HOÀNG XUÂN PHƯƠNG -
Việc cai nghiện ma túy cho đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải. Nhưng một phát hiện mới đây, sử dụng từ trường của nam châm đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong quá trình điều trị cai nghiện.
Sử dụng nam châm để cắt cơn nghiện ma túy.
Bác sĩ Luigi Gallimberti tại Đại học Y khoa Padova, Ý và chuyên gia cai nghiện ma túy Alberto Terraneo công bố trên tạp chí khoa học Neuropsychopharmacology tại châu Âu cho biết kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ não TMS (transcranial magnetic stimulation) làm giảm nhu cầu cocaine và cắt cơn nghiện.
Cuộc nghiên cứu này được thực hiện tại Bệnh viện Padua, Ý trên 29 người nghiện ma túy, theo dõi liên tục dựa trên phân tích nước tiểu của 16 bệnh nhân được chữa trị bằng TMS và 13 bệnh nhân đối chứng không được chữa trị bằng phương pháp này. Tiến sĩ Antonello Bonci, Giám đốc khoa học tại Viện Ma túy thuộc Bộ Y tế Mỹ, cũng là đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho biết khả năng cải thiện của người bệnh ở đây rất nhanh.
Kỹ thuật kích thích từ sọ não được thực hiện mỗi ngày một lần trong năm ngày đầu, sau đó dãn ra mỗi tuần một lần. Tiến sĩ Bonci cho biết đây là bước khởi đầu để tạo dựng phác đồ cai nghiện cocaine bằng liệu pháp sinh học thần kinh mà không cần đến phương pháp nhận thức hay hỗ trợ tâm lý. Stefano, 46 tuổi, người được chữa trị bằng kỹ thuật TMS tại Bệnh viện Padua, cho biết anh đã tìm đến đó chữa trị vì thấy phương pháp này vô hại và để làm vui gia đình. Nhưng khi các bác sĩ vẩy những chiếc đũa nam châm theo hình số 8 để đưa sóng từ vào sâu trong vỏ não trước trán thì anh nhận ra cảm giác kỳ lạ xuất hiện rất nhanh.
Đây là lần đầu tiên kỹ thuật kích thích từ sọ não TMS được áp dụng vào việc cai nghiện ma túy trên người, theo sau thành công của những thí nghiệm trước đó trên chuột vào hồi đầu năm nay. Giáo sư Rob Malenka, Đại học Stanford, Mỹ cho rằng cần phải thực hiện thêm một loạt thí nghiệm lâm sàng tương tự. Ông cũng cho biết liệu pháp kích thích từ vỏ não cũng đã bắt nguồn từ trước đó nhưng mới chỉ để chữa trị những trường hợp trầm cảm nặng. Kỹ thuật TMS ra đời vào những năm 1980 và đã được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng để chữa trị trầm cảm.
Nghiên cứu của người Ý bất ngờ tạo ra những phát hiện mới về hệ mạch não phức tạp nơi những người nghiện. Ở họ, phần vỏ não trước trán vốn thường sáng màu sẽ bị đen lại khi thiếu thuốc, và các nhà nghiên cứu gọi đó là tình trạng “hypoactive” (kém hoạt động). Sự hóa đen của vùng vỏ não này dẫn tới việc con nghiện quyết định tiếp tục dùng thuốc kể cả khi họ biết hậu quả sẽ rất tai hại. Nghiên cứu của Tiến sĩ Bonci vào đầu năm nay đã cho thấy các con chuột mắc chứng nghiện bị thúc ép phải tìm đến chỗ lấy thuốc cho dù biết chân sẽ bị điện giật. Nhưng khi nhóm nghiên cứu kích hoạt ánh sáng vào phần vỏ não tối màu thì các con chuột này mất cảm giác phải đi tìm thuốc, ngược lại khi chúng phục hồi tình trạng hypoactive thì chứng nghiện thuốc lại xuất hiện.
Với thành công ban đầu từ việc tạo nên tác động tương tự lên vùng vỏ não trước trán của người nghiện bằng các que nam châm có từ tính mạnh ở Bệnh viện Padua, Tiến sĩ Bonci và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu lâm sàng mở rộng. Còn Giáo sư Christian Lüscher ở Đại học Geneva, Thụy Sĩ, cũng cho biết họ đã tạo được các tác động tương tự bằng kích hoạt ánh sáng ở nhiều vùng vỏ não khác của chuột. Ông cho rằng thành công của người Ý rất quan trọng vì mở ra một lộ trình mới cho việc cai nghiện ma túy, điều mà đến nay chưa một phương pháp nào tỏ ra hoàn hảo.