Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Các nước Đông Nam Á đua thu hút du mục kỹ thuật số

Sau đại dịch Covid-19, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới triển khai các chính sách thị thực hấp dẫn, nhằm thu hút dân du mục kỹ thuật số, để thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch và nền kinh tế. Một số quốc gia Đông Nam Á cũng đã bắt đầu tham gia vào cuộc đua này.
Ảnh: Freepik

“Du mục kỹ thuật số” chỉ những người thường xuyên xê dịch, làm việc từ xa qua các thiết bị công nghệ và không bị phụ thuộc vào địa điểm cố định. Khái niệm này xuất hiện lần đầu trong cuốn The Digital Nomad xuất bản năm 1997, và đang dần trở nên phổ biến hơn sau đại dịch Covid-19 khi mô hình hoạt động của các công ty dần thay đổi, cho phép người lao động làm việc từ xa nhiều hơn.

Theo một báo cáo được công bố hồi tháng 6 bởi Viện Chính sách di cư có trụ sở tại Mỹ, hơn 25 quốc gia trên toàn cầu đã triển khai các chương trình thị thực dành cho người làm việc từ xa với kỳ vọng làn sóng du mục kỹ thuật số sẽ mang lại những tác động tích cực đối với quá trình phục hồi của ngành du lịch và nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo SCMP, có một điều đáng ngạc nhiên là Đông Nam Á – điểm đến ưa thích của hàng triệu khách du lịch, đồng thời cũng là nơi ở và làm việc từ xa lý tưởng đối với nhiều người, dường như lại đang chậm chân trong cuộc chạy đua này. Hiện mới chỉ có một vài quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia bắt đầu triển khai các chương trình cung cấp thị thực dành riêng cho dân du mục kỹ thuật số.

Thái Lan cấp thị thực vàng để thu hút du mục kỹ thuật số

Hồi tháng 9, Thái Lan đã ra mắt chương trình cung cấp thị thực dài hạn dành cho bốn nhóm ứng viên nước ngoài, trong đó bao gồm những dân du mục kỹ thuật số có tay nghề cao. Giới chức Thái Lan hy vọng, chương trình sẽ giúp nước này thu hút một triệu người nước ngoài trong vòng năm năm tới kéo theo những khoản đầu tư mới trị giá 800 tỉ baht (21 tỉ đô la) vào nền kinh tế.

Ông Narit Therdsteerasukdi, Phó tổng thư ký Hội đồng đầu tư Thái Lan cho biết ước tính ít nhất 50% người nộp đơn cho chương trình thị thực Cư trú dài hạn (LTR) sẽ đến từ châu Âu.

Tuy nhiên, chương trình được đánh giá là chỉ dành cho những người tương đối khá giả, với mức thu nhập hàng năm tối thiểu là 80.000 đô la trong hai năm trước khi đăng ký. Phí xin thị thực cũng khá lớn, tiêu tốn của mỗi người đăng ký 50.000 baht (1.320 đô la).

Bên cạnh đó là những yêu cầu nghiêm ngặt khác như ứng viên phải được tuyển dụng bởi một công ty được niêm yết công khai trên sàn giao dịch chứng khoán hoặc doanh nghiệp tư nhân có tổng doanh thu ít nhất 150 triệu đô la trong ba năm trước khi việc nộp đơn xin thị thực diễn ra. Những người làm việc từ xa cũng được yêu cầu phải có tối thiểu năm năm kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực liên quan của công việc hiện tại.

Malaysia tham vọng trở thành trung tâm làm việc từ xa

Một quốc gia khác là Malaysia cũng đã triển khai chương trình thị thực du mục kỹ thuật số với những điều kiện thoáng hơn, nhằm hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm làm việc từ xa lớn trong khu vực và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nước.

Ra mắt hôm 6-10 bởi bởi Tập đoàn Kinh tế kỹ thuật số Malaysia (MDEC) thuộc sở hữu chính phủ, chương trình DE Rantau sẽ cho phép những người làm việc từ xa ở lại Malaysia trong thời gian tối đa 12 tháng, với yêu cầu thời gian lưu trú tối thiểu là ba tháng. Vợ/chồng và con cái của họ cũng được phép sống tại Malaysia trong thời gian thị thực có hiệu lực.

Thị thực sẽ dành cho những người có thu nhập trên 24.000 đô la mỗi năm và yêu cầu chi phí đăng ký là 1.000 ringgit (khoảng 220 đô la). Những người phụ thuộc như vợ/chồng, con cái có thể được đăng ký kèm với mức phí hàng năm là 500 ringgit mỗi người.

Chương trình này chỉ dành cho những người làm việc tự do và nhà thầu độc lập làm việc trong các ngành công nghiệp kỹ thuật số như công nghệ thông tin, tiếp thị trực tuyến và những người lao động từ xa làm việc cho các công ty không phải của Malaysia.

Người nhận thị thực sẽ được cung cấp nhiều ưu đãi và lợi ích như các địa điểm sống và làm việc dành cho dân du mục kỹ thuật số, các dịch vụ địa phương được lựa chọn kỹ càng, các phiếu giảm giá và khuyến mãi khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Indonesia tận dụng lợi thế từ đảo Bali

Đối thủ cạnh tranh chính của Malaysia sẽ là hòn đảo nghỉ dưỡng xinh đẹp Bali của Indonesia. Theo Statista, một công ty cơ sở dữ liệu của Đức, Bali đã là nơi sinh sống của khoảng 5.000 người du mục kỹ thuật số hồi năm 2019. Họ tập trung ở các khu vực phía nam hòn đảo như Canggu và Ubud.

“Sự tập trung này là tương đối mới mẻ”, ông Stuart McDonald, chủ sở hữu của Travelfish, một trang mạng trực tuyến về du lịch Đông Nam Á, cho biết. “Trước đây, người nước ngoài thường sống rải rác ở nhiều điểm đến khác nhau, một phần vì nhiều người trong số họ có liên quan đến ngành khách sạn. Tuy nhiên, điều này không diễn ra với những người du mục kỹ thuật số, bởi công việc của họ không đòi hỏi quá phức tạp về mặt địa điểm nơi ở”.

Sau khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát và các biện pháp hạn chế đi lại dần được nới lỏng, Bali tiếp tục là một trong những điểm đến phổ biến nhất của những người du mục kỹ thuật số trong khu vực. Reuters trích dẫn các số liệu từ Bộ Du lịch Indonesia cho thấy, hơn 3.000 người du mục kỹ thuật số, chủ yếu là người Đức, Anh và Nga đã tới Indonesia trong tám tháng đầu năm. Phần lớn trong số này hiện đang sống và làm việc tại đảo Bali.

Hiện tại những người du mục kỹ thuật số tại Indonesia vẫn sử dụng thị thực dành cho doanh nhân, với mức phí tương đối đắt đỏ.

Nhưng Chính phủ Indonesia hôm 25-10 đã cho ra mắt chương trình thị thực làm việc từ xa “ngôi nhà thứ hai”. Chương trình cho phép người nước ngoài đủ điều kiện lưu trú hợp pháp tại quốc gia này trong 5-10 năm, và được miễn thuế, nếu thu nhập của họ đến từ các doanh nghiệp có trụ sở bên ngoài Indonesia..

Người đăng ký thị thực sẽ phải nộp mức phí 3 triệu rupiah (193 đô la), và được yêu cầu cung cấp chứng nhận về số tiền gửi tiết kiệm trị giá ít nhất 2 tỉ rupiah Indonesia (130.000 đô la), gửi trong các ngân hàng quốc doanh của Indonesia.

Đảm bảo sự cân bằng để phát triển bền vững

Theo Nikkei Asia, đây vẫn đang là giai đoạn đầu để điều chỉnh hiện tượng du mục kỹ thuật số tại Đông Nam Á, và vấn đề thị thực cần được xem xét cẩn thận, nếu các quốc gia muốn tối đa hóa lợi ích. Các quy định về thị thực sẽ cần phải xác định rõ những ngành nghề cụ thể cần được ưu tiên. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định rõ ràng đối với những người ở lại nước sở tại đủ lâu để trở thành đối tượng chịu thuế tại địa phương.

Nếu đặt ra các yêu cầu thị thực quá cao, các quốc gia có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ những đối thủ khác, khiến dòng người du mục kỹ thuật số rời đi, chuyển đến những địa điểm hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, nếu các yêu cầu được đặt ra chưa đủ chặt chẽ, các quốc gia sở tại sẽ phải đối mặt với một số tác động tiêu cực từ làn sóng du mục kỹ thuật số, như sự quá tải về dân số, chi phí đắt đỏ hơn và tỷ lệ tội phạm gia tăng.

Song Thanh

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối