Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Cầm đồ: Sức hút ở đâu?

Tâm Nguyên -

Dịch vụ cầm đồ vẫn được xem là dịch vụ cầm cố tài sản để cho vay lãi cao với rủi ro lớn, hoạt động khá tự phát, vậy vì sao một quỹ đầu tư lớn lại muốn đầu tư vào chuỗi dịch vụ này?

Cầm đồ cũng có chuỗi cửa hàng

Vào tháng 1-2017, Quản lý Quỹ Mekong (Mekong Capital) công bố Quỹ Mekong Enterprise Fund III (“MEF III”) của họ đã hoàn thành gói đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư F88 (“F88”).

Lý do khiến MEF III bỏ tiền, đó chính là việc F88 đã xây dựng được một chuỗi cửa hàng ở Hà Nội và vùng lân cận với mô hình kiểu mới cùng lợi thế cạnh tranh ở có đội ngũ quản lý, hệ thống quản lý…

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư F88 cho biết, mục tiêu của F88 là xây dựng mô hình cửa hàng cầm đồ kiểu mới để thay đổi định kiến của người tiêu dùng. Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình này với mô hình truyền thống là dịch vụ khách hàng, với việc đầu tư vào mạng lưới cửa hàng, hệ thống kho bãi, tổng đài chăm sóc và tư vấn miễn phí cho khách hàng…

Những điểm quan trọng vốn được khách hàng quan tâm như mức lãi suất, định giá tài sản thế chấp… đảm bảo đồng thời hai nguyên tắc: tuân thủ quy định pháp luật và minh bạch nhờ ứng dụng công nghệ. Sau khi nhận vốn đầu tư, công ty này đang có kế hoạch mở 70 cửa hàng trong năm 2017 và đặt mục tiêu có 300 cửa hàng vào cuối năm 2020. F88 cũng dự kiến sẽ tham gia thị trường TPHCM từ quí 4-2017.

Theo một chuyên gia tài chính, nhìn một cách khách quan điểm lợi thế dễ thấy nhất của các nhà cung cấp dịch vụ cầm đồ, đó là điều kiện vay đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng. Thông thường, khi khách hàng có một món đồ muốn thế chấp (còn gọi nôm na là cầm cố) để lấy tiền mặt thì thời gian từ khi bước vào cho đến khi cầm tiền bước ra không quá 30 phút. Trong thời gian này, hai bên đã kịp thực hiện đầy đủ các bước, từ thỏa thuận số tiền đến ký các giấy tờ.

Bên cạnh đó, các khoản vay nhiều hạn mức, vật cầm cố đa dạng, người vay không cần cung cấp giấy tờ nào khác ngoài chứng từ của tài sản thế chấp, thời gian vay tương đối ngắn… So với yêu cầu để được vay của công ty tài chính hay ngân hàng như có sổ hộ khẩu, tạm trú, quyền sở hữu hợp pháp với tài sản thế chấp… thì các điều kiện và thời gian giải ngân này của dịch vụ cầm đồ là rất khác biệt.

Bên cạnh đó, độ phủ của cửa hàng cầm đồ hiện rất dày đặc, phân bổ từ thành thị đến nông thôn, từ mặt tiền đường lớn đến ngõ hẻm. Số liệu thống kê chưa chính thức cho thấy, cả nước có đến 30.000 cửa hàng cầm đồ lớn nhỏ.

Những lợi thế này đã giúp các cửa hàng cầm đồ thu hút được đối tượng khách hàng riêng dù rằng lãi suất có thể cao hơn vay ngân hàng, công ty tài chính. Theo thông tư liên bộ 02/TT/LB, lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2% một tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày (tức 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày).

[box] Không chỉ ở Việt Nam mới có dịch vụ cầm đồ

Trên thế giới có khá nhiều chuỗi cầm đồ lớn và thành công. Tùy vào văn hóa và nền kinh tế, mỗi nước có mô hình kinh doanh cửa hàng cầm đồ khác nhau. Ở Mỹ có First Cash với 2.000 cửa hàng hay American Cash. Các cửa hàng ở Mỹ thường rộng hàng ngàn mét vuông, sản phẩm cầm cố đa dạng, không chỉ cung cấp dịch vụ cầm đồ mà còn mua bán đồ cũ. Ở Singapore thì có ValueMax, Maxi-Cash. Điểm khác biệt của các cửa hàng cầm đồ tại Singapore là chỉ cầm cố đồ trang sức, vàng, kim cương. Thái Lan có Sarisawad (với 1.800 cửa hàng), Muangthai (1.600 điểm) và chỉ tập trung cầm cố xe máy. Đặc biệt, các chuỗi này đều được định giá hàng tỉ đô la Mỹ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. [/box]

Nhiều rủi ro cần quản trị tốt

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc kinh doanh cầm đồ cũng có rất nhiều rủi ro. Tiệm cầm đồ là nơi mà nhiều tội phạm xem như điểm tẩu tán tài sản.

Rất nhiều tiệm cầm đồ bị lừa đảo bởi nhiều con nợ mang tài sản thế chấp là đồ phi pháp, làm giấy tờ giả và đến cầm đồ lấy tiền (khoảng 70-80% tài sản thế chấp), sau đó không trả nợ và để lại tài sản. Khi công an đến làm việc thì tiệm cầm đồ coi như mất trắng. Cũng có nhiều trường hợp tài sản thế chấp là những chiếc xe máy đã bị thay hết phụ tùng, nên khi người vay không trả nợ chủ tiệm đem ra bán thì thu về không được bao nhiêu.

Cũng có nhiều tiệm cầm đồ muốn làm ăn yên ổn nên lại là “đại lý” tiêu thụ đồ gian cho tội phạm.

Thêm vào đó, hiện nay có không ít cửa hàng cầm đồ “phá luật”, áp dụng lãi suất của các khoản vay gấp nhiều lần quy định, định giá tài sản cầm cố thấp, thậm chí thay đổi trang thiết bị, bộ phận bên trong của đồ vật cầm cố…

Những biến tướng của cửa hàng cầm đồ đã khiến người tiêu dùng thiệt hại và có định kiến xấu về mô hình này.

Theo vị chuyên gia này, trước hoạt động kinh doanh cầm đồ vẫn còn chưa chuyên nghiệp, đem đến cái nhìn ái ngại của nhiều người trong xã hội, thì cơ hội cho các mô hình, cửa hàng được đầu tư bài bản, quản trị tốt, dịch vụ khác biệt và tuân thủ pháp luật. Tuy vậy, việc quản trị rủi ro bằng các bước như thẩm định tài sản thế chấp, cam kết trả nợ… là vấn đề mà các công ty chuyên nghiệp không được lơ là.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối