(SGTTO) - Sau khi qua độ tuổi nghỉ hưu, nhà thám hiểm Hồng Kông (Trung Quốc), Tiến sĩ Rebecca Lee Lok-sze treo giày, tạm biệt kính bảo hộ, gậy trượt tuyết và đồ lót giữ nhiệt - những vật dụng đã theo bà trong các chuyến đi. Tuy nhiên, niềm đam mê của bà đối với môi trường không hề suy giảm.
- Khám phá đại dương với khách sạn sinh thái nổi trên mặt nước
- 7 hoạt động gần gũi thiên nhiên, khám phá văn hoá ở Nepal
Rất ít người Hồng Kông thực hiện được những chuyến đi xa đầy thử thách như Lee. Bà là người phụ nữ Hồng Kông đầu tiên đặt chân đến được cả hai cực Bắc và Nam trái đất và chinh phục đỉnh Everest. Bà cũng đã đến Taklamakan - sa mạc nóng nhất ở Trung Quốc và hẻm núi dược cho là sâu nhất thế giới Yarlung Tsangpo.
Bà Lee đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm huân chương danh dự, đã viết hàng chục cuốn sách và thành lập Quỹ Bảo tàng địa cực (Polar Museum Foundation). “Cái lạnh không bao giờ làm phiền tôi được”, người phụ nữ 70 tuổi nói. Trong chuyến thăm Greenland - băng đảo lớn nhất thế giới lần đầu, mọi người đã cho rằng bà chắc hẳn là một người Inuit (dân tộc bản địa sống ở các vùng Bắc cực) trong… tiền kiếp.
Lee nói: “Tôi đang sắp xếp lại các giấy tờ, chuyển chúng cho các tổ chức để lưu giữ an toàn, tạo các bản sao kỹ thuật số của các trang trình bày của tôi. Tôi thấy còn rất nhiều việc phải làm vì biến đổi khí hậu đang tàn phá khắp thế giới”.
Chọn người tiếp nối
Trong những năm qua, Lee - một nhà thiết kế đồ họa, họa sĩ và nhiếp ảnh gia - đã truyền cảm hứng và khuyến khích một nhóm chọn lọc những người Hồng Kông trẻ theo bước chân bà, trong đó có Wilson Cheung Wai-Yin.
Cheung, 33 tuổi, hiện đang làm việc với Trung tâm Đại học ở Svalbard, nằm ở thị trấn cực Bắc của thế giới, Longyearbyen thuộc Na Uy. Sử dụng máy bay không người lái và công nghệ hiện đại nhất, anh đang vẽ một bản đồ toàn diện về khối lượng sông băng và chỏm băng thuộc dãy Alps ở châu Âu và dãy núi Altai ở Nga.
Bà Lee là người đã giúp Cheung bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Nhà thám hiểm luôn khát khao thành công, người đã lớn lên trong túp lều lụp xụp ở Kai Leng Tsuen, ngôi làng nhỏ gần Fanling - đã lấy hết can đảm nhờ bà Lee giúp đỡ.
“Năm 2007, tôi biết sẽ có cơ hội tham gia một chuyến thám hiểm Nam Cực, được tài trợ bởi tổ chức phi lợi nhuận 2041 của Mỹ”, anh Cheung nói. “Tôi cần một lời giới thiệu và dù chưa bao giờ gặp Tiến sĩ Rebecca Lee nhưng tôi nghĩ bà sẽ là người tốt nhất có thể giúp. Chúng tôi gặp nhau ở thư viện trung tâm Hồng Kông, nơi bà đang tổ chức một buổi hội thảo. Sau khi nói chuyện một lúc, tôi vô cùng ngạc nhiên khi bà nhận lời”. Cuối cùng anh đã được chọn từ một nhóm hơn 2.000 người đăng ký và nhận tài trợ cho chuyến thám hiểm vùng cực đầu tiên của mình.
Họ vẫn giữ liên lạc với tư cách bạn bè, anh Cheung cho biết thêm, để cập nhật những gì đang xảy ra ở thế giới hai cực.
Con đường của anh Cheung từ vùng Tân Giới của Hồng Kông đến một trong những hòn đảo xa xôi và khắc nghiệt nhất trên thế giới là một cuộc phiêu lưu dài, đòi hỏi người chinh phục vô cùng quyết tâm nhưng đôi khi lại nhờ vào may mắn.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục thể chất tại Đại học Baptist Hồng Kông năm 2010, anh Cheung có công việc nhàn hạ ở Thụy Sĩ. Anh chấp nhận công việc này là để có thể tận hưởng thú vui leo núi vào những ngày nghỉ. Từ một đầu bếp, anh đã phấn đấu trở thành huấn luyện viên leo núi, làm việc tại một công ty du lịch mạo hiểm. Và do có thể nói tiếng Quan Thoại trôi chảy, anh được chuyển sang thực hiện các tour du lịch cho du khách Trung Quốc đại lục khám phá Nam Cực.
Trong những năm tiếp theo, các chuyến du lịch đã đưa anh Cheung đến Greenland, bán đảo Kamchatka ở Nga, Alaska, Na Uy, Iceland, Canada, Bắc Cực và dãy Alps ở châu Âu.
Cheung nói: “Chúng ta có thể học được nhiều điều từ tự nhiên. Khi tôi đang khám phá quần đảo Kuril ngoài khơi bờ biển phía Đông của Nga, tôi cảm thấy những chấn động từ cả động đất và núi lửa. Điều đó thật đáng sợ, nhưng nó khiến bạn cảm thấy mình đang sống”.
Những sự cố như vậy giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về trái đất và hệ sinh thái. Vì vậy, anh Cheung đã tham gia các cuộc nói chuyện ở trường học bất cứ khi nào có cơ hội, nhằm khuyến khích thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa loài người và mẹ thiên nhiên.
Muốn khám phá không gian
Qua các chuyến đi, Cheung cũng tận dụng cơ hội tìm hiểu về các quan điểm về du lịch ở các vùng cực. Anh vô cùng bối rối trước những ý kiến trái ngược nhau.
Anh nói: “Người phương Tây có xu hướng muốn bảo tồn Nam Cực ở trạng thái nguyên sơ nhất có thể. Nhưng người Trung Quốc lại khác. Du khách của quốc gia đông dân nhất thế giới này đa số không còn hứng thú với việc mua sắm và tham quan thông thường, họ thích đến các vùng đất xa xôi”. Theo Cheung, người Trung Quốc coi Nam Cực như vùng đất cần được khám phá đầy đủ, cần phát triển và được quản lý.
Ngoài các hoạt động khác, anh Cheung còn cùng với nhiếp ảnh gia Mỹ Alex Chavanne thành lập công ty tư vấn thám hiểm và nghiên cứu địa cực. Lĩnh vực hoạt động của họ trải dài từ các cực đến Trung Á và con đường tơ lụa, cũng như các vùng hoang dã của Nga và Alaska.
Không bằng lòng với việc khám phá trái đất, Cheung đã hướng tầm nhìn của mình ra xa hơn. Ước mơ thực sự của anh là khám phá không gian. Trong những năm quá, anh đã tích lũy những kỹ năng cần thiết để tìm hiểu về y học hoang dã, lấy bằng phi công, đủ điều kiện để nhảy dù một mình và là một hướng dẫn viên vùng cực.
Cheung là ứng cử viên châu Á đầu tiên trong dự án Polar Suborbital Science thuộc chương trình Upper Mesosphere (Lõi trái đất), có trụ sở tại Đại học Hàng không Embry-Riddle ở Florida (Mỹ).
Trong thời gian chờ đợi thực hiện ước mơ, trò tiêu khiển hiện tại của anh Cheung là leo lên tất cả 128 ngọn núi của dãy Alps ở Ý, Thụy Sĩ và Pháp cao hơn 4.000m. Bắt đầu cách đây 9 năm, đến thời điểm này, anh chỉ còn 17 đỉnh núi để chinh phục. “Ở một nơi chỉ có cảnh quan một màu trắng xóa và bầu trời trong xanh, tôi có thể giải tỏa tâm trí và suy ngẫm, hiểu sâu hơn về bản thân và nhận ra mục tiêu mà tôi muốn theo đuổi”, Cheung tâm sự.
Thanh Thảo
Theo South China Morning Post