(SGTT) - Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways vừa đồng loạt công bố kế hoạch khôi phục loạt đường bay quốc tế thường lệ từ 1-1-2022.
- Cục hàng không kiến nghị dừng chuyến bay từ châu Phi đến Việt Nam
- Các hãng hàng không tư nhân muốn được vay 4.000 – 6.000 tỉ đồng lãi suất 0%
- Hàng không, lữ hành gửi kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế trước 15-11
Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó phòng truyền thông của Vietnam Airlines, hãng đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022.
Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ 1-1-2022, hãng lên kế hoạch khai thác các chuyến bay hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong thời gian ngắn khoảng hai tuần.
“Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách”, đại diện hãng nói và cho biết giai đoạn 2, hãng này lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay hai chiều giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia.
Cũng theo ông Tuấn, tần suất khai thác theo phương án phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam. Trong giai đoạn 1, mỗi chặng bay dự kiến từ 1-4 chuyến/tuần và sẽ tăng dần dựa trên nhu cầu khai thác thực tế và yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Trong đó, số lượng chuyến bay tập trung trên các đường bay có nhu cầu lớn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Các chặng bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Mỹ dự kiến sẽ được Vietnam Airlines khai thác bằng các dòng tàu bay thân rộng lớn nhất của hãng là Boeing 787 hoặc Airbus A350.
Trước đó, Chính phủ đồng ý Kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/ Los Angeles (Mỹ). Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1-1-2022.
Hãng hàng không Bamboo Airways cũng đã có kế hoạch khai thác hàng loạt đường bay thường lệ quốc tế ngay từ 1-1-2022 đến các thị trường khách trọng điểm của Việt Nam.
Trước mắt trong giai đoạn đầu, theo Bamboo Airways, hãng sẽ khai thác tối đa theo tần suất được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ. Sau đó sẽ tiến tới bay quốc tế thường lệ hàng ngày, đồng thời mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế mới trong giai đoạn tiếp theo khi điều kiện cho phép.
Ở giai đoạn 1, hãng này dự kiến khai thác các chuyến bay thẳng tới Nhật Bản, tần suất dự kiến 1 chuyến khứ hồi/tuần với đường bay Hà Nội – Narita; Đài Loan, tần suất dự kiến 1 chuyến khứ hồi/tuần với đường bay Hà Nội – Đài Bắc; Hàn Quốc, tần suất dự kiến 1 chuyến khứ hồi/tuần với đường bay Hà Nội – Seoul.
Ở giai đoạn 2, hãng sẽ tiến tới khai thác tuyến bay thẳng tới Hong Kong, tần suất dự kiến 7 chuyến khứ hồi/tuần với đường Hà Nội/TPHCM – Hong Kong; Đức, tần suất dự kiến 2 chuyến khứ hồi/tuần với đường bay Hà Nội/TPHCM – Frankfurt; 1 chuyến khứ hồi/tuần với đường bay Hà Nội/TPHCM – Munich; Úc, tần suất dự kiến 2 chuyến khứ hồi/tuần với đường bay TPHCM – Melbourne và có thể nâng lên 4 chuyến khứ hồi/tuần tùy theo nhu cầu thị trường…
Ngoài ra, Bamboo Airways cũng sẵn sàng mở rộng các đường bay thẳng đến Nhật Bản với các đường bay thẳng đến Hà Nội/TPHCM – Tokyo/Osaka, Úc, với đường bay thẳng đến Hà Nội/TPHCM – Sydney, Anh, với đường bay Hà Nội – London và Mỹ, với đường bay TPHCM – San Francisco/Los Angeles, trong giai đoạn sau đó khi các điều kiện cho phép.
Theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, vé các đường bay sẽ được hãng phân phối rộng rãi trên tất các các kênh phân phối chính thức của hãng bay này trong và ngoài nước.
“Chúng tôi đánh giá thị trường hàng không đang chuẩn bị khôi phục mạnh mẽ. Trước bối cảnh lạc quan đó, hãng dự kiến mở rộng quy mô mạng bay quốc tế lên 40 đường trong năm 2022, đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển của khách hàng trong và ngoài nước””, ông Thắng nói.
Vietjet cũng dự kiến sẽ khai thác các đường bay kết nối Hà Nội, TPHCM với 5 điểm gồm: Tokyo (Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Singapore, Bangkok (Thái Lan) ngay từ đầu tháng 1-2022.
Trong giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ 1-1-2022, các chặng bay sẽ được khai thác từ 1 chuyến khứ hồi/ tuần và tăng lên theo nhu cầu của người dân, du khách và sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo khai thác an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Giai đoạn tiếp theo, Vietjet dự kiến sẽ mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế mà hãng đã khai thác trước đây đến các quốc gia khác trong khu vực cũng như xa hơn đến Ấn Độ, Nga... Các chuyến bay khai thác bằng máy bay A321, A330.
Theo quy định hiện nay, người nhập cảnh vào Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh trong 72 giờ. Người nhập cảnh có “hộ chiếu vắc-xin” tự cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày, nếu chưa có hộ chiếu phải tự cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày.
Hành khách cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhập cảnh tại điểm đến theo quy định của các cơ quan chức năng trước khi mua vé, như các yêu cầu về hộ chiếu vắc-xin, xét nghiệm âm tính, cách ly, lưu trú…
Để thuận tiện cho hành khách, Vietnam Airlines cập nhật quy định nhập cảnh tại các quốc gia trên website www.vietnamairlines.com, mục Khuyến cáo đi lại/Quy định cần biết. Còn khách hàng Vietjet có thể thực hiện các bước khai báo xuất nhập cảnh ngay tại website www.vietjetair.com, mục Khai báo xuất nhập cảnh và quản lý thông tin bằng QR code.
Trong khi đó, Bamboo Airways phối hợp với IATA triển khai hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass và áp dụng trên các chuyến bay quốc tế trong thời gian tới.
Nguyễn Nam