Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Các tập đoàn Mỹ sẽ hợp tác phát triển chip, metaverse tại Việt Nam

(SGTT) - Nhân dịp chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với một số tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, Synopsys đã ký kết 2 biên bản hợp tác về phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam và về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Còn đại diện phía Meta cho biết, tập đoàn muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục sản xuất các thiết bị của metaverse (vũ trụ ảo).
Thủ tướng Chính phủ đã tới thăm, làm việc một số tập đoàn công nghệ của Mỹ tại thung lũng Silicon. Trong ảnh là tập đoàn Synopsys ký biên bản hợp tác về phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam và về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Chiều 18-9 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ đã tới thăm, làm việc một số tập đoàn công nghệ của Mỹ tại thung lũng Silicon (California) gồm Nvidia, Meta và Synopsys, TTXVN thông tin.

Trong chuyến thăm tập đoàn Nvidia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi với đại diện của doanh nghiệp về xu hướng phát triển của AI toàn cầu và tiềm năng hợp tác rất rộng mở giữa hai nước. Ông cũng đề nghị Nvidia tiếp tục các hoạt động hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà tập đoàn có thế mạnh, đồng thời, góp ý, tư vấn về chính sách, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực công nghệ và quản trị nhằm hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nvidia là doanh nghiệp đứng đầu của Mỹ về lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn với giá trị vốn hóa đạt 992 tỉ đô la Mỹ (tháng 5-2023). Hiện nay, Nvidia có hơn 26.000 nhân viên trên toàn cầu. Nvidia có kế hoạch tăng sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) cho năm 2024 lên gấp 3 lần.

Tại Việt Nam, Nvidia là nhà cung cấp máy chủ và AI hàng đầu. Nvidia đã ký thỏa thuận với Viettel với mong muốn trở thành một đối tác của Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực nội địa về AI. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đang nghiên cứu phát triển hệ thống siêu tính toán với chip A100 của Nvidia để ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục…

Tiếp tục chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ thăm Công ty Synopsys. Nhân dịp này, Synopsys đã ký 2 biên bản hợp tác về phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam và về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.

Thông tin tại buổi làm việc, người đứng đầu chính phủ mong muốn Synopsys tiếp tục mở rộng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng tại Việt Nam; có giải pháp công nghệ, quản lý, tài chính hỗ trợ Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, Synopsys hỗ trợ, đầu tư phát triển Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) của Việt Nam; tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, trong đó có nhân lực trong ngành chip điện tử.

Hiện nay, Synopsys Việt Nam đã mở 4 văn phòng tại TPHCM và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư vào làm việc. Synopsys đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam với Khu Công nghệ cao TPHCM.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đến thăm Công ty Meta Platforms, một tập đoàn công nghệ đa quốc gia, sở hữu và vận hành Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp cùng với các sản phẩm và dịch vụ khác.

Tại đây, đại diện phía Meta cho biết, tập đoàn muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục sản xuất các thiết bị của metaverse (vũ trụ ảo) trong những năm tới.

Đồng quan điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các hoạt động hợp tác với Meta sẽ ngày thực chất hơn, nhất là trong các lĩnh vực chủ chốt như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, nội dung số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp… Ông cũng mong Meta tiếp tục cung cấp cho phía Việt Nam các giải pháp công nghệ, chuyển giao công nghệ nhiều hơn; hợp tác về tài chính để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; hợp tác nâng cao năng lực quản trị trong các lĩnh vực mà Meta có thế mạnh.

Trúc Đào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối