Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Cải lương vào mùa lễ hội Kỳ Yên

Mùa Tết được xem là mùa đắt show của sân khấu kịch và phim ảnh nhưng lại không phải là thời điểm vàng của cải lương. Thế nhưng sau Tết, vào lễ Kỳ Yên (bắt đầu từ tháng Giêng âm lịch), các đình chùa tổ chức cúng bái nhiều nên nghệ sĩ cải lương trở nên bận rộn.

NSƯT Tú Sương là một trong số ngôi sao đắt show hát lễ Kỳ Yên.

Mùa Tết lặng lẽ

Từ giáp Tết đến hết mồng 10, năm nào cũng thế, sân khấu kịch bội thu. Khán giả kéo nhau đến sân khấu xem kịch, đến rạp xem phim nên các ông bà bầu sân khấu, các nhà đầu tư phim ảnh xem đây là mùa thu hoạch. Trong khi đó, cải lương vốn dĩ đang sống trong cảnh hấp hối lại rất yên ắng trong mùa này. Về phía tư nhân, sân khấu Kim Ngân do bị động diễn viên đã không dựng cải lương hài, thay vào đó, nơi này cho MC kiêm đạo diễn Trác Thúy Miêu thuê mặt bằng tổ chức trình diễn chương trình Phụng Hoàng Ban. Theo đó, Trác Thúy Miêu đóng vai người dẫn chuyện kể về lịch sử cũng như nhưng nét đặc sắc của nghệ thuật cải lương. Xen vào các câu chuyện, những nghệ sĩ sẽ hát và diễn. Nghệ sĩ Trác Thúy Miêu chia sẻ: ”Chương trình còn quá mới, chúng tôi không quảng cáo và PR mạnh nên lượng khán giả đến xem còn ít. Mỗi đêm bán được từ 40 – 50 vé. Đến ngày mồng 6 Tết, chúng tôi trình diễn nội dung mới. Hy vọng là tình hình sẽ được cải thiện tốt hơn trong thời gian tới”.

Sân khấu Trần Hữu Trang, từ mồng 1 đến mồng 5 Tết tổ chức triển lãm miễn phí đờn ca tài tử nên không diễn. Đến ngày mồng 6 đến mồng 8 Tết sẽ trình diễn các vở cũ trong năm.

Nghệ sĩ Ngọc Huyền sau khi gặp trục trặc khiến liveshow bị hủy, đã tổ chức một mini liveshow tại phòng trà với không gian nhỏ. Tương tự, sân khấu Chí Linh – Vân Hà dù đang nỗ lực hoạt động thường xuyên trong năm nhưng vào mùa Tết chỉ dám diễn một suất duy nhất vào ngày mồng 6 Tết vở hài Đường Bá Hổ. Theo quản lý Trần Hào, lý do diễn một suất vì dự kiến khán giả không nhiều, chỉ dự trù bán được tầm 250 vé. Điều này cho thấy, trong dịp Tết, hoạt động cải lương hầu như hoạt động yếu ớt, doanh thu xem như không đáng kể.

Tình hình này phản ánh thực trạng ngày càng suy yếu của cải lương, dẫu rằng vào trước Tết, trong dịp kỷ niệm 100 năm cải lương, một chương trình kỷ niệm hoành tráng đã được tổ chức. Trong đó, có nhiều lời động viên hứa hẹn sẽ thổi sức sống mới vào cải lương.

Mùa chạy show

Lễ Kỳ Yên tức là lễ cầu an, một lễ hội có nguồn gốc tại Nam bộ. Theo nhiều tài liệu văn hóa Việt Nam, mỗi làng tại miền Nam có ít nhất một đình thờ thần hoàng. Tầm tháng Giêng âm lịch trở đi, các đình sẽ tổ chức cúng để cầu thành hoàng độ trì cho dân làng được mùa và may mắn. Lễ hội Kỳ Yên có nhiều hoạt động phong phú, trong đó, có một phần không thể thiếu là hát chầu. Ngày trước, hát chầu do các nghệ sĩ hát bội đảm nhiệm. Tuồng tích thường được chọn như Tiết Đinh Sang, Phàn Lệ Huê, về sau có thêm các tích như Trần Bình Trọng, Sát Thát...

Khi hát bội thoái trào, cải lương được ưu tiên trong phần hát chầu của lễ Kỳ Yên. Vào thời điểm này, các nghệ sĩ cải lương sẽ được mời hát liên tục từ đình này sang đình khác. Nhiều năm trở lại đây, trong tháng Giêng, các chùa thường tổ chức các nghi lễ có phần hát cải lương, nhờ vậy, nghệ sĩ cải lương càng được mùa.

Nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ: “Do sân khấu của đình, miễu nhỏ hẹp nên các tuồng hát trong lễ hội Kỳ Yên thường chỉ vài nghệ sỹ, hát trích đoạn chứ không hát nguyên tuồng. Dẫu vậy, do số lượng đình, miễu nhiều nên hầu như nghệ sĩ cải lương nào, từ ngôi sao đến không nổi danh cũng được mời hát. Theo truyền thống, cách hát trong lễ hội Kỳ Yên ngày xưa theo lối lập thành, tức là nghệ sĩ không tập tuồng trước mà chỉ ứng diễn. Bạn diễn hát cái gì, thì người hát chung phải nghĩ ra câu phù hợp để hát theo. Điều này vẫn còn duy trì cho tới ngày nay. Thế nhưng vì hát chầu Kỳ Yên thường hát theo nhóm vài người nên các nghệ sĩ có tập tành chuẩn bị trước”.

Theo nhiều nghệ sĩ, trong tình hình cải lương ít show diễn, hát trong lễ hội Kỳ Yên chính là một cơ hội để nghệ sĩ kiếm tiền bên cạnh việc thể hiện lòng tôn kính với thần thánh. Đình, miễu, chùa dù lớn hay nhỏ thì vẫn có một ban trị sự chăm nôm các nghi thức. Những thành viên trong ban trị sự đến hẹn lại lên sẽ mời các nghệ sĩ đến diễn. Tất cả những chi phí liên quan do nhiều người đóng góp lại nên nghệ sĩ được trả lương rất sòng phẳng. Hát hay còn được thưởng thêm. Dẫu vậy, vẫn có trường hợp, vị thần thờ trong đình miễu quá linh thiêng nghệ sĩ không dám nhận tiền, ngược lại còn trông chờ được mời hát. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc là một ví dụ. Hầu như tất cả các nghệ sĩ lớn đều mong được hát miễn phí tại nơi này, nhưng vì có quá nhiều người tỏ thành ý nên người phụ trách của miếu Bà phải lên danh sách và chọn lựa xen kẽ từng năm.

Được hát trong dịp này, trong thâm tâm nghệ sĩ ai cũng nguyện cầu các vị chư thần phù hộ cho mình được may mắn, được cơ hội hát nhiều hơn để cuộc mưu sinh trở nên bớt nhọc nhằn.

Nguyễn Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối