Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Cá tra đang “bí” thị trường

Những tháng đầu năm nay, giá cá tra xuất khẩu không cao như hai năm trước, có thời điểm thấp hơn 3 đô la Mỹ/kg. Nguyên nhân một phần do cá tra Việt Nam phải cạnh tranh với chính sản phẩm thủy sản của nước nhập khẩu, phần khác do người tiêu dùng đang đòi hỏi những tiêu chuẩn chất lượng khắt khe hơn.

Trong những tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cá tra qua hai thị trường chính là Mỹ và châu Âu liên tiếp sụt giảm. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hiện nay cá tra không phải là lựa chọn duy nhất đối với người tiêu dùng ở châu Âu; còn ở Mỹ thị trường sụt giảm là do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá mà nước này áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Trước đây, có khoảng mấy chục doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhưng sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, nay chỉ còn bốn doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp chỉ chịu thuế 0% và 0,03%, còn những doanh nghiệp khác hầu như đã bị đánh bật khỏi thị trường”, ông Hòe nói.

Mặt khác, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sức mua giảm một phần do trong tháng 1 và tháng 2, các nhà nhập khẩu đã nhập một lượng hàng lớn nên những tháng sau họ đã giảm nhập để tránh tồn kho quá nhiều. Còn đối với thị trường châu Âu, cá tra không phải là lựa chọn duy nhất của người tiêu dùng khi những sản phẩm chế biến từ cá sinh thái bản địa vốn đang được mùa.

Xuất khẩu cá tra liên tiếp sụt giảm trong những tháng đầu năm nay. Ảnh: Trung Chánh
Xuất khẩu cá tra liên tiếp sụt giảm trong những tháng đầu năm nay. Ảnh: Trung Chánh

Vào ngày cuối cùng của tháng 3-2014, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 9 giai đoạn từ ngày 1-8-2011 đến 31-7-2012 (POR 9) đối với phi lê cá tra đông lạnh từ Việt Nam. Theo đó, những công ty bị đơn phải chịu mức thuế 1,2 đô la Mỹ/kg, những doanh nghiệp khác thì bị mức thuế 2,11 đô la Mỹ/kg, chỉ có bốn doanh nghiệp chịu thuế 0% và 0,03%. Vì thế, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong tháng 4 đã giảm gần 52%, tháng 5 giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình trong bốn tháng đầu năm chưa đến 3 đô la Mỹ/kg.

Trong khi đó, xuất khẩu qua thị trường châu Âu cũng giảm theo, trong năm tháng đầu năm chỉ đạt 141 triệu đô la Mỹ, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông V.Đ., giám đốc một công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản ở Tiền Giang, thị trường châu Âu giảm một phần là do các nhà bán lẻ đòi hỏi cá tra Việt Nam phải đạt các tiêu chuẩn như GlobalGap (Thực hành nông nghiệp tốt), ASC (Tiêu chuẩn của hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản của WWF)… Ông Đ. cho biết, theo xu hướng chung, các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những rào cản kỹ thuật mà nếu doanh nghiệp xuất khẩu không đáp ứng được thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

“Đối với thị trường Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ phải tìm cách đối phó với thuế chống bán phá giá, còn thị trường châu Âu lại đòi hỏi khá khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, các nước Bắc Âu thích ăn cá tra đạt tiêu chuẩn ASC trong khi các nước khác tiêu thụ mạnh cá tra đạt tiêu chuẩn GlobalGap”, ông V.Đ. nói.

Ông Hòe đưa ra dự báo, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu trong vài tháng tới. Ít nhất phải từ tháng 8 thị trường mới khởi sắc được, bởi lúc đó thị trường Mỹ cũng như châu Âu sẽ tiêu thụ nhiều hơn và các nhà nhập khẩu cần chuẩn bị cho nhu cầu cuối năm.

[box type="bio"] Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong sáu tháng đầu năm 2014, diện tích nuôi cá tra khoảng 5.800 ha, sản lượng đạt 489.000 tấn, giảm 26.000 tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, việc thị trường bị co hẹp, giá bán không cao đã ảnh hưởng đến người nuôi cá tra. Vào đầu tháng 4-2014, sau thời điểm DOC công bố thuế bán phá giá lần 9, ngay lập tức giá cá tra nguyên liệu chỉ còn 21.500-22.000 đồng/kg, giảm 3.000-4.000 đồng, trong khi giá sản xuất đã là 22.500-23.500 đồng/kg.[/box]

Tự Phong

Nhiều người quan tâm