Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Các xu hướng công nghệ TMĐT nổi bật năm 2020

(SGTT) - Đến cuối năm 2019, tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử dự kiến đạt mức 3.400 tỉ đô la. Trong lĩnh vực đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt này, các doanh nghiệp cần biết rõ những phương thức giúp thương hiệu và sản phẩm lúc nào cũng trong tầm mắt của khách hàng.

Một trong những cách tốt nhất là bắt kịp các xu hướng thương mại điện tử mới dù luôn có rủi ro với việc thử các trào lưu mới nhất. Vì thế, điều quan trọng là cần tỉnh táo và phải đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi nào cũng phải khiến mọi thứ trở nên tốt hơn đối với khách hàng. Dưới đây là dự báo về một số xu hướng công nghệ thương mại điện tử nổi bật trong năm 2020

Ứng dụng AR của công ty bán lẻ trực tuyến Warby Parker (Mỹ) cho phép khách hàng thử các loại kính khác nhau trước khi đặt hàng.

Cặp đôi công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường
Một trong những thách thức lớn nhất mà các cửa hàng trực tuyến luôn phải đối mặt là khách hàng không thể nhìn thấy sản phẩm ngoài đời trước khi mua nó. Điều này gây khó khăn cho việc bán những thứ như quần áo, đồ nội thất và các phụ kiện khác mà mọi người muốn xem trước khi mua.

Các công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) đang giúp giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép khách hàng thử sản phẩm trong môi trường ảo mà không cần chạm vào chúng. Chẳng hạn như công ty bán lẻ trực tuyến Warby Parker (Mỹ) đã cho ra mắt một ứng dụng sử dụng AR cho phép khách hàng ngồi nhà thử các loại kính khác nhau trước khi đặt hàng. Không có gì lạ khi bộ đôi AR và VR được kỳ vọng sẽ ngày càng được sử dụng phổ biến bởi chúng đang cách mạng hóa sự trải nghiệm khách hàng.

Trợ lý số thông minh Flipkart Saathi.

Tìm kiếm bằng giọng nói
Theo một bản nghiên cứu của công ty Comscore (Mỹ), đến đầu năm 2020, lượng tìm kiếm bằng giọng nói sẽ chiếm tới 50% số lượt truy vấn tìm kiếm. Điều này có thể sẽ định hình những thay đổi tiếp theo trong SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm). Nếu yêu cầu tìm kiếm là được đưa ra bởi một giọng nói, kết quả tìm kiếm hàng đầu sẽ là những trang web có chức năng kiểm soát giọng nói. Nhiều chuyên gia khuyên nên bắt đầu tích hợp tính năng tìm kiếm bằng giọng nói vào cửa hàng trực tuyến ngay lúc này.

Ứng dụng web lũy tiến
Nhờ Google, Samsung và Apple giới thiệu các hệ thống thanh toán di động được đơn giản hóa, thương mại di động đang phát triển mạnh mẽ. Dự báo của công ty Statista (Đức) cho biết đến năm 2020 doanh thu thương mại di động sẽ đạt mức 189 tỉ đô la Mỹ, trong đó phần lớn doanh thu có được thông qua ứng dụng. Lý do: Việc sử dụng ứng dụng di động thường dễ dàng và thuận tiện hơn so với trình duyệt máy tính.

Ngoài ra, chúng ta đang chứng kiến ranh giới giữa ứng dụng và trang web đang bị xóa nhòa. Các thương hiệu và nhà bán lẻ sẽ chuyển sang một tiêu chuẩn mới - ứng dụng web lũy tiến (progressive web app - PWA). PWA là sự kết hợp giữa các trang web và ứng dụng, tập hợp những ưu điểm và loại bỏ những hạn chế vốn có của cả hai. Những điểm ấn tượng của PWA là tốc độ tải nhanh hơn 2-10 lần so với trang web di động; làm việc ngoại tuyến; có thể được thêm vào màn hình chính mà không cần phải cập nhật sau; hỗ trợ thông báo đẩy… Thương hiệu đồ nội thất và trang trí nhà nổi tiếng West Elm cho biết ghi nhận sự gia tăng của thời gian dành cho trang web này tăng lên thêm 15% và thu nhập từ một lần truy cập tăng 9% kể từ khi tung ra PWA.

Trí tuệ nhân tạo
Một vài năm trước, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) rất tốn kém. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ học máy, hầu hết doanh nghiệp có thể tận hưởng những lợi ích to lớn của AI, trong đó có xây dựng trang web.

Trước hết, AI đồng nghĩa với việc các dịch vụ được cá nhân hóa nhiều hơn và công việc trở nên đơn giản hơn nhờ dữ liệu lớn. Càng thu thập nhiều dữ liệu về khách hàng, các đề xuất sẽ càng chính xác và do đó tỷ lệ chuyển đổi và lợi nhuận mà bạn sẽ nhận được cũng cao hơn. Các cửa hàng trực tuyến sẽ biết rõ từng khách hàng một, tương tự chủ cửa hàng nhỏ nhớ tên và sở thích của mỗi khách hàng.

Tự động hóa
Tự động hóa là xu hướng chung có liên quan đến tất cả các nhà bán lẻ trên toàn thế giới, trong đó TMĐT được cho là được hưởng lợi nhiều nhất. Tự động hóa hiện được sử dụng trong sản xuất, giao hàng, quản lý kho, tiếp thị và bán hàng trực tiếp, từ đó có thể cải thiện đáng kể ấn tượng của khách hàng đối với thương hiệu. Ngoài sự tiện lợi, tự động hóa mang lại lợi nhuận đáng kể khác - từ việc tiết kiệm thời gian của người sử dụng lao động đến bán hàng trực tiếp và doanh thu được tạo ra mà không cần sự can thiệp của con người.

Trợ lý số thông minh
Dùng trợ lý số thông minh như một kênh bán hàng đang là xu hướng mới nổi. Chất xúc tác cho điều này là sự phổ biến của thiết bị hỗ trợ các trợ lý giọng nói Google Assistant, Alexa (của Amazon) và Siri (của Apple).

Một bản báo cáo gần đây của công ty tư vấn Capgemini (Pháp) cho thấy hơn 40 nhà bán lẻ lớn của Mỹ, trong đó có Walmart và Target, đã hợp tác với Google để giới thiệu tính năng mua sắm dựa trên giọng nói cho Google Express Stateside. Cũng theo bản báo cáo này, 50% số người tiêu dùng đang sử dụng trợ lý giọng nói. Trong số này, 52% số người cho biết sẽ quan tâm đến việc mua đồ điện tử, tạp hóa, quần áo và thậm chí cả đồ gia dụng khi sử dụng kênh này.A

Minh Phương (Techhq.com, NDTV)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối