Câu trả lời không phải là hai lít hay hai lít rưỡi nước uống, mỗi ngày, mỗi người. Bởi vì nước tạo cho ta bữa ăn, nước cho ta áo mặc, nước mang đến cho ta ánh sáng, và nước gây ra cả những cuộc chiến tranh.
Để có 1 kg thịt heo chúng ta cần 4.800 lít nước, 1 kg thịt gà 3.900 lít, 1 kg thịt dê 4.000 lít, 1 kg thịt cừu 6.100 lít. Nhưng để có 1 kg thịt bò cần đến 15.500 lít nước bởi lẽ con bò nuôi suốt ba năm mới cho 200 kg thịt; trong thời gian này chúng ta tiêu tốn 1.300 kg hạt ngũ cốc, 7.200 kg cỏ, 24 m3 nước cho việc ăn uống và 7 m3 nữa cho việc vệ sinh chuồng trại.
Để làm ra được 1 kg gạo chúng ta cần đến 3.400 lít nước ngọt trong khi với lúa mì là 1.300 lít, đậu nành 1.800 lít, bắp và khoai tây là 900 lít, và 1 kg mía đường cần đến 1.500 lít nước. Tính ra một khẩu phần thức ăn giàu đạm như ở Âu châu tiêu tốn hết 5.000 lít nước trong khi khẩu phần giàu bột ở châu Á hay Việt Nam chỉ vào khoảng 2.000 lít nước.
Nhưng từ vài chục năm trở lại đây, khuynh hướng ăn uống trên toàn thế giới đang chuyển nhanh từ chế độ giàu bột nhiều rau và trái cây sang chế độ giàu đạm với thịt và những thức ăn chế biến sẵn. Bình quân tại Trung Quốc trong năm 1985 chỉ sử dụng 20 kg thịt cho mỗi người, mỗi năm. Nhưng nay con số này đang tăng lên đến 50 kg, tạo nên nhu cầu phải bổ sung một lượng nước ngọt ngang bằng với khối lượng nước sử dụng cho toàn thể châu Âu.
Tổ chức Dấu ấn của nước (Waterfootprint.org) cung cấp cho chúng ta những con số và cả những cách tính toán lượng nước mỗi người thực sự sử dụng trong một ngày. Điều mà Tổ chức Dấu ấn của nước cũng như các tổ chức khác muốn lưu ý là mỗi người và mỗi chính phủ ý thức được việc chúng ta đang sử dụng tài nguyên nước như thế nào, và cần phải điều chỉnh hay chọn lựa ra sao.
Các sự lựa chọn không chỉ nhắm đến sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý mà còn để bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Một lát bánh mì 30 g và một quả trứng gà 60 g tiêu tốn hết 40 lít và 200 lít nước, một lít sữa với đầy đủ chất bổ chỉ cần 1.000 lít nước, nhưng 1 kg phô mai cần 3.200 lít nước và 1 kg bơ cần đến 5.500 lít. Sự khác biệt giữa nhu cầu nước cho một chén trà, một ly bia, một cốc rượu vang và một tách cà phê cùng dung tích 250 ml lần lượt là 30 lít,
75 lít, 120 lít, và 140 lít nước.
Mỗi người chúng ta đang đứng trước sự lựa chọn cho riêng mình, và cộng đồng quốc tế cũng phải có chiến lược điều chỉnh, lựa chọn để bảo đảm rằng nguồn nước trong tương lai sẽ đủ phục vụ cho cái ăn, cái mặc và nhu cầu sử dụng năng lượng cho 9 tỉ con người, tính đến những năm 2050. Khi dùng một trang giấy khổ A4, chúng ta đã tiêu tốn đến 10 lít nước, một chiếc áo cotton 250 g chúng ta sử dụng hết 2.700 lít nước, nhưng để có 1 kg da thuộc làm nên những đôi giày cao cấp cần đến 16.600 lít nước.
Cung cấp điện năng là lĩnh vực có sự chênh lệch về sử dụng nước lớn nhất, và vì thế chiến lược phát triển nguồn điện luôn là ưu tiên ở mỗi nước. Để có 1.000 kWh điện chúng ta cần 260 lít nước cho thủy điện, 1.875 lít nước cho khí hóa lỏng, 2.970-3.500 lít nước đối với điện mặt trời, nhưng có thể cần hơn 14.200 lít nước cho nhà máy nhiệt điện chạy dầu và đến 74.000 lít nước cho nhà máy điện nguyên tử.
Rõ ràng nguồn nước không phải là vô tận và mỗi người đều cần có trách nhiệm về việc sử dụng nguồn nước của mình.
Hoàng Xuân Phương