Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Cá mỉm cười

Khải Đơn -

Lần đầu tiên tôi chạm vào Mekong là một chuyến đi xe máy dài suốt ba tuần, và ngồi nhìn những con cá linh lấp lánh xếp mình trong rổ của người đàn bà, khi chồng bà kể tôi nghe giấc mơ của ông, nơi hàng triệu con cá linh long lanh khỏa mình dưới dòng kinh bé mọn, vỡ bung bờ bao, để đón mùa nước nổi diệu kỳ ở cù lao Phú Tân này.

Kể xong ông nói đó sẽ là chuyện cũ lắm, có thể chẳng bao giờ còn nữa, bởi đã lâu lắm rồi con nước đâu thèm nhớ đến ông và cái lạch cũ ngay bên nhà. Rổ cá linh là bà vừa mua từ chợ. Người ở chợ cũng lắc đầu mêu mếu nói cá linh sống mùa này đâu ra, đi mót mãi mới được ít nhúm ngoài đồng. Tôi không thể gặp được “đồng trắng nước” nghe được lộp độp đâu đó trong bài vọng cổ âm dài và vài quyển văn cũ.

Có lẽ không nhiều người ở miệt đồng bằng sông Cửu Long biết họ đang sống trên dòng sông dài thứ bảy thế giới. Mekong là chuyến du hành dài thứ bảy mà con người ở xứ sở này đã sống và tan rã bên cụm đỏ của phù sa.

Tôi đi rất lâu quanh dòng nước này khắp Đông Dương, để gặp được những quãng đồng và nghe câu chuyện lặn sâu dưới đáy thời gian êm ả như cổ tích...

Chân dung dòng sông chỉ hiện ra mỗi khi tôi gặp một người biết nghe tiếng nước thở và cảm niệm sự sống dâng lên hay mòn đi cùng nó, như có hồi, hình dáng Mekong hiền lành dịu dàng quãng này bị chồng lấp lên con đò lượn mình ra giữa đoạn sông ở tỉnh Champasak. Tôi đi tìm 4.000 hòn đảo giữa khúc sông được mệnh danh là thác Niagara của châu Á. Tuổi trẻ có lẽ để đi tìm thứ xa xôi ngay bên cạnh nhà mình, và Khone Pha Pheng hiện ra giữa mong mỏi kỳ quái đó. Ngọn thác nằm giữa Mekong ở miền Nam Lào, dài gần 6 km, cao đến 67 m.

Sông Mekong là nơi có ngành đánh bắt cá nội địa lớn nhất thế giới, giúp nuôi sống khoảng 60 triệu người dọc lưu vực sông. Nguồn: Ủy ban Sông Mekong

Tôi có đếm hết 4.000 hòn đảo hay khối đá giữa một dòng nước xiết lạnh mình không? Khoảng nước xoáy tốc thân người hay miệng thác vượt xa mọi tưởng tượng ngoại cỡ mà sinh vật bé mọn cuối nguồn như tôi từng tưởng tượng ra. Con sông lạnh tanh trong một chiều nóng gần 40 độ C mùa hè ở Lào. Giữa sông, trận đồ của hình thù đá, những khoảng cây xanh bấu mình trên đá, những khối gồ ghề căng mình giữa nước xiết, một vài đảo nhỏ lầm lũi hiện ra với một mái nhà mỏng tang trên đó, người đánh cá nhìn xoáy vào mắt mình. Xa lạ và yên tâm kỳ lạ. Người lái đò vẽ từng đường qua đá như ngọn bút tay chơi màu nước khuây khỏa, không định toan tính gì, không gồng cứng người thể hiện gì. Nước thân thuộc như cơ thể. Đá chỉ là một viên màu trên bảng vẽ. Động cơ thuyền máy rẻ tiền và gọn nhỏ là một cái cớ tuyệt đẹp để lang thang hết hang cùng ngõ hẻm giữa vô vàn khối đá kỳ dị giăng mắc.

Xuồng cập vào Don Det – một cù lao lớn trong vô số 4.000 hòn đảo đó giữa Mekong, tấp vào hông một xuồng đánh cá với chừng chục con cá tròn lẳn tươi rói nằm trong khoang. Mắt cá tỏa ra ánh sáng khi phản chiếu ánh chiều muộn. Vảy trong veo, lấm tấm đều đặn kiểu áo kết cườm sân khấu. Chúng to đều chừng 2-3 kg/con. Bạn tôi hỏi mua cá, xong trêu vợ chồng ngư dân. Tôi nheo mắt nhìn xuống đoạn nước cạnh xuồng. Cá bơi theo đàn, đều tăm tắp, nhịp nhàng như vũ hội. Nước Mekong từ thác ra trong veo, không còn vẻ đục ngầu và ì ạch phù sa nữa mà nhẹ tênh phóng thẳng từ hàng chục thước xuống dòng bên dưới. Đây là một cái bể sinh sản của hàng triệu triệu sinh linh cá từ khắp quãng xung quanh đổ về. Trứng cá, ốc, cá con nấp đầy dưới bụi rong ven đá, nhân lên hàng ngàn, hàng vạn sau mỗi đoạn nước phun ào ạt từ thác. Sự kỳ vĩ im re dưới đáy sâu. Thế giới kỳ ảo kín đáo vận hành để Mekong sống còn. Sự sống khởi phát từ giữa dòng, sinh sôi lẳng lặng và chắc đâu đó có cả tượng hình đầu tiên của bầy cá linh phá tung bờ bao trong chuyện của người đàn ông tôi nghe từ miệt An Giang.

“Ở đây họ vậy đó, mỗi ngày bắt chừng mười mấy con. Đủ cá bán đủ tiền chợ, tiền con đi học là ngừng. Không ai bắt cả xuồng đầy cá”, bạn tôi vừa nói vừa cầm sợi dây buộc con cá 3 kg vừa mua được bước lên bờ. Mắt con cá không nhắm, nó đang trở thành một hạt giống sinh tồn cho những sinh vật như hai vợ chồng ngư dân, như tôi, như bữa tối ở nhà trọ..., cho con người no bụng, yên lành, không mảy may âm mưu bước qua lằn ranh tham lam vung tay gài mìn sát mép nước để quét sạch cả bầy cá.

Mỗi ngày ở Khone Pha Pheng tôi đều gặp người đánh cá. Một bà bán cơm ven bờ, giăng lưới mỏng, bắt vừa đủ cá dài bằng cây đũa, phơi khô, làm món ăn bán cho khách. Cá nhỏ hơn vứt lại xuống nước cho bơi đi. Bà nói: “Hôm nào hết cá nấu cơm thì đặt lưới tiếp”. Con cá dài nhiều xương nhưng nhai kỹ trong miệng thành ra ngọt thơm, cùng với nồi canh nấu có gừng xả và vài loại rau lộn xộn hái quanh bờ. Gạo tròn lẳn, chắc nịch, thơm bừng lên khi sôi trong nồi.

Người neo mình giữa mấy đảo nhỏ quanh Don Det không kết nối nhiều lắm với thế giới ngoài kia ở tỉnh Champasak, nơi người gác cổng du lịch định nói gấp đôi số tiền vé bắt tôi mua. Họ sống yên lành trong định nghĩa và vòng quay riêng của Mekong. Họ sinh tồn và tận hưởng vẻ đẹp bất khả. Họ nghe sông rầm rì. Họ nói tiếng của cá. Họ biết bao tử mình cần gì và những kỳ vọng bao nhiêu là vừa vặn khi đáy sông phóng đến mức gom tất cả sự sống và sinh vật đổ về quãng này. Người đàn bà không dụ cá vào lưới nhiều hơn bữa cơm khách cần. Anh đánh cá không siết cổ từng hẻm đá, vụng nước để truy lùng con cá cuối cùng. Anh đón lên từ nước số cá vừa đủ, những con cá to vừa đủ, những bữa tối no đủ và chiều chậm rãi đi qua hàng ngàn khối đá đang chứng kiến họ tồn vong cùng con nước. Thượng Đế tạo ra sự vô tận sung túc, và sắp đặt đâu đó người bảo vệ canh giữ trên mặt dòng nước xanh lạnh buốt chiều về.

Dưới chân thác Khone Pha Pheng, khi nhìn nước bung mình trắng xóa qua đá, ca tụng sự giàu có vô tận của Mekong, tôi chạm tay vào đàn cá bơi leo lẻo dưới đáy nước gần nơi mình đứng. Chúng lướt qua tay không chút ngượng mình. Tôi nhớ mùi cá thơm phức trên lò được trao vào tay tôi trong tàu lá chuối mỏng ở miền đông bắc Thái, nhớ vị nước ngai ngái trong nồi lẩu bông so đũa cá linh thơm lừng, nhớ cọng rau non xanh ngọt từ quãng rừng ven sông.

Những mùi hương này kết tụ thành một Mekong dày đặc chuyện kể, sung túc vô ngần và ánh mắt người trấn an tôi về sự tồn tại con người giữa dòng bơi của hàng vạn loài khác biệt. Và ánh mắt cá mỉm cười như lời dịu dàng đâm vào bàn tay tôi, kẻ muộn màng ngắm nhìn dòng sông chảy xiết hơn dưới những khúc rẽ ngặt mùi thủy điện và ám ảnh nắn lại dòng nước.

Cá linh, cá hô hay cá heo nước ngọt... chúng còn bao lâu để mỉm cười cạnh những người nông dân dịu dàng đang sống đầy đủ từng ngày đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối