Trên “đường biểu diễn mang hình sin” của cải lương qua một thế kỷ, có vẻ chưa bao giờ như từ hai thập kỷ gần đây, người ta ngày càng nói nhiều hơn đến nguy cơ sân khấu cải lương sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Sân khấu nào cho cải lương?
Giới làm nghề nói nhiều đến vấn đề mà họ xem là cốt tử, đó là chuyện thiếu đất diễn. Quả thật, với loại hình nghệ thuật giàu chất liệu ca, kịch, thi, vũ, họa mà thiếu sân khấu thì làm sao cải lương có thể đến với khán giả một cách trọn vẹn? Diễn viên mà không có đất để rèn luyện thì làm sao lên được hàng nghệ sĩ? Theo soạn giả Hoàng Song Việt - người từng thực hiện nhiều vở cải lương, truyền hình lẫn trên sân khấu - chỉ với sân khấu, nơi có sự tác động trực tiếp từ nghệ thuật dàn dựng sân khấu và từ người diễn đến người xem, cải lương mới có sức sống thật, đầy lôi cuốn. Các chương trình video cải lương hay các sân khấu truyền hình chỉ là sự phù trợ. Còn theo chia sẻ của nghệ sĩ Minh Vương, người được mệnh danh là “ông hoàng cải lương” với hàng trăm vai kép chính, để đạt thành một sự nghiệp như thế là cả quá trình hàng chục năm dài ông trải nghiệm gian nan cùng sân khấu.
Tại cuộc tọa đàm gần đây nhất về những bất cập của sân khấu cải lương, nghệ sĩ Kim Tử Long, cũng là một “ông bầu”, đã nêu thực trạng là ngay cả tại TPHCM, một trung tâm văn hóa lớn của miền Nam - cái nôi của nghệ thuật cải lương, cũng không có được một nhà hát đúng nghĩa dành cho bộ môn nghệ thuật này. Nhiều người đã biết về sự “phá sản” của dự án cải tạo rạp Hưng Đạo trước những tiêu chuẩn cần thiết cho một sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Nhà hát Bến Thành có giá thuê quá đắt. Nhà hát Thành phố thì ken cứng lịch tổ chức các sự kiện và cải lương không thể chen chân... Hồi cuối năm 2018, những ai theo dõi vụ live show “Yêu đời - yêu người” của nghệ sĩ Ngọc Huyền buộc phải hủy vào giờ cuối mới thấy sự thật ê chề của cải lương: sân khấu bị lấy lại cho sự kiện khác, còn ê-kíp làm chương trình thì không chạy nổi một điểm diễn thay thế.
Khán giả nào cho cải lương?
Cách nay vài tháng, vở tuồng kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga được dàn dựng lại bằng nỗ lực huy động vốn tư nhân nhằm ghi dấu cái mốc đáng trân trọng 100 năm cải lương. Dù chỉ với hai suất diễn nhưng “sân khấu Dương Vân Nga” đã cố gắng phô bày một diện mạo đẹp đẽ qua đầu tư cảnh trí, trang phục và quy tụ được những nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm như Phượng Loan, Lê Tứ, Chí Linh, Quỳnh Hương, Kim Ngân... Thế nhưng số ghế trống ở Nhà hát Bến Thành vẫn nhiều. Phải chăng giá vé tiền triệu, hạng thấp hơn cũng năm, bảy trăm ngàn đồng, không mấy dễ chịu đối với khán giả bình thường?
Gần đây hơn, vở Tổ quốc nơi cuối con đường do Nhà hát Thế giới Trẻ (Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) thực hiện là một vở diễn mới mẻ ở nhiều phương diện: kịch bản khai thác vụ án Tống Văn Sơ bị bắt ở Hồng Kông trong mối tương quan giữa các tuyến nhân vật đa quốc gia, đa văn hóa, đa mục tiêu; lời thoại gay cấn, văn phong hiện đại; nhiều vai diễn xuất sắc; thiết kế sân khấu đẹp và có hồn. Vở diễn đã giành tới Huy chương vàng tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018, sau đó được Liên đoàn Lao động TPHCM bảo trợ để công diễn hơn chục suất miễn phí cho công đoàn viên chức xem. Thế mà lượng khán giả đến rạp Công Nhân cũng không khả quan. Phải chăng do đây là vở chưa được biết tới mà lại cưu mang một đề tài dễ bị cho là khô khan?
Những câu hỏi mang tính gợi mở này chỉ để nói sân khấu cải lương còn nhiều câu hỏi cần phải trả lời chứ không chỉ chuyện thiếu sàn diễn. Trong đó, vấn đề có ý nghĩa chiến lược là xây dựng một lực lượng khán giả. Họ là ai? Là lớp khán giả trung niên vẫn trung thành với dàn đào kép cũ? Là những khán giả trẻ mến mộ cải lương nhưng không có nổi tiền triệu để mua vé xem, hay vì họ chưa nhìn thấy thời đại của mình được phản ánh trong các vở diễn? Làm sao để cải lương đủ sức lôi kéo những khán giả đang vừa lòng với các phiên bản video trên YouTube quay lại với sân khấu?... Nếu cải lương vẫn chưa phác họa được “chân dung” khán giả tiềm năng của hôm nay để tìm cách đáp ứng họ và thoát cảnh thu không đủ chi thì sẽ dễ bị loay hoay và có khi mất phương hướng.
Cải lương và người trẻ
Tại vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga nêu trên, có một số người Tây đến xem. Có thể họ đang tìm hiểu (hoặc đơn giản vì tò mò) về nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, nhưng cũng có thể họ đến để thưởng thức khi đã ngồi đến vãn tuồng. Và cũng có một số người Việt trẻ dù đã cất công đến rạp nhưng lại bỏ ra về khi vở còn chưa khép màn đầu. Chợt xót xa với ý nghĩ họ đã rất có lòng nhưng vốn quý nghệ thuật dân tộc đã không khiến con tim họ rung cảm.
Ngày trước, tính phổ quát của cải lương trong đời sống xã hội và gia đình giúp cho cải lương đến với khán giả nhỏ, khán giả trẻ một cách khá tự nhiên. Nhưng mấy thập kỷ gần đây, từ khi cải lương không còn giữ được nhịp sống đã gầy dựng được để tiếp tục phổ cập đến với đông đảo khán giả, ngoài yếu tố phải cạnh tranh trong bão táp thị trường, không phải không có trách nhiệm của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc.
Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Khê từng nói: “Bảo tồn một loại hình văn hóa - nghệ thuật là phải đưa được nó vào đời sống chứ không phải là cất giữ phủ bụi trong viện bảo tàng”. Ông chia sẻ công việc mà ông làm suốt cuộc đời mình là truyền bá, giải thích âm nhạc dân tộc Việt Nam, bởi “có hiểu thì người ta mới quý, mới thương; thương rồi người ta mới nghe, mới giữ...”. Vậy cải lương phải bảo tồn làm sao, phát huy làm sao nếu không tìm con đường đến với thế hệ trẻ?
May “thời 100 năm” đến, để người ta có dịp nhìn vào một thực tế khác mà hy vọng. Đó là sự đón nhận đáng yêu của những khán giả yêu thích cải lương trước hàng loạt sự kiện trỗi dậy cùng lúc để kỷ niệm cải lương tròn một thế kỷ. Dù ở địa hạt sân khấu, các vở diễn vẫn phải đương đầu với nhiều thử thách, nhưng các chương trình truyền thanh truyền hình dài tập lại thu hút được sự quan tâm náo nhiệt của khán giả thông qua mạng xã hội. Chương trình dạy ca cải lương trực tuyến do nghệ sĩ Bạch Tuyết khởi xướng hàng tuần vẫn thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Mới đây, đợt triển lãm hình ảnh, hiện vật và phục dựng những nét sinh hoạt của sân khấu cải lương xưa tại Nhà hát Trần Hữu Trang kéo được nhiều bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu. Nhà báo Lê Văn Nghĩa nhận xét đây là một cách thức bảo tồn nghệ thuật cải lương rất “trực quan sinh động”, cần được phát huy, một nỗ lực bù đắp phần nào sự đứt gãy mối liên hệ giữa cải lương với công chúng.
Để thấy cải lương vẫn tràn trề hy vọng vì “linh khí” vẫn tồn tại trong lòng xã hội. Dấu mốc 100 năm này có cơ may bắt đầu một chu kỳ mới của “hình sin cải lương” nếu công cuộc chấn hưng không tiếp tục nằm lại trong các tham luận ở hội thảo. Như việc đưa cải lương vào học đường đã được nghe nói tới từ hai mươi năm trước nhưng rồi đứt đoạn. Đáng mừng là gần đây đã được thúc đẩy qua một số hoạt động ở TPHCM. Nhưng kiểu thức thực hiện làm sao cho dài hơi, chính quy và hiệu quả lại là vấn đề nằm ngoài “tư duy phong trào”.
Cải lương trẻ và khán giả trẻ
Khác với luồng ý kiến cho rằng người trẻ đang quay lưng với cải lương, nghệ sĩ Minh Vương cho biết khi đi biểu diễn các nơi, ông thấy khán giả trẻ vẫn nhiều và ông cũng đọc được nơi họ sự thích thú khi bắt gặp trên sân khấu những sáng tạo mới. Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng cho là “giới trẻ vẫn muốn biết, muốn nghe (cải lương) nhưng về những đề tài trong thời đại của họ”.
Có lẽ những thao thức về dòng chảy của cải lương nên tập trung cho một nền cải lương trẻ hóa. Ở đó, nhu cầu thưởng thức của công chúng trẻ được đáp ứng bằng một lực lượng làm nghề trẻ, cùng thời với họ. Nhiều ý kiến cho rằng đội ngũ nghệ sĩ trẻ hôm nay vừa thiếu vừa yếu, lại bị cái bóng lớn của thế hệ nghệ sĩ tiền bối che phủ. Song với kinh nghiệm nhiều năm ngồi “ghế nóng” tại các cuộc thi, nghệ sĩ Minh Vương lại cho rằng so với thời của ông, lớp trẻ hôm nay đông đảo và có thừa thanh sắc lẫn điều kiện để phát triển. Chỉ tiếc một điều: họ thiếu cơ hội được góp mặt, được rèn luyện trên sàn diễn.
Trong khi đó, ghi nhận từ các đoàn hát, đội ngũ diễn viên trẻ không hẳn thiếu và vẫn hừng hực lửa nghề. Đội ngũ đạo diễn, nhạc công, thiết kế... cũng được trẻ hóa với nhiều sáng tạo đem đến cho sân khấu cải lương những luồng gió mới, hơi thở mới. Vấn đề là sự đầu tư hút khá nhiều năng lượng và chất xám đó thường được tập trung để dàn dựng hàng chục kịch bản nhằm mục đích... đi thi, nhắm tới số lượng các thể loại huy chương. Mà kinh nghiệm cho thấy, “khẩu vị” ở các cuộc thi luôn có khoảng cách với “khẩu vị” của thị trường. Thế nên mới có chuyện hàng loạt kịch bản sau khi tham dự một đợt liên hoan về thì không dùng được nữa, còn công chúng bên ngoài thì vẫn “khát” vở diễn hay.
Theo ông bầu Kim Tử Long, hiện các đơn vị cải lương “xã hội hóa” chỉ mong muốn có một điểm diễn ổn định để họ an tâm làm nghề, một sân khấu có giá thuê vừa phải giúp họ định giá vé hợp lý hơn. Còn lại, họ sẽ tự lo việc đầu tư dàn dựng tác phẩm, khai thác thị trường. Và ông cũng đề xuất cụ thể việc nâng cấp rạp Nhân Dân cho sân khấu cải lương. Thiết nghĩ, trong hàng loạt những dự án trăm tỉ, ngàn tỉ, một điểm diễn phù hợp và rộng đường cho cải lương trình diễn không khó đối với chính quyền TPHCM, và cả các tỉnh lân cận, nhất là khi đã có bài học từ rạp Hưng Đạo.
Mong rằng dấu mốc một thế kỷ sân khấu cải lương chính là “thời khắc chuông đổ” nhắc nhở mọi người biết đặt “ngọc quý cải lương” vào đúng tay những người biết “gìn vàng giữ ngọc”.
Thanh Phương
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Xuân ÂL