Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Cạnh tranh giá cước xem phim trực tuyến

Chí Thịnh -

Các dịch vụ xem phim trực tuyến đang chạy đua đưa giá cước xuống còn 45.000-50.000 đồng/tháng nhằm thu hút khách hàng.

Chỉ có 45.000 đồng/tháng

IMG_0358Người dùng hiện có nhiều lựa chọn đối với dịch vụ truyền hình trực tuyến, ứng dụng xem video theo yêu cầu (Video-On-Demand).

Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến, ứng dụng xem video theo yêu cầu (Video-On-Demand) đang trong cuộc cạnh tranh khá khốc liệt về giá. Từ các hãng phim như Galaxy, BHD… cho tới các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến như VTV Cab, K+, Clip TV, FPT Play… đã tung ra thị trường các gói dịch vụ với mức cước trung bình 50.000 đồng/tháng hoặc miễn phí thời gian đầu.

Tuy nhiên, với mức cước 50.000 đồng/tháng để xem phim trực tuyến có bản quyền trên trang web hoặc ứng dụng di động, khách hàng chỉ có thể thưởng thức có giới hạn một số lượng phim cũ, đã phát hành từ khá lâu. Người dùng cũng có thể thuê những bộ phim vừa được công chiếu ở các rạp chiếu phim với mức cước 12.000-50.000 đồng/phim, thời gian được xem trong vòng 48 giờ (hai ngày).

Mới đây, dịch vụ xem phim trực tuyến iFlix cũng vừa chính thức cung cấp dịch vụ này với mức cước 59.000 đồng/tháng, bắt đầu từ tháng 3. Để khuyến mãi, iFlix giảm giá 20% đối với khách hàng chọn trả tiền thuê bao cả năm, mức cước còn 540.000 đồng cho một năm truy cập (khoảng 45.000 đồng/tháng). Ngoài ra, người dùng có thể đăng ký sử dụng trên trang web  http://iflix.com để có 30 ngày dùng thử miễn phí.

Trước đó, Công ty cổ phần Bạch Minh (Vega Corporation) đã ra mắt dịch vụ Clip TV (tháng 12-2016) với hơn 100 kênh truyền hình trực tuyến, kho phim có bản quyền (phim Mỹ, Hàn Quốc, phim chiếu rạp…) cùng các nội dung khác như thể thao, thiếu nhi… Mức cước của Clip TV cũng giữ ở mức 50.000 đồng/tháng, tương tự các nhà cung cấp dịch vụ khác.

Hai nhà sản xuất, phát hành phim lớn là Galaxy và BHD cũng đưa ra dịch vụ xem phim trực tuyến gồm Fim Plus và Danet. Người dùng trả mức cước khoảng 50.000 đồng/tháng để xem khoảng 1.000 bộ phim trên máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng. Danet và Fim Plus chỉ tập trung cung cấp dịch vụ phim trực tuyến và TV Show (Danet) có bản quyền; không cung cấp kênh truyền hình trực tuyến (Live TV) cũng như các video thiếu nhi, ca nhạc…

Ông Nguyễn Dũng, nhà ở quận 2, TPHCM cho biết trước đây ông thường xem phim trên các trang web chiếu phim online, nhưng đó là phim không có bản quyền. “Nếu dịch vụ xem phim trực tuyến có mức cước chỉ 45.000-50.000 đồng/tháng thì tôi sẽ chuyển qua xem phim có bản quyền. Chỉ mong các nhà cung cấp dịch vụ bổ sung nhanh phim mới”, ông Dũng nói.

[box type="info"] Nhà cung cấp truyền hình cũng tham gia

Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh… cũng ra mắt các ứng dụng di động nhắm đến khách hàng muốn xem các nội dung video theo yêu cầu (VOD).

Chẳng hạn, truyền hình vệ tinh K+ đã ra mắt dịch vụ myK+ NOW (tháng 9-2016). Khách hàng xem truyền hình trực tuyến trên thiết bị di động với mức thuê bao 125.000 đồng/tháng, bằng với cước sử dụng gói K+ Premium (truyền hình vệ tinh). Thuê bao myK+ NOW sẽ được xem các kênh K+ HD, chùm kênh truyền hình của VTV và 15 kênh truyền hình khác.

Trong năm 2016, VTV Cab cũng tung ra ứng dụng VTV Cab On để khách hàng xem truyền hình, phim bản quyền trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng. Khách hàng được xem miễn phí hơn 30 kênh truyền hình. Nếu khách hàng có nhu cầu xem phim bản quyền sẽ phải trả mức cước 50.000 đồng/tháng hoặc thuê từng phim trong vòng 48 giờ (nguồn phim bản quyền từ Công ty BHD).[/box]

Chịu lỗ để hút khách

Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ video theo yêu cầu (VOD) chiếu trên trang web, ứng dụng di động, các nhà cung cấp dịch vụ như Clip TV và FPT Telecom còn bán thiết bị TV Box với giá 1,8-2,2 triệu đồng. Khách hàng mua TV Box thường được tặng 6 tháng cước sử dụng kho phim trực tuyến hoặc 12 tháng gói truyền hình quốc tế Premium (HBO Red, StarMovies HD, Bloomberg, CNN…).

Việc kinh doanh TV Box cũng thu hút thêm một số khách hàng muốn chuyển đổi cách xem truyền hình từ truyền hình cáp analog sang truyền hình Internet thông qua TV Box. Đồng thời, khi sử dụng TV Box, họ còn có thể giải trí với kho phim, các chương trình TV show, ca nhạc, hài kịch…

Theo đại diện Clip TV, sau khoảng hơn hai tháng ra mắt, dịch vụ Clip TV đã có gần 100.000 thuê bao đăng ký dùng thử nhưng tỷ lệ trả tiền cho các dịch vụ nội dung Premium (phải trả tiền mới được xem) còn tương đối ít vì nội dung vi phạm bản quyền vẫn tràn lan trên mạng và người dùng vẫn dễ dàng để xem được các nội dung đó.

Ông Phan Thanh Giản, Giám đốc điều hành Clip TV, nhận xét thị trường truyền hình trực tuyến, dịch vụ VOD tại Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt về giá và hầu như các công ty đều lỗ vì chi phí bản quyền quá lớn, trong khi các nhà cung cấp nội dung không bản quyền vẫn được hưởng lợi. “Việc thu hút khách hàng là một mục tiêu quan trọng để dịch vụ thành công, tuy nhiên về lâu dài chúng tôi cũng phải suy nghĩ thêm cách thức để làm sao dịch vụ có lãi và bền vững”, ông Giản nói.

Theo đánh giá của một số người dùng thì mức cước dịch vụ VOD ở Việt Nam là rẻ so với gói dịch vụ truyền hình trực tuyến VOD tương tự ở một số nước khác. Có những nơi cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến VOD với mức cước thấp nhất cũng khoảng 120.000 đồng (hơn 6 đô la Mỹ). Trong khi đó, mức cước trung bình ở Việt Nam chỉ vào khoảng 50.000-60.000 đồng/tháng (hơn 2-3 đô la Mỹ).

Theo đại diện một công ty kinh doanh dịch vụ xem phim trực tuyến, hiện tại các dịch vụ VOD đang “gồng” về chi phí vận hành hệ thống, phí dịch vụ đường truyền Internet để có được mức cước thấp (50.000 đồng/tháng). Vị đại diện này cho biết, chỉ tính riêng về chi phí cho đường truyền (đủ mạnh để xem truyền hình trực tuyến) đã mất gần 20.000 đồng cho mỗi thuê bao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối