Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Cái tuổi không đuổi kịp cái danh

Vô số sân chơi giải trí được bày ra. Ngày càng có nhiều cơ hội để con bạn được nhiều người biết đến, thậm chí, trở thành ngôi sao, trung tâm sự chú ý của đám đông nếu bạn chịu khó dành thì giờ và tiền bạc đầu tư cho danh tiếng của con cái. Nói điều này hẳn là đụng chạm đến nhiều phụ huynh hãnh tiến hoặc đang dễ dãi nuông chiều tính háo thắng của con nít. Nhưng sẽ là điều cần thiết để bàn luận nếu nhìn thẳng vào thực tế sự ngây thơ trong trẻo của trẻ em đang được tư duy như một món hàng hợp mốt, gây tò mò trên các phương tiện truyền thông giải trí.

Nếu cách đây chừng hai mươi năm, các kênh truyền hình giải trí chỉ có một chương trình ngắn hàng đêm dành cho trẻ em, với cái tên quen thuộc: Những bông hoa nhỏ, thì nay, số chương trình giải trí cho thiếu nhi đã tăng lên đáng kể, thậm chí, thiếu nhi đã có những kênh truyền hình riêng. Tuy nhiên, xét trên tỷ lệ tăng về số kênh phát sóng, số chương trình giải trí nói chung, thì mức độ gia tăng của các chương trình dành cho thiếu nhi trên truyền hình vẫn rất thấp, nếu không muốn nói là vẫn ở mức độ ít ỏi.

Có một thực tế, các nhân vật “thiếu nhi showbiz” xuất hiện trong rất nhiều dạng chương trình trò chơi truyền hình (gameshow) dành cho số đông ngày nay ở các kênh đại chúng đã ít nhiều tạo ra sự ảnh hưởng đáng kể tới tâm lý, suy nghĩ, cảm xúc, khát vọng của người xem. Một số chương trình trò chơi từ tìm kiếm tài năng cho đến các cuộc thi hát, từ những phim ngắn được dựng lên chủ yếu để quảng cáo các sản phẩm tiêu dùng cho thiếu nhi cho đến các cuộc thi đố vui kiến thức… hình ảnh trẻ em được khai thác triệt để. Thậm chí, để gia tăng tính hấp dẫn, nhiều ban tổ chức chương trình trò chơi truyền hình đã sử dụng các tình tiết nhạy cảm với mục đích gây sốc, tạo sự chú ý đối với dư luận, không cần biết những điều đó có gây ra tổn thương đối với tâm lý phát triển của người trong cuộc hay không.

Đã có chuyện trong một gameshow tìm kiếm giọng ca trên truyền hình, thí sinh là học trò của một trường trung học vì hát không tốt đã bị ban giám khảo dùng những lời lẽ không bình thường để chỉ trích và chương trình nọ “bêu” hình ảnh người mẹ công khai bảo vệ con để công chúng xôn xao, phần lớn là ném đá. Cũng phổ biến chuyện các em thiếu nhi bị khủng hoảng, buồn bã đến bỏ bê việc học chỉ vì thất bại trong một cuộc thi nào đó trên truyền hình… Điều đáng nói là thay vì đóng vai trò “tỉnh táo viên” để trang bị cho con cái những kỹ năng cần thiết, hướng dẫn cho chúng biết thực hư của những cuộc chơi giải trí phù phiếm, thì nhiều bậc phụ huynh lại còn nghiêm trọng hóa những gameshow, coi đó là cơ hội phát triển của con trẻ và phải giành cho bằng được với mọi giá. Một số phụ huynh ép con mình đi thi để tỏa sáng, được biết đến, có người đầu tư cho con cái vào những trường đào tạo ngắn hạn một số kỹ năng chỉ để đi thi giành giải thưởng.

Ước mơ được tỏa sáng và vượt trội từ các bậc phụ huynh đã được chuyển hóa sang con cái họ. Và thật tội nghiệp, đôi khi bọn trẻ bị biến thành công cụ để thực hiện mong muốn của người lớn. Bằng mọi giá, chúng phải trở thành người của công chúng, được báo đài nhắc đến và cuối cùng là đem lại tiền bạc cho gia đình.

Não trạng coi trọng thành tích, sự háo danh, hãnh tiến đang sai khiến nhiều bậc phụ huynh làm những cuộc thí nghiệm danh vọng trên chính con cái mình. Một người làm chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi tiết lộ, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ việc, cho con nghỉ học hàng tuần để theo đuổi một cuộc thi. Cũng đã có những phụ huynh khăn gói từ ngoài Bắc theo con vào Nam chịu cảnh ăn ngủ tạm bợ chỉ để con theo đuổi một cuộc thi truyền hình với hy vọng biết đâu con mình sẽ thắng giải, được tỏa sáng vinh quang trong chốc lát. Họ bất ngờ và đau khổ khi đứa trẻ sau những kỳ thi trên đã không còn có thể trở về chấp nhận một đời sống bình thường, vì ảo tưởng nổi tiếng, vì những tổn thương gặp phải, vì bị trượt theo hành trình tìm kiếm những cơ may nhất thời thay vì theo đuổi chuyện học hành và những mục đích cơ bản, bền vững trong cuộc đời.

Nhu cầu khai thác tiềm năng sân chơi truyền hình phục vụ thị hiếu đại chúng là rất lớn. Và nguyên tắc của những chương trình này là tạo ra sự hấp dẫn, gay cấn, thậm chí gây sốc để lôi kéo khán giả càng đông càng tốt, ở đó các nhà tổ chức không đặt nặng mục tiêu vì giáo dục, tài năng hay định hướng giá trị sống gì to tát mà chỉ cần độ “hot” (nóng sốt) của nó đủ gây chú ý, tranh cãi trong dư luận càng nhiều càng tốt trong một mùa thi. Trong khi hào quang của sự thành công chóng vánh dễ dãi đôi khi có thể khiến cho một đứa trẻ bị đánh mất đời sống tinh thần bình thường, mất sự chủ động, lệch lạc trong phát triển tương lai.

Chính vì vậy, ở đây, điều quan trọng là câu chuyện nhận thức chín chắn của những bậc cha mẹ, đặc biệt là nhận thức về sự thành công. Tiếng tăm, thành tích thực sự có ý nghĩa khi chúng được xây dựng trên những nền tảng của thực tài, thực học và một khả năng tự kiểm soát được. Đừng để bọn trẻ rơi vào bi kịch của tình trạng cái tuổi không đuổi kịp cái danh.

Ba Harin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối