Mỗi năm, Việt Nam sản xuất hàng trăm triệu lít rượu, hàng tỉ lít bia. Thế nhưng, xem ra sản lượng ấy vẫn chưa đủ và các hãng bia rượu tiếp tục mở rộng sản xuất cũng như nhập khẩu thêm cho thị trường...
>> Vấn nạn lạm dụng rượu bia: Chín người mười ý
Ba tỉ lít bia mỗi năm
Trong những năm qua, sản lượng rượu bia được các nhà máy trong nước cung cấp ra thị trường ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, lượng rượu bia nhập khẩu cũng không giảm. Theo Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), vào năm 2010 lượng rượu sản xuất là 59 triệu lít, trong khi con số tiêu thụ là 53 triệu lít, tức là hàng sản xuất ra nhiều hơn so với nhu cầu. Tuy nhiên trong năm 2013, lượng rượu do các nhà máy trong nước sản xuất là 67 triệu lít và lượng rượu tiêu thụ tăng lên 68 triệu lít.
Nhìn vào con số trên, dễ thấy một điều là tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất rượu là không nhiều nhưng trên thực tế, đây chỉ là con số thống kê được của hiệp hội. Trong khi đó, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất theo kiểu hộ gia đình thì chưa có con số thống kê chính xác. Từ con số thống kê này, cơ quan chức năng chỉ ra rằng, mỗi năm, trung bình một người Việt Nam sử dụng hết 0,74 lít rượu.
Điểm qua vài doanh nghiệp để thấy tốc độ tăng trưởng về sản lượng là khá rõ rệt. Ví dụ, vào năm 2011, Sabeco có lượng bia được tiêu thụ khoảng trên 1 tỉ lít thì đến năm 2013, con số này đã hơn 1,3 tỉ lít. Sabeco đặt mục tiêu 1,8 tỉ lít bia ra thị trường vào năm 2015. Đối với Habeco, năm 2008 chỉ mới có sản lượng 365 triệu lít thì đến năm 2013, con số này tăng lên gần 700 triệu lít.
Đối với bia, thống kê của VBA cũng ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Cụ thể, năm 2011, lượng bia sản xuất trong nước là trên 2,6 tỉ lít. Đến năm 2012, con số này là trên 2,83 tỉ lít, và năm 2013 lượng bia sản xuất trong nước đã quá mốc 3 tỉ lít. Năm nay, chỉ mới sáu tháng đầu năm đã có khoảng 1,4 tỉ lít bia được sản xuất và nhiều khả năng con số tổng của năm sẽ cao hơn năm ngoái, khi mà thời điểm cuối năm luôn là thời gian bia rượu được bán chạy.
Theo VBA, trên thực tế các nhà máy bia trong nước cũng đã xuất khẩu gần 63 triệu lít trong năm 2013 và nhập về khoảng hơn 442.000 lít bia. Nếu so với tổng lượng bia sản xuất từ các nhà máy thuộc VBA, đa phần sản phẩm làm ra được tiêu thụ trong nước.
[box type="download"] Thống kê của VBA cho biết, tính trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 32 lít bia trong một năm. Con số này tại Nhật Bản là 44 lít, Trung Quốc là 40 lít, Hàn Quốc là 38 lít và Thái Lan là 34 lít. Trên thế giới, hiện Cộng hòa Czech đang chiếm kỷ lục khi trung bình một người dân nước này uống 148 lít bia mỗi năm. Xếp thứ hai là công dân nước Áo khi đã uống 108 lít bia mỗi năm và tại Đức, con số này là 106 lít.[/box]
Cuộc chơi của các hãng lớn
Ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bia Huế nhận định, thị trường bia Việt Nam đang phát triển và đầy tiềm năng. Thực tế thị trường bia Việt Nam đang có mặt gần như tất cả các hãng bia lớn của thế giới và đây là cuộc cạnh tranh giành thị phần gay gắt. Chính vì vậy, nhiều công ty bia trong nước bị giảm thị phần dù tổng lượng bia trên thị trường vẫn cao.
Nhận định về “sân chơi” này, ông Chi cho rằng lợi thế cạnh tranh trên thị trường bia đang thuộc về Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Công ty Nhà máy Bia Việt Nam, Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty Bia Huế (Huda) và một tên tuổi đến từ Nhật Bản là Sapporo cũng đã gia nhập nhóm này. “Khi cạnh tranh, có thương hiệu phát triển và cũng có thương hiệu bị tiêu diệt. Trên thực tế, các công ty bia địa phương đang giảm đi rất nhiều”, ông Chi nói.
Cũng từ thống kê của VBA, “ông lớn” trong lĩnh vực này hiện nay là Sabeco, trong nhiều năm liền luôn tăng trưởng thì trong sáu tháng đầu năm nay, sản lượng đã giảm 0,5 %. Trong lúc này, Habeco cũng bị giảm thị phần thêm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Với Huda Huế, ông Chi cho biết giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2012 công ty có tăng trưởng đều đặn nhưng đến năm 2013 thì đã chững lại. Cụ thể, nếu năm 2005, sản phẩm của Huda Huế được tiêu thụ gần 60 triệu lít thì đến năm 2012, con số này đã là 291 triệu lít. Tuy nhiên, trong năm 2013, công ty này chỉ bán được 200 triệu lít. Từ một công ty 100% vốn nhà nước, Huda Huế đã liên doanh với Tập đoàn Bia Carlsberg và đến năm 2011 đã hoàn toàn thuộc về hãng bia đến từ Đan Mạch.
Năm 2010, hãng bia Nhật Bản là Sapporo đã chính thức vào Việt Nam và một năm sau đó, nhà máy của hãng này tại Long An đi vào hoạt động với công suất 40 triệu lít/năm. Dù không cho biết con số tiêu thụ cụ thể nhưng ông Hirofumi Kishi, Tổng giám đốc Sapporo Việt Nam cho biết năm 2013, doanh số Sapporo đạt mức tăng trưởng 100% so với năm 2012. Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Hirofumi Kishi nói rằng sẽ nâng công suất nhà máy lên 100 triệu lít trong thời gian tới đây để đạt mục tiêu 150 triệu lít vào năm 2019. Để hiện thực hóa điều đó, tính đến thời điểm này, hãng bia Nhật đã xây dựng và liên kết, hình thành trên 5.000 điểm bán, chủ yếu là tại TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ. Thị trường Hà Nội cũng là một mục tiêu mà đơn vị này đang muốn xâm nhập, vấn đề hiện tại chỉ là thời gian.
Thái Ngọc
Kỳ tới: Rượu bia – từ văn hóa đến tệ nạn