Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Cách xử lý tại chỗ khi bị ngộ độc thực phẩm

(SGTT) - Ai cũng biết về nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhưng không phải ai cũng nắm rõ cách nhận biết và cấp cứu tại chỗ cho người bị ngộ độc thực phẩm trước khi đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng mắc phải do ăn thức ăn nhiễm độc. Đây là vấn đề sức khỏe thường gặp quanh năm và trở nên phổ biến hơn vào dịp cuối năm. Trẻ em thường chịu nhiều ảnh hưởng hơn người lớn khi bị ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc do vi trùng, vi-rút

Theo bác sĩ Bùi Trọng Hợp, Bệnh viện Trưng Vương, có hai nhóm nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm là do nhiễm trùng và do nhiễm độc.

Có thể nói, ở nhóm thứ nhất, có rất nhiều vi trùng, vi-rút và ký sinh trùng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, đứng đầu là vi-rút, kế đến là vi trùng. Đối với nguyên nhân này, còn có thể chia ra làm hai thể. Thể thứ nhất là do chính bản thân vi sinh vật gây bệnh. Thể này thường phải có thời gian ủ bệnh thích hợp. Thể thứ hai là do độc tố của vi sinh vật đã được tạo sẵn trong thức ăn. Thể này sẽ gây bệnh ngay.

Nhóm thứ hai, ngộ độc do nhiễm độc chất độc tích tụ trong quá trình nuôi trồng thực phẩm (thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh), trong quá trình chế biến (hóa chất tạo màu, hoa chất làm mềm, làm tươi), và trong quá trình lưu trữ (phèn chua, formol, histamine).

Ngộ độc thực phẩm do hóa chất ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của con người, như mắc các bệnh mãn tính, thậm chí gây ung thư, biến đổi gen.

Biểu hiện cụ thể

Việc ăn sạch, uống chín ở nhiều gia đình vẫn chưa trở thành thói quen. Đa số các ca cấp cứu nhập viện chỉ vì một chút cẩu thả trong lúc chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc đi ăn uống ở những quán hàng không đảm bảo vệ sinh.

Theo bác sĩ Võ Quốc Bảo, Khoa Hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, những loại thức ăn chứa nhiều chất đạm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella sẽ khiến người ăn có triệu chứng sốt, đau quặn vùng bụng, buồn nôn, đi ngoài ra máu. Nếu do nhiễm vi khuẩn E.coli, người ăn sẽ có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, mất nước. Khi ăn phải thịt, cá bị nhiễm tụ cầu, các độc tố trong tụ cầu sẽ khiến đau đầu, nôn, đau bụng, đi ngoài liên tục và có thể dẫn đến tình trạng hôn mê.

Theo các bác sĩ, sau khi ăn hoặc uống thực phẩm gây ngộ độc, thường trong vòng một ngày, người ăn sẽ có những biểu hiện như đau bụng, buồn nôn hay nôn, đại tiện nhiều lần, phân lỏng, có thể lẫn máu. Ở trẻ nhỏ thường có sốt cao, người lớn thường không sốt hoặc sốt nhẹ hơn. Nếu nôn và đi vệ sinh nhiều lần sẽ bị mất nước và điện giải, dẫn đến trụy tim mạch.

Sơ cứu tại chỗ

Khi có những dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh phải nhanh chóng dùng ngón tay ngoáy vào vòm họng ở gốc lưỡi, kích thích để nôn thức ăn ra ngoài.

Với trẻ em, người lớn phải đặt trẻ nằm xuống, đầu thấp, rồi mới móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Khi nôn, trẻ hay bị sặc lên mũi, người lớn cần nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ, tránh để trẻ bị sặc, khó thở, có thể dẫn đến tử vong.

Chăm sóc sau khi gây nôn

Bác sĩ Võ Quốc Bảo cho biết sau khi nôn ói, cần cho người ngộ độc uống nước oresol (ORS), vì nước lọc không bù lại lượng điện giải đã mất. Sau đó, người bệnh nên ăn từng chút một thức ăn dạng lỏng như nước cháo, súp… để mau hồi phục các men tiêu hóa.

Với trẻ còn bú, các bà mẹ chỉ nên cho trẻ bú một bên là đủ, sau 6-8 giờ, nếu trẻ không ói thì cho bú lại bình thường. Ngoài ra, bác sĩ Võ Quốc Bảo còn lưu ý, người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy, đợi khi thức ăn bị phân hủy, đào thải hết là bệnh sẽ khỏi.

Theo bác sĩ Bùi Trọng Hợp, nên đi khám bệnh ngay nếu bị: nôn ói liên tục, nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu, tiêu chảy liên tục, đau bụng dữ dội, thân nhiệt cao hơn 38,5 độ C, khát nước và khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt, cơ yếu, phát ban toàn thân và ngứa, khó thở.

Trong đó, người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính… khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần đến bệnh viện sớm hơn.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối