Thứ hai, Tháng Một 20, 2025

Cái giá quá lớn của khai thác than

THÙY DUNG -

Sau thảm họa mưa lũ nhiều ngày làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của cải tại Quảng Ninh, các nhà khoa học đã chỉ ra những mất mát kinh tế, môi trường mà ngành than gây ra. Nhiều chuyên gia cho rằng cái giá phải trả cho khai thác than quá lớn khiến họ cảm thấy sợ khi nghe tin có những mỏ than mới được phát hiện.

Thiệt hại không thể đong đếm

Tại hội thảo “Quản lý khai thác than và rủi ro môi trường nhìn từ sự cố tại vùng mỏ Quảng Ninh” do Tổ chức PanNature tổ chức ngày 10-8, ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam, cho rằng sự cố vừa rồi vượt ngoài những tính toán, dự phòng từ trước, đặc biệt là tần suất và lưu lượng mưa quá lớn đã gây ra những “thảm họa” về mặt kinh tế và môi trường.

Theo ông Bái, phần lớn ở Việt Nam, khai thác than vẫn lộ thiên. Khi khai thác, phải bốc xúc lớp đất đá thải rất nhiều. Để bốc một tấn than nguyên khai thì phải bóc 10-12 m³ đất đá, dẫn đến phá hủy nhiều cảnh quan. Nếu quản lý không tốt, hoạt động này còn gây xung đột cho nhiều hoạt động khác, ví dụ như quản lý rừng phòng hộ, phát triển du lịch, quy hoạch thủy sản, đô thị, hạ tầng giao thông. “Đây là tác động rất lâu dài, khó hồi phục”, ông Bái nói.

Theo các nhà khoa học, ngành than vừa là nạn nhân nhưng cũng là thủ phạm chính trong đợt thiệt hại nặng do mưa lũ ở Quảng Ninh vừa qua.    Ảnh: Phan Hậu
Theo các nhà khoa học, ngành than vừa là nạn nhân nhưng cũng là thủ phạm chính trong đợt thiệt hại nặng do mưa lũ ở Quảng Ninh vừa qua. Ảnh: Phan Hậu

Mặt khác, khai thác than tạo ra tác động nghiêm trọng tới môi trường, như khói bụi, trong đó có nhiều bụi nặng, là nguyên nhân gây bụi phổi ở công nhân mỏ; ô nhiễm không khí và tiếng ồn như nổ mìn, xung động dễ gây sụt lún. Bên cạnh đó, trong hầm lò có khí metan, rất dễ cháy, nổ, khi thoát ra ngoài sẽ gây biến đổi khí hậu cao hơn nhiều so với CO2.

Với nguồn nước, tác động của nó còn nghiêm trọng hơn nhiều. Theo ông Bái, than có hàm lượng lưu huỳnh rất cao, đặc biệt là than cám nên khi khai thác sẽ khiến nước trong mỏ biến thành axit. Trong mỏ than, dù khai thác hầm lò hay mỏ lộ thiên thì nước thải đều tạo ra độ pH axit, thậm chí một số nơi, nước thải còn chứa nhiều kim loại như asen, đồng, kẽm...

“Riêng với Hạ Long, nguồn nước này tác động rất nhiều đến nước biển, ảnh hưởng tới nuôi trồng thủy sản và có thể làm thay đổi chất lượng nước cũng như đất nông nghiệp xung quanh”, ông Bái nói.

Trong thực tế, khi khai thác, bắt buộc tạo ra quỹ đất để chứa lớp đất bóc. Tuy nhiên, thực tế các bãi đổ thải có thể quá cao hoặc gia cố không tốt nên ở Quảng Ninh vừa rồi đã xảy ra nứt đập do mưa lớn.

Ông Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, cho rằng các bãi thải này rất cao, thậm chí có thể bằng ba tòa nhà cao nhất của Hà Nội cộng lại. “Nhìn từ trên cao, các xe tải trông như những bao diêm. Chính vì vậy, mưa lớn đã khiến những quả đồi nhân tạo này mất chân, tạo thành dỏng chảy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng”, ông Hưng nói.

Đánh giá sâu hơn về tác động của mưa lũ tới vịnh Hạ Long, ông Hưng cho hay, vịnh này như một lòng chảo, hứng ba phần tư chu vi khu vực khai thác than. Do đó, một lượng bùn than với nhiều hóa chất độc hại đã chảy về vịnh.

Tất cả nguồn nước đổ về vịnh đều có than. Nhiều hệ sinh thái cửa sông bị chết vì bùn lắng, độc tố, chất thải rắn. Trong khi đó, cửa sông mang tính lan truyền (trên xuống, dưới lên) nên tác động rất rộng.

Thiệt hại trước mắt mà các cơ quan chức năng tính toán đối với Quảng Ninh là 2.700 tỉ đồng nhưng hậu quả lâu dài của nó là không thể đong đếm được.

Cơn “khát” than của những nước phát triển

Tại hội thảo, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, cho hay Việt Nam đang trong “cơn khát” tiêu thụ điện, trong khi than là nguồn nguyên liệu không thể thiếu và rất dễ khai thác.

Theo kế hoạch đến năm 2020, ngành điện đặt mục tiêu điện năng sản xuất và nhập khẩu sẽ lên tới 330 tỉ kWh, trong đó, thủy điện chiếm 19,6%, nhiệt điện than 46,8%, nhiệt điện khí đốt 24%, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 4,5%, điện hạt nhân 2,1% và nhập khẩu điện 3%.

“Như vậy, nhu cầu khai thác than đá sẽ ngày càng lớn và đây là vấn đề thực sự nguy hiểm”, ông Tứ nói.

Trên thế giới đã xuất hiện làn sóng phản đối khai thác than từ rất lâu. Sự phụ thuộc vào than của thế giới đang giết chết chính con người và gây ra những tổn thương không thể chữa lành cho Trái đất. Thống kê của nhiều tổ chức cho thấy, mỗi năm trên thế giới có hơn 350.000 người chết trẻ do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than và hàng triệu người khác mắc các bệnh nghiêm trọng.

Ông Tứ cho hay, cứ mỗi 1.000 kWh điện tạo ra từ điện than tương ứng với 280.000 người thiệt mạng. Trong khi con số tử vong do điện gió là 150 người, pin năng lượng mặt trời là 400 người. “Chính vì vậy, trữ lượng than được phát hiện càng lớn thì chúng tôi càng lo”.

Trong khi đó, các nhà máy khai thác than chủ yếu nhập khẩu công nghệ lạc hậu của các nhà thầu Trung Quốc gây gánh nặng chi phí xã hội; mất hệ sinh thái…

Theo các chuyên gia, việc đầu tiên cần làm đối với Quảng Ninh là đánh giá lại tác động môi trường bãi quy hoạch than và đầu tư lập quy hoạch bãi than và dân cư một cách bài bản, hợp lý. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải chấm dứt sự phụ thuộc vào than để đầu tư vào nguồn năng lượng sạch và bền vững.

Từ năm 2008 tới nay, giá của những tấm pin mặt trời đã giảm 75%. Tại nhiều nước trên thế giới, giá điện sạch ngang, thậm chí rẻ hơn điện truyền thống mà không cần trợ giá như Úc, Chile, Đức…

Một số chuyên gia dự báo rằng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 vì sau đó nhiên liệu hóa thạch sẽ không thể cạnh tranh về mặt kinh tế với nguồn năng lượng tái tạo. Khi đó, ngành khai thác than đá sẽ không còn chỗ đứng và sẽ không còn phải nhìn thấy những thiệt hại về người và của do mỗi kWh điện được tạo ra từ than đá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối