(SGTT) - Sáng nay 10-8, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận thêm 5.149 ca mắc Covid-19, trong đó TPHCM 2.490 ca.
- Nhân viên siêu thị được đi lại từ 18:00 đến 6:00 sáng
- An lòng với những chuyến xe thực phẩm bình ổn lưu động
- 9.323 ca Covid-19 trong ngày 9-8, TPHCM có 3.991 người nhiễm
Việt Nam có 224.894 ca nhiễm tính đến sáng ngày 10-8
Sáng 10-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.149 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 5.144 ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (2.490), Bình Dương (1.325), Đồng Nai (354), Long An (313), Bà Rịa - Vũng Tàu (109), Tây Ninh (102), Tiền Giang (100), Bến Tre (58), An Giang (53), Vĩnh Long (52), Sóc Trăng (43), Ninh Thuận (32), Kiên Giang (26), Cần Thơ (23), Đắk Lắk (19), Phú Yên (13), Đồng Tháp (13), Hậu Giang (8), Gia Lai (6), Cà Mau (2), Hải Dương (1), Bạc Liêu (1), Hà Nội (1), trong đó có 662 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng ngày 10-8, Việt Nam có 224.894 ca nhiễm, trong đó có 2.367 ca nhập cảnh và 222.527 ca nhiễm trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 220.957 ca, trong đó có 73.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2/63 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Hà Nội sẽ "điều chỉnh" kiểm tra giấy đi đường
Theo Vnexpress, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết sẽ điều chỉnh việc kiểm tra giấy đi đường cho "thực chất và phù hợp hơn" nhằm tránh ùn ứ, tập trung đông người. Nhà chức trách chưa cho biết sẽ điều chỉnh nội dung gì và bao giờ điều chỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho hay: Tinh thần của siết chặt quản lý giấy đi đường là để kiểm tra, không phải để phạt. Việc này sẽ giúp phát hiện và xử lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong giãn cách xã hội.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt trong việc kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trong thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Chốt kiểm tra khi phát hiện các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, cần thông tin đến công an phường, xã, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức xác nhận giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu; có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý.
Trước đó, tối 8-8, Hà Nội phát đi văn bản việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, ngoài giấy đi đường theo mẫu của thành phố, người đi đường phải xuất trình thêm giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị còn phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).
Hiệp Trần tổng hợp