KIM BA -
eSport có thể xem là môn thể thao mới và đang phát triển cực nhanh, nhưng cũng như bất kỳ môn thể thao nào khác, nó cũng có mặt trái, đó là lạm dụng chất kích thích và cá cược.
Theo ước tính của Superdata, một năm eSport toàn cầu đạt trị giá khoảng 612 triệu đô la Mỹ. Twitch là nền tảng trực tuyến chuyên phát hình game, cho các nhà quảng cáo biết hàng tháng họ có hơn 100 triệu lượt người xem, và trung bình mỗi người xem khoảng 106 phút/ngày. Hồi tháng 7 vừa rồi tại Ba Lan, một game thủ Counter Strike chuyên nghiệp tên là Kory Friesen, có biệt danh trong game là “Semphis”, đã thừa nhận mình và đồng đội đều dùng Adderall, là một loại thuốc kích thích giúp người chơi tập trung cao độ trong quá trình thi đấu.
Ngay sau đó, Hội thể thao điện tử ESL (Electronic Sports League), là một trong những đơn vị tổ chức các giải eSport lớn, cho biết họ đang kết hợp với cơ quan chống doping của Đức để đưa ra một chính sách kiểm tra vận động viên eSport có dùng thuốc kích thích hay không. Trong giải đấu tại Cologne hồi tháng 8 vừa rồi, ESL lần đầu tiên kiểm tra chất kích thích với các vận động viên và kết quả là không có mẫu xét nghiệm nào dương tính.
Mặc dù những nhà tổ chức eSport phần nào giải quyết được chuyện sử dụng chất kích thích trong thi đấu nhưng vấn đề cá cược luôn là thách thức bấy lâu nay. Xu hướng cá cược về eSport đang phát triển rất mạnh trên các trang cá cược phổ biến. William Hill của Anh Quốc đã nhận 14.000 lần đặt cược về game trong năm nay, có tổng trị giá khoảng 395.000 đô la Mỹ, gấp bốn lần so với năm ngoái.
William Hill là đơn vị tổ chức cá cược ở Anh Quốc, được cấp phép và họ chấp nhận đưa eSport vào danh mục cá cược. Nhưng ngoài William Hill, có nhiều “ổ cá cược” khác không được cấp phép và nhiều thanh thiếu niên đang bị hút vào trò đỏ đen với eSport. Một trong những “ổ” như vậy là CSGO Lounge, cho phép người xem đặt cược ngay trong game, bằng những ứng dụng cộng thêm gọi là “skin” ngay khi trận đấu có kết quả. Không phải “skin” nào cũng đều tương tự nhau, vì vài “skin” có giá đến hàng trăm đô la (rao bán trên SkinXchange.com). Và sức quyến rũ của chúng lại không hề nhỏ.
Theo nhà phát triển SkinXchange, Justin Carlson, cá cược còn ở tuổi vị thành niên là vấn đề không hề nhỏ và có vô số bậc phụ huynh không hề biết con cái lấy thông tin thẻ tín dụng của họ để đăng ký mua “skin” và đặt cược.
Ở nhiều nước châu Âu, cá cược trực tuyến là bất hợp pháp, và CSGO Lounge không có mặt trên những nhà cái hợp pháp ở Pháp và Anh, thậm chí cả EGB.com, là trang web ở Costa Rica cho phép cá cược eSport bằng tiền thật.
CSGO Lounge lý luận rằng trên trang web của họ có yêu cầu người đăng ký phải tuân thủ đúng pháp luật của quốc gia người dùng và độ tuổi tối thiểu để tham gia cá cược. Còn tại Anh, Ủy ban quản lý cá cược – U.K Gambling Commission cho rằng bất kỳ dịch vụ cá cược nào dành cho công dân Anh Quốc đều buộc phải đăng ký.
Rõ ràng, khi đã công nhận eSport là một môn thể thao thì cũng cần xem đó như một môn thể thao thông thường khác, cần có cơ chế quản lý riêng cho nó. Đặc biệt hơn, eSport là môn thể thao mới và rất dễ “gây nghiện” đối với giới trẻ. Thuốc kích thích có thể dễ dàng quản lý nhưng cá cược luôn là trở ngại rất lớn, không những với eSport mà còn với cả những môn thể thao lâu đời khác.