa từ Cù lao Phố (thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tới đây vào năm 1778.

Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Cùng với các bến khác ở Sài Gòn xưa như bến Hàm Tử, bến Chương Dương, bến Bạch Đằng… bến Bình Đông là cửa ngõ giao thông và đầu mối giao thương quan trọng của Sài Gòn cùng các vùng lân cận, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ.

Chùa Quan Âm

Ảnh: Thái Bảo

Chùa Quan Âm nằm trên đường Mễ Cốc, nằm ven kênh Lò Gốm, phía đối diện là đường Phú Định. Ngôi chùa theo hệ phái Bắc tông này được thành lập vào năm 1965. Trải qua thời gian, chùa xuống cấp nên được trùng sửa chữa vào năm 2018. Sau 5 năm trùng tu, chùa hoàn thành và đi vào sinh hoạt, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.

Ngắm những nhà thờ trên đường Phạm Thế Hiển

Ảnh: Nguyễn Tuấn

Trên tuyến xe buýt số 46, du khách sẽ có dịp đi qua đường Lưu Hữu Phước, thuộc phường 15, quận 8. Tuyến đường này nằm dọc theo dòng kênh Đôi, phía bên kia là đường Phạm Thế Hiển, cũng thuộc quận 8.

Từ đường Lưu Hữu Phước, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những ngôi nhà thờ đẹp bên kia kênh như nhà thờ Bình Thuận, nhà thờ Bình Sơn hay nhà thờ Bình An Thượng…

Chợ Xóm Củi

Ảnh: TL

Chợ Xóm Củi tọa lạc tại đường Xóm Củi, phường 11, quận 8. Cái tên Xóm Củi bắt nguồn từ việc ngày xưa chợ này chuyên bán các loại củi để đun bếp. Ngày nay, chợ Xóm Củi được mở rộng quy mô, từ mặt hàng duy nhất là củi, hiện chợ có hầu như tất cả các hàng hóa và là điểm mua sắm quen thuộc đối với người dân quận 8.

“Buýt vi vu” là chuỗi nội dung Sài Gòn Tiếp Thị sẽ gợi ý cho bạn đọc về những hành trình đi du lịch bằng xe buýt khám phá TPHCM. Theo đó, trong mỗi bài viết, “Buýt vi vu” sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về lộ trình của một tuyến xe và gợi ý các điểm du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh… trên lộ trình đó.
Thái Bảo - Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục