Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Các địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, dựa vào thiên nhiên

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, du lịch xanh chính là giải pháp để phát triển du lịch bền vững. Bắt nhịp xu hướng đó, ngành du lịch Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên đang nỗ lực xây dựng các điểm đến xanh, dựa vào thiên nhiên, tạo lợi thế cạnh tranh, mang đến những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Quảng Ninh phát triển du lịch xanh, bền vững

Theo báo Quảng Ninh điện tử, ngành du lịch tỉnh này đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Có thể kể đến các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái ở Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái...; mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan làng chài Cửa Vạn, Vông Viêng; mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức... mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, qua đó góp phần phát huy những giá trị văn hóa, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Khung cảnh thanh bình ở một không gian thuộc làng quê Yên Đức. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Theo xu hướng du lịch xanh, vấn đề môi trường cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Quảng Ninh đã chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) trong dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long và đã đạt được một số kết quả nhất định như: Xây dựng hai hành trình khám phá trên đảo Quan Lạn; lắp đặt các nhà vệ sinh sinh thái cho tàu du lịch và trạm ủ phân vi sinh; xây dựng tiêu chí cánh buồm xanh cho tàu thủy du lịch trên Vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh Vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, các tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp trên Vịnh Hạ Long, sử dụng toàn bộ chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy… để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành du thuyền.

Du khách sẽ được đạp xe đạp đi tham quan làng cũng như những di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng tại địa phương. Ảnh: TTXTDL tỉnh Quảng Ninh

Chia sẻ trên báo Quảng Ninh điện tử, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết để phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cần cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường…

Quảng Nam phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên

Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Bộ Tiêu chí du lịch xanh, đưa ra các sản phẩm du lịch bền vững, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh để phục vụ du khách, hướng tới là trung tâm du lịch xanh của cả nước.

Theo đó, làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú ở xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn là một trong những điểm du lịch dựa vào thiên nhiên nổi bật của tỉnh. Làng du lịch có khung cảnh hữu tình của một ngôi làng thuần Việt xứ Quảng. Đến làng Cẩm Phú, du khách được khám phá các sản phẩm du lịch xanh như tham quan nhà vườn, tận mặt chứng kiến và tham gia lao động, trồng rau, hái quả trong vườn, phân loại và tái chế rác hữu cơ. Nhiều du khách thích thú khi được khám phá di tích lịch sử cùng người dân địa phương bắt cá, thả lưới trên sông Thu Bồn.

Bãi Sậy - Sông Đầm có nhiều loài chim kéo về trú ngụ, tìm thức ăn. Ảnh: Long Phi/VOV-Miền Trung

Chia sẻ trên Báo điện tử VOV, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết trong quá trình phát triển du lịch sẽ hạn chế thấp nhất những tác động đến môi trường tự nhiên “Chỉ khi người dân tham gia và được thụ hưởng từ các sản phẩm du lịch cộng đồng thì mới có thể phát triển. Phải làm sao cho mỗi người dân, mỗi ngôi nhà tại đây đều là một điểm đến du lịch xanh, có như thế mới phát triển du lịch bền vững”.

Ngoài ra, tại thành phố Tam Kỳ, Bãi Sậy - Sông Đầm (nằm giữa xã Tam Thăng và phường An Phú) trở thành điểm du lịch mới, thu hút du khách. Bãi Sậy - Sông Đầm có diện tích tự nhiên khoảng 180 ha. Trong quá trình quy hoạch, thành phố Tam Kỳ xem khu vực này như “lá phổi xanh” của đô thị, với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng. Khách du lịch đến đây được ngồi trên chiếc ghe nhỏ, lênh đênh trên mặt nước, hòa mình vào cảnh sắc hữu tình với những cánh đồng hoa sen, hoa súng rực rỡ.

Nhà hàng The Field, một trong những điểm đến xanh nổi bật tại Quảng Nam.

Các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng không còn mới mẻ trong quá trình phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam. Địa phương này đã chú trọng việc bảo tồn các giá trị tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và nâng cao cuộc sống người dân địa phương.

Phú Yên phấn đấu có tối thiểu một điểm du lịch nông thôn tại mỗi địa phương vào năm 2025

Theo Cổng thông tin điện tử Phú Yên, việc phấn đấu có tối thiểu một điểm du lịch nông thôn tại mỗi địa phương vào năm 2025 là một trong những mục tiêu phấn đấu thực hiện tại Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh vừa được UBND tỉnh Phú Yên ban hành.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Du khách tìm hiểu vườn rau tại trang trại nông nghiệp BB Farm. Ảnh: Sở VHTT&DL Phú Yên

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, các cơ quan chức năng tỉnh cũng đã triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như hoàn thiện cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông thôn; phát triển điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng thí điểm các mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững; quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thị trường du lịch nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền, nâng cao năng lực về du lịch nông thôn…

Đăng Huy tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối