Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Cần “bà đỡ” giỏi cho khởi nghiệp thương mại điện tử

(SGTT) - Ở Việt Nam, khởi nghiệp phổ biến nhất vẫn là ứng dụng CNTT vào giải quyết các bài toán cụ thể trong các ngành khác như thương mại điện tử (e-commerce) hoặc tài chính (fintech) hay như giáo dục (edtech). Và họ cần sự hỗ trợ từ nhiều phía để tạo ra một hệ sinh thái phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Khởi nghiệp tại Việt Nam hiện có hai cơ hội lớn. Nếu start-up hoạt động theo hướng B2C (doanh nghiệp bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng) thì họ có nhiều khả năng tiếp cận được tầng lớp trung lưu với sự hiểu biết và mức thu nhập ngày càng tăng và chịu chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng cao cấp. Nếu start-up hoạt động theo mô hình B2B thì đã có một lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang và sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi số để nâng cao hiệu suất kinh doanh và sản xuất của mình để có thể tiếp tục tồn tại và cạnh tranh trong nền kinh tế số hiện nay.

Cơ hội đi kèm thách thức

Theo anh Vũ Xuân Trường, Giám đốc Chương trình Ươm tạo Finc của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), các start-up ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực e-commerce, fintech và edutech có nhiều lợi thế hơn trong việc khai thác các cơ hội này, đặc biệt là ở hai mảng di động và tự động nhằm cho phép một lượng lớn người dùng (khách hàng) cùng tham gia vào hệ thống mà vẫn bảo đảm thời gian xử lý và chất lượng công việc. Anh Trường chia sẻ thêm ví dụ tại Finc, vừa qua, trung tâm này đã tuyển chọn được năm dự án vào chương trình ươm tạo khóa 9 của trung tâm, trong đó đa phần liên quan đến e-commerce và fintech.

Chia sẻ về những cơ hội này, anh Hồ Việt Hải, Giám đốc công ty Triip, cho biết đang cung cấp dịch vụ giúp khách du lịch và các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch chia sẻ thông tin để đôi bên cùng có lợi trên toàn cầu. Thông tin khách du lịch cung cấp cho công ty được đưa lên hệ thống blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa). Các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận tải muốn có dữ liệu phải được Triip cấp mã. Điều khác biệt là, trước khi cung cấp mã cho công ty, hệ thống tự động gửi e-mail cho khách du lịch xin phép được chia sẻ thông tin. Anh Hải cho biết đây là xu hướng không thể tránh được. Anh cũng dự báo sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp start-up tham gia vào hệ sinh thái fintech này và không chỉ có ngành du lịch.

“Tuy nhiên, điều bất lợi cũng không ít”, anh Trường nói và chia sẻ sẽ có hai nhóm trở ngại. Đó là thói quen người dùng: Phải chuyển đổi họ sang một môi trường mới nơi mà sự tương tác giữa người và người sẽ bị giảm thiểu, điều này không thể làm một sớm một chiều. Điều thứ hai liên quan đến hành lang pháp lý: Các quy định hiện hành áp dụng cho các lĩnh vực truyền thông không còn phù hợp với các mô hình kinh doanh mới khi môi trường và các bên tham gia giao dịch đã thay đổi rất nhiều.

Theo anh Trường, start-up công nghệ cũng là doanh nghiệp, nên điều quan trọng nhất của họ vẫn là hiểu khách hàng – những người sẵn sàng sử dụng và trả tiền cho giải pháp tiện lợi. Những tổ chức như Finc sẽ giúp các start-up hiểu làm thế nào kết hợp tư duy công nghệ với tư duy thị trường. Vì vậy, cơ hội tốt nhất cho start-up Việt là nội địa hóa và tìm ra ngách (phân khúc) phù hợp nhất. “Tất nhiên, điều đó không phải nói là làm được, vì đã là ngách thì sẽ không bao giờ ở ngay trước mắt mà cần phải đào sâu phải lăn lộn trong lĩnh vực tương ứng”, anh Trường nói.

Cần thêm sự hỗ trợ

Anh Trường cũng như các chuyên gia trong ngành chia sẻ, bên cạnh sự nỗ lực của chính start-up và sự đồng hành của các trung tâm ươm tạo, rất cần hành động từ nhà nước để thực hiện hóa chính sách được ban hành của Chính phủ. Việc hỗ trợ của Chính phủ cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp có thể được thực hiện thông qua hai hình thức: Trực tiếp (cấp vốn hoặc hỗ trợ kỹ năng miễn phí) và gián tiếp (ưu đãi thuế, cho vay với lãi suất ưu đãi).

Trong thời gian gần đây, các chính sách ưu đãi cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp được Chính phủ quan tâm đặc biệt, tuy nhiên, các chính sách về thuế và tài chính đối với nhóm đối tượng này vẫn còn một số vấn đề. Chưa có một chính sách đặc thù đối với các start-up nói chung, quy định về chính sách thuế, tài chính đối với đối tượng này nói riêng. Cho dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành vào năm 2017 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP được chính phủ ban hành ngày 11-3-2018 đề cập đến khái niệm khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Vì vậy, các chính sách cần phải được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư cho khởi nghiệp.

Thiết kế riêng các gói sản phẩm tín dụng cho các start-up tại các ngân hàng thương mại cũng là gợi ý từ các chuyên gia. Đặc biệt, cần có các chính sách giảm bớt các điều kiện đánh giá về năng lực tài chính hay xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp mà có thể đánh giá dựa trên tiêu thức xác định start-up hoặc các tiêu chí đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh nhằm kiểm soát rủi ro mà không cần tài sản đảm bảo.

Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến start-up Việt
Tại cuộc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc vừa diễn ra ở tỉnh Quảng Nam hôm 9-11, Ban tổ chức (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã dành riêng một khoảng không gian lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong và ngoài nước. Còn có ba gian hàng dành cho các đơn vị hỗ trợ start-up từ Bắc chí Nam. Đa số các gian hàng start-up tại đây đều hướng đến các giao dịch e-commerce và fintech. Những nhà đầu tư Hàn Quốc khi tìm đến các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cũng hỏi nhiều việc kết nối trong việc xuất nhập khẩu thông qua ứng dụng CNTT mà các start-up Việt đang triển khai.
Theo đại diện VCCI, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và đây là cơ hội để các start-up Việt tìm kiếm cơ hội hợp tác trong thương mại điện tử (e-commerce).

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối