Thứ năm, Tháng Một 9, 2025

Cà phê… dĩ vãng

D.THUẦN -  

Quán không bảng hiệu, không đèn màu, không âm nhạc dù theo người chủ, quán đã tồn tại suốt mấy đời người. Quán không kén khách nhưng dường như nó không dành cho người lắm tiền.

IMG_7626-1

Mỗi ngày, khoảng 11 giờ đêm là “giờ cao điểm” ở quán cà phê này, nhiều người quen gọi là quán cà phê vợt. Quán nằm khuất trong con hẻm số 330 đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận, TPHCM). Chủ quán là vợ chồng ông Đặng Ngọc Côn (80 tuổi) và bà Phạm Ngọc Tuyết (75 tuổi). Dù cách pha cà phê bằng vợt đã dần trôi vào dĩ vãng nhưng quán của ông bà vẫn giữ được cái hồn và hương vị của loại thức uống được pha chế đặc biệt này.

Theo chủ quán, nơi đây là điểm dừng chân nghỉ ngơi của những người mưu sinh giữa đêm khuya ở Sài Gòn đã nhiều năm nay. Không bảng hiệu, không nhạc nhưng quán vẫn có lượng khách thường xuyên. Ông Côn cho biết đây là quán gia đình truyền lại từ thời trước. Theo lời kể, quán do cha của ông mở từ thời xưa. Ông là người nối nghiệp cha, quản lý quán và tiếp tục gìn giữ hương vị độc đáo của cà phê vợt.

Cà phê ở quán được lấy từ những chỗ quen lâu năm, đem về tự rang xay theo công thức riêng. Dù khách có đông nhưng ông bà luôn tỉ mỉ pha từng ly không bỏ sót một công đoạn nào. Mỗi khi khách kêu, chiếc vợt được nhúng vào nước sôi để vệ sinh, sau đó cho vào một lượng vừa đủ bột cà phê đã xay, kế đến đổ nước sôi vào chờ cà phê nở rồi nhúng thêm vào lần nữa mới bỏ vào chiếc ca bằng nhôm để sẵn.

Ở đây buổi đêm, trái với sự ồn ào náo nhiệt của con đường Phan Đình Phùng là sự tĩnh lặng của con hẻm 330. Cả không gian, thời gian như ngưng đọng bên những giọt cà phê. Không có tiếng còi xe ầm ĩ mà chỉ có những tiếng tỉ tê, giãi bày cùng nhau của những người dân lao động nghèo mưu sinh giữa đêm khuya. Đó là câu chuyện của bác xe ôm đã có thâm niên vẫn đến quán uống cà phê, là câu chuyện của cặp vợ chồng già trong hẻm, mỗi lần giận nhau là ra quán làm hòa.

Hôm người viết bài này ngồi uống cà phê, hai người khách tóc đã hoa râm, dáng đi lọm khọm cũng bước vào, kéo nghế ngồi xuống. Anh nhân viên phục vụ nói với tôi, hôm nay hai ông bà lại giận nhau ở nhà rồi. Đến quán giờ này thì chỉ có làm hòa thôi để giải thích cho một “mối” khách quen của quán.

Khách quen nơi đây còn là chị làm nghề ve chai có thói quen hút thuốc và nghiền cà phê. Chị nói, mấy năm trước đi lượm ve chai qua con hẻm này, tạt vào quán gọi ly cà phê riết thành quen. Bây giờ, đêm nào không tạt vào quán thì trong người cứ cồn cào, khó chịu. Góp vào câu chuyện giữa khách và nhân viên, người phục vụ này cho biết khách đến đây ai cũng hiền hòa, tử tế. Anh cho biết chị mua ve chai ghiền cà phê là người rất hay, lần nào nhận cơm từ thiện cũng dành phần cho người nghèo trong khu vực này. “Hôm rồi chị biếu anh 500.000 đồng mua cái xe đạp làm phương tiện đi làm. Chưa kịp mua xe thì mẹ tôi bị bệnh thế là số tiền hết sạch”, anh nói.

Ngoài ông bà cụ “ra quán làm hòa” hay chị ve chai tốt bụng, khách của quán cũng là những người lao động ban đêm vừa hết giờ làm, ghé quán nhâm nhi ly cà phê, kể nhau nghe mấy chuyện buồn vui. Hoặc bàn bên kia những cô cậu sinh viên ngồi chuyện trò. Loáng thoáng trong câu chuyện là những chuyện học hành, chuyện nhớ nhà, nhớ quê xa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối