Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Cách bày biện mâm cúng Rằm tháng Giêng tươm tất, đủ đầy

Theo quan niệm dân gian, Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên trong năm mới hội tụ tất cả những may mắn nhất. Theo đó, người Việt thường đi lễ chùa, bày biện mâm cơm cúng dâng gia tiên.

Qua tìm hiểu, Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên trong năm mới (tức 15-1 Âm lịch hằng năm). Ngày này còn được gọi là Tết Nguyên tiêu. Năm 2024, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ Bảy, ngày 24-2 Dương lịch.

Theo truyền thống, mâm cúng Rằm tháng Giêng gồm mâm chay cúng trời Phật và mâm mặn cúng gia tiên. Tùy mỗi vùng miền, mâm cúng có những món ăn khác nhau, tuy nhiên, tựu chung vẫn sẽ không thể thiếu những món sau:

  • Mâm cúng chay: Mâm cúng chay Rằm tháng Giêng thường có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: Đỏ (hỏa), xanh (mộc), đen (thổ), trắng (thủy), vàng (kim) và đủ 10 món, gồm các món ăn từ tứ phương - sông, núi, biển, đồng bằng. Tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi. Có thể kể đến như trái cây, chè xôi, các món đậu, bánh trôi nước… Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của bánh trôi nước. Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày này là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Một mâm cúng chay Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa: Thuy Linh Do
  • Mâm cúng mặn: Mâm cúng mặn thường có thịt gà, xôi gấc. Trong đó, gà là vật cúng linh thiêng, còn xôi gấc màu đỏ mang ý nghĩa may mắn. Hơn thế nữa, mâm cúng người miền Bắc còn có chân giò hầm măng khô, canh bóng thả, nem rán; người miền Trung có thêm thịt heo, giá chua, giò chả. Trong khi đó, người miền Nam mâm cúng mặn có canh khổ qua, thịt kho tàu, chả giò, gỏi tôm thịt.
Một mâm cúng mặn Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa: Thuy Linh Do
  • Trái cây cúng rằm: Trái cây trên mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng của người miền Nam thường không dùng chuối mà thay vào đó là dừa, mãng cầu, xoài, sung, dưa hấu... Những loại quả này đều mang ý nghĩa cầu may mắn, sung túc. Ngược lại, với mâm lễ của người miền Bắc thì trái cây thường có chuối tiêu với nải to, quả dài, dáng khom đẹp để ôm trọn được các loại quả khác khi bày lên mâm cỗ. Ngoài ra, người ta cũng chuẩn bị thêm lê, táo, bưởi, cam quýt hoặc hồng, thanh long...
Một mâm trái cây cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa: Thuy Linh Do

Ngoài thức ăn, mâm cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu các đồ lễ như hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu… Năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào dịp cuối tuần nên mọi người sẽ có thời gian chuẩn bị mâm cúng tươm tất nhất.

Theo Vietnamnet, Yeubep, kienthuc.net.vn

Phúc An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối