Khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng lên như hiện nay, việc xây dựng bản đồ du lịch an toàn cho du khách và doanh nghiệp tiếp tục được đặt ra như một trong những yếu tố giúp ngành du lịch nói chung đủ khả năng để có thể "sống chung với dịch".
- Chuẩn bị cho một chuyến du lịch an toàn trong mùa dịch
- Các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng lây lan thế nào?
- Doanh nghiệp du lịch vật lộn với làn sóng Covid-19 lần thứ 3
KTSG Online đã phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings về vấn đề này.
KTSG Online: Tại sao ông cho rằng với diễn biến phức tạp và khôn lường của dịch bệnh như hiện nay, ngành du lịch phải có bản đồ an toàn thì mới có thể "sống chung với dịch"?
- ÔNG NGUYỄN QUỐC KỲ: Có thể thấy, cả doanh nghiệp lẫn du khách đều rất bối rối trong những lần bùng dịch vừa qua.
Mỗi khi có ca nhiễm, dù chỉ là một ca ở một khu vực riêng lẻ là khách hàng đã cực kỳ hoang mang vì thông tin về dịch bệnh tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, truyền miệng... Những điều này khiến nhiều người tưởng chừng như tất cả điểm đến đều có dịch.
Chẳng hạn, khi nói Hà Nội có dịch thì ngay lập tức nhiều khách hủy tour đến đây vì cho rằng không an toàn trong khi thực tế thành phố này rất rộng lớn, có rất nhiều điểm vẫn an toàn nhưng thông tin này lại lọt thỏm trong dòng thông tin về dịch bệnh, khiến du khách lo sợ.
Tình trạng hủy, hoãn dịch vụ trong những đợt bùng dịch vừa qua cũng có nguyên nhân từ tâm lý này. Vì thế, nếu có bản đồ du lịch an toàn, cho người dân biết nơi nào đang có dịch không nên đến, nơi nào đang trong diện cảnh báo, điểm nào vẫn an toàn để vui chơi thì sẽ giúp ổn định tâm lý khách hàng, đồng thời cũng giúp cơ quan chức năng ngăn những tin đồn thất thiệt về dịch bệnh.
Có bản đồ này, các nhà điều hành dịch vụ sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Chúng tôi sẽ không còn cảnh lúng túng và bị động khi dự báo tình hình để sắp xếp dịch vụ mà có thể chủ động biết được nơi nào có thể đưa khách đến, nơi nào cần phải giãn ra để tính toán kế hoạch kinh doanh.
Việc này cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và giữ dòng tiền. Nếu cứ đặt dịch vụ rồi lại phải hủy, hoãn đột ngột như thời gian qua thì doanh nghiệp sẽ khó khăn vì số tiền đặt cọc bị ngâm rất lâu, trong khi tiền mặt lại đang thiếu.
Du khách yên tâm, doanh nghiệp chủ động điều hành dịch vụ thì du lịch mới vận hành được trong lúc dịch vẫn còn như thế này.
KTSG Online: Hiện nay, doanh nghiệp du lịch lấy thông tin từ đâu để chuẩn bị kế hoạch ứng phó khi bùng dịch?
- Chúng tôi phải lấy từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là đợi thông báo từ các địa phương để biết các điểm du lịch, các dịch vụ cho du khách có được phép hoạt động hay không.
Tuy nhiên, không phải lúc nào thông báo cũng đến đúng thời điểm cho nên đã có trường hợp, có công ty đưa khách đến nơi rồi mới biết điểm đến đã đóng cửa.
KTSG Online: Theo ông, bản đồ du lịch nên làm như thế nào và cơ quan nào nên cầm trịch việc này?
- Về mặt kỹ thuật, có thể thể hiện bằng trang web hoặc bằng phần mềm ứng dụng. Với nội dung thể hiện, để đảm bảo tính chính xác và tổng quát trên cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nên là đơn vị cập nhật thông tin về dịch bệnh cùng những cảnh báo liên quan.
Ban chỉ đạo cũng có thể ủy quyền cho một đơn vị chuyên trách như Bộ Y tế cập nhật thông tin. Hiện nay, Bộ Y tế đang cập nhật thông tin các ca nhiễm mới 2 lần/ngày. Đây cũng là cách có thể tham khảo khi thực hiện bản đồ.
Có thể hình dung bản đồ du lịch an toàn như bản đồ cảnh báo các điểm cháy rừng mà cơ quan kiểm lâm đã làm. Nhìn vào bản đồ, du khách sẽ thấy tổng thể cả điểm đến và thấy được trong đó nơi nào là vùng đỏ không nên đến, nơi nào có nguy cơ vừa phải, nơi nào hoàn toàn xanh để có thể yên tâm du lịch...
Điều quan trọng là thông tin cần phải cập nhật liên tục. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các tỉnh, thành trên cả nước cũng có thể cập nhật thông tin lên đây để du khách biết tình hình dịch ở tỉnh A đang như thế nào, tỉnh B đang cho mở dịch vụ nào, cấm dịch vụ nào, khu vực nào đang giãn cách, nơi nào buộc phải đeo khẩu trang... Điều này thực sự rất quan trọng và hữu ích.
Tôi cho rằng nếu làm tốt thì bản đồ du lịch an toàn không chỉ là kênh cung cấp thông tin quan trọng cho du khách trong đại dịch mà còn là sau này, khi mở cửa thị trường. Khi muốn đi du lịch Việt Nam hay khi có sự cố, dịch bệnh, du khách nước ngoài có thể vào để tìm thông tin.
Thêm vào đó, bản đồ này cũng có thể phát triển thêm tiện ích như là bản đồ thông báo mật độ khách, giúp điểm đến giải tỏa quá tải trong các cao điểm du lịch. Chẳng hạn như việc Đà Lạt tắc nghẽn trong dịp lễ vừa rồi, nếu có thông tin về sức chứa của điểm đến, của các cơ sở dịch vụ ngay tại thời điểm đó cùng khuyến cáo của cơ quan chức năng thì chắc rằng nhiều người sẽ chọn hướng khác để tránh tắc nghẽn, giúp điểm đến giảm áp lực.
Cảm ơn ông!
Đào Loan
Theo KTSG Online