Thứ Ba, Tháng Bảy 2, 2024

Buýt vi vu: Thăm nhà thờ màu hồng trăm tuổi, chợ đồ cổ cùng buýt 31

Du lịchHành trình - Điểm đếnBuýt vi vu: Thăm nhà thờ màu hồng trăm tuổi, chợ đồ...
A.I
(SGTT) – Trên tuyến xe buýt số 31, du khách sẽ có dịp dừng chân khám phá những điểm đến như đình Khánh Hội (quận 4), chợ Tân Định (quận 1), tiệm cà phê đồ cổ (quận Bình Thạnh)…

Tuyến xe buýt 31 đi từ đại học Tôn Đức Thắng (quận 7) đến đại học Văn Lang (quận Bình Thạnh), qua những trục đường chính như Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Tất Thành, Pasteur, Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Nơ Trang Long… Dưới đây là một số điểm dừng chân thú vị mà du khách có thể khám phá khi vi vu cùng tuyến buýt số 31.

Đình Khánh Hội, quận 4

Tọa lạc trên đường Nguyễn Tất Thành, đình Khánh Hội là điểm du lịch văn hóa nổi bật ở quận 4. Đình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2006.

Ảnh: Thái Bảo

Kiến trúc tổng thể của đình gồm tòa nhà chính điện và miếu ngũ hành, lợp ngói âm dương. Đình có mặt tiền kiểu tam quan, trên khuôn cửa giữa có hàng chữ “Đình Khánh Hội, thành lập năm 1852, tái lập năm 1937”.

Ảnh: Thái Bảo

Chợ Tân Định, quận 1

Kiến trúc của chợ Tân Ðịnh mang vẻ đẹp hiện đại thời mới khánh thành, được lấy cảm hứng từ một kiến trúc của châu Âu, như mái lợp ngói, cột đà đúc bê tông, khung dầm bằng sắt.

Mặt trước của chợ nổi bật theo kiến trúc Pháp với ba tháp chuông, một tháp nằm giữa, hai tháp hai bên. Tháp chuông ở giữa vẫn còn giữ được quả chuông xưa và đồng hồ cổ ở trên cổng chợ. Qua nhiều biến động của thời gian nhưng kiến trúc chợ đến nay không thay đổi nhiều.

Ảnh: Thái Bảo

Chợ là địa điểm kinh doanh của nhiều mặt hàng, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến là vải vóc và ẩm thực. Quầy ẩm thực ở khu chợ được thực khách đánh giá cao bởi món ăn đa dạng, ngon và hấp dẫn như bún mắm, bánh canh cua, cháo sườn, cháo ếch…

Nhà thờ Tân Định, quận 3

Ảnh: Thái Bảo

Nhà thờ được khởi công vào năm 1870 và khánh thành vào năm 1876. Nhà thờ Tân Định là một trong những kiến trúc đẹp bậc nhất thành phố. Tổng thể kiến trúc mang phong cách Gothic kết hợp Roman, pha chút Baroque ở những nét trang trí.

Ảnh: Thái Bảo

Màu sơn hồng và những đường nét hoa văn trang trí màu trắng làm cho toàn bộ công trình nổi bật trên nền trời xanh. Nhìn từ phía mặt tiền, du khách có thể thấy tòa tháp chính và hai tháp phụ. Trên đỉnh tháp là chóp hình bát giác với cây thánh giá đồng cao 3m. Trong tháp có 5 quả chuông, nặng tổng cộng 5,5 tấn.

Đình Nam Chơn, quận 1

Ảnh: Thái Bảo

Đình Nam Chơn tọa lạc tại số 29 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1. Khuôn viên đình rộng hơn 1.100 m². Đình có cổng lợp ngói ống, đầu mái uốn cong, có cây đa cổ thụ cao vút che bóng.

Ảnh: Thái Bảo

Trong sân đình có hai ngôi nhà tả vu và hữu vu được xây dọc đối diện nhau. Đình được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2006.

Lăng ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh

Ảnh: Lạc Hà

Lăng Ông Bà Chiểu là nơi yên nghỉ của Tả quân Lê Văn Duyệt, tổng trấn thành Gia Định khi xưa, cùng phu nhân Đỗ Thị Phẫn. Lăng nằm giữa bốn con đường Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng, ngay cạnh chợ Bà Chiểu sầm uất.

Cổng tam quan quay mặt ra đường Vũ Tùng, phía trên đề ba chữ “Thượng Công Miếu” bằng Hán tự. Du khách bước qua cổng tam quan sẽ nhìn thấy một khu vườn xanh mát. Từ đây, di chuyển vào sâu bên trong sẽ đến khu lăng chính, gồm nhà bia, khu vực mộ phần và miếu thờ.

Cà phê đồ cổ, quận Bình Thạnh

Ảnh: Thái Bảo

Vào dịp cuối tuần, phiên chợ đồ cổ nằm sâu trong con hẻm 311/27 trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh lại tấp nập người mua bán.

Ảnh: Thái Bảo

Phiên chợ này mở cửa từ 6:00 sáng đến 14:00 chiều, vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, có cả trăm gian hàng được trải dài ngay lối đi vào, phủ kín khuôn viên.

Những món hàng tại đây có xuất xứ từ Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, được định giá theo niên đại cũng như độ hiếm, có món hàng trị giá vài trăm ngàn đồng nhưng cũng có món lên đến vài triệu đồng.

Một góc chùa Diệu Pháp. Ảnh: Thái Bảo

Bên cạnh đó, trên tuyến buýt số 31, du khách còn có dịp ghé thăm những điểm đến nổi bật khách như khu phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4); chợ Bến Thành, công viên 30-4, nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, công viên Lê Văn Tám (quận 1); hồ Con Rùa (quận 3); chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh…).

“Buýt vi vu” là chuỗi nội dung Sài Gòn Tiếp Thị sẽ gợi ý cho bạn đọc về những hành trình đi du lịch bằng xe buýt khám phá TPHCM. Theo đó, trong mỗi bài viết, “Buýt vi vu” sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về lộ trình của một tuyến xe và gợi ý các điểm du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh… trên lộ trình đó.
Thái Bảo - Nguyên Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục