Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Các địa phương ĐBSCL hợp tác TPHCM xây dựng thương hiệu du lịch vùng

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025. Trong đó nhấn mạnh việc “bắt tay” xây dựng thương hiệu du lịch vùng TPHCM và các địa phương này.
Khách du lịch tham quan, chụp ảnh tại làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư chưa bùng phát. Ảnh: Trung Chánh

Trong kế hoạch liên kết hợp tác, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết trọng tâm của liên kết sẽ tập trung vào năm nội dung chính. Thứ nhất, trao đổi thông tin công tác quản lý nhà nước về du lịch; thứ hai, phát triển sản phẩm; thứ ba, quảng bá xúc tiến; thứ tư, phát triển nguồn nhân lực; và cuối cùng là kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Đối với nội dung thứ nhất, ngoài thông tin về quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn và hoạt động du lịch từng năm, giữa các địa phương sẽ thông tin về thị trường khách du lịch quốc tế, trong đó, tập trung vào khách du lịch tàu biển của các thị trường như Úc, châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Tây Á, ASEAN…

Mặt khác, các địa phương sẽ trao đổi xu hướng nhu cầu sản phẩm du lịch, kế hoạch đầu tư mở rộng, phát triển sản phẩm du lịch và các chính sách đối với doanh nghiệp.

Đối với nội dung thứ hai, sẽ lựa chọn sản phẩm đặc trưng, nổi trội của tỉnh Đồng Tháp chuyển đến Sở Du lịch TPHCM đưa vào kế hoạch triển khai liên kết.

Định hướng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp kết nối với doanh nghiệp các địa phương xây dựng tour, tuyến du lịch; hợp tác xây dựng chuỗi liên kết các lĩnh vực lưu trú, lữ hành, vận chuyển và phát triển các sản phẩm/chương trình du lịch chuyên đề.

Phối hợp ngành du lịch các địa phương tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ các địa phương trong liên kết xây dựng, chào bán sản phẩm du lịch trong vùng và mở rộng ra các vùng khác…

Về nội dung thứ ba, sẽ phối hợp xây dựng thương hiệu du lịch vùng TPHCM và 13 địa phương ĐBSCL.

Phối hợp TPHCM và các địa phương liên kết thực hiện các chương trình khảo sát, famtrip, presstrip để quảng bá sản phẩm du lịch tỉnh Đồng Tháp cũng như các sản phẩm liên kết.

Ngoài ra, sẽ tổ chức đánh giá chất lượng các khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú, ăn uống và mua sắm đạt theo tiêu chuẩn quốc gia.

Về phát triển nguồn nhân lực du lịch, sẽ phối hợp với Sở Du lịch TPHCM đào tạo nâng cao trình độ quản lý tại các cơ sở du lịch theo chuẩn quốc tế, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các địa phương.

Mặt khác, sẽ tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp quản lý trong quản lý nhà nước về du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nhân lực du lịch….

Về việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, ngoài chủ động chuẩn bị các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Đồng Tháp trên lĩnh vực du lịch, địa phương sẽ phối hợp với TPHCM và các địa phương liên quan chủ động lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch để cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch trong và ngoài nước.

Phối hợp TPHCM và các địa phương ĐBSCL liên kết kêu gọi, tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực du lịch.

Trao đổi, cung cấp thông tin về hạ tầng du lịch, giao thông và dịch vụ với các địa phương liên kết; thúc đẩy, phát huy lợi thế về hạ tầng giao thông hiện có để phát triển liên kết, đặc biệt là TPHCM (sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất), TP Cần Thơ (sân bay quốc tế Cần Thơ), tỉnh Kiên Giang (sân bay quốc tế Phú Quốc).

Trước đó, UBND tỉnh thành của 13 địa phương tại ĐBSCL và UBND TPHCM đã chính thức ký liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Sau một năm liên kết, các địa phương đã cụ thể hoá được một số nội dung hợp tác với mục tiêu cùng nhau đưa du lịch TPHCM và vùng ĐBSCL phát triển.

Cụ thể, tại hội nghị “Tổng kết liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2020” diễn ra ở Đồng Tháp hồi đầu năm nay, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết ngoài việc thống nhất thành lập Hội đồng liên kết phát triển du lịch, cũng đã triển khai phát triển được các sản phẩm du lịch.

TPHCM đã phối hợp với 13 địa phương ĐBSCL triển khai đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa đến 13 địa phương ĐBSCL thông qua 3 chương trình, gồm “những nẻo đường phù sa”, “sắc màu vùng biên” và “non nước hữu tình”.

TPHCM đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuyến khảo sát và xây dựng sản phẩm, kết nối khai thác đến các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre trên tuyến du lịch “non nước hữu tình”. Đối với hai tuyến còn lại là “những nẻo đường phù sa” và “sắc màu vùng biên” do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể triển khai khảo sát, kết nối khai thác, theo bà Hoa cho biết tại hội nghị lúc bấy giờ.

Trên cơ sở định hướng ba tuyến du lịch nêu trên, các doanh nghiệp như Tổng công ty du lịch Sài Gòn đã khảo sát 126 tuyến điểm, 31 khách sạn, resort, homestay, farmstay, 15 nhà hàng và 11 cửa hàng quà lưu niệm cùng 5 chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Qua đó, đã xây dựng vào chào bán ba sản phẩm liên tuyến, gồm tuyến “nhịp sống Mekong” theo hành trình TPHCM- Long An- Tiền Giang- Vĩnh Long- Cần Thơ- Hậu Giang- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau; tuyến du lịch “Sông nước Cửu Long” theo hành trình TPHCM – Tiền Giang- Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng – Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau và tuyến du lịch “Điểm hẹn vùng biên” theo hành trình TPHCM – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang.

Bà Hoa cho biết, Sở Du lịch TPHCM đã chủ trì phối hợp với 13 địa phương ĐBSCL và các đơn vị liên quan xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung để quảng bá, giới thiệu du lịch của những địa phương này.

Theo đó, (1) về tầm nhìn: xác định trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn nhất cả nước, khu vực và là động lực kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc gia; (2) sứ mệnh: hợp tác nhằm thúc đẩy du lịch phát triển của vùng và các tỉnh/thành thành viên thông qua liên kết tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng cho du khách trong nước và quốc tế; (3) giá trị cốt lõi: đa dạng – độc đáo – hài hòa – bền vững; (4) giá trị bản sắc thương hiệu: an toàn – thân thiện – ngọt ngào – mến khách – văn minh – sắc màu – sống động…

Trung Chánh

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối