Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Cận cảnh biệt thự cổ ‘lầu ông Phủ’ ở Đồng Nai

Du lịchHành trình - Điểm đếnCận cảnh biệt thự cổ 'lầu ông Phủ' ở Đồng Nai
(SGTT) - Sau nhiều ý kiến “phá hay giữ” - từ những cuộc họp chính thức của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho đến báo đài và dư luận trên mạng xã hội, đến nay, “số phận” của ngôi biệt thự cổ “Lầu ông phủ” cũng đã được quyết định. Đó là sẽ giữ lại để bảo tồn. Dưới đây là cận cảnh hình ảnh bên trong biệt thự cổ này do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thực hiện, giới thiệu đến độc giả.
Nằm bên bờ sông Đồng Nai, đoạn chảy ngang thành phố Biên Hòa, ngôi nhà “trăm tuổi” này được ông đốc phủ Võ Hà Thanh khánh thành vào năm 1924, với phong cách kiến trúc Âu - Á kết hợp khá hài hòa, sang trọng. Với vị thế tưởng chừng như đắc địa, biệt thự này đang “đối mặt” với vấn đề là nằm ngay cạnh tuyến đường ven sông Đồng Nai - đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu mà tỉnh đang xây dựng. Ảnh: Kinh Luân
Theo quan sát thực địa của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, từ mặt tiền căn nhà ra tới mép đường đang thi công là khoảng 10 mét. Thế nên sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng tòa nhà và lấy ý kiến các sở ngành liên quan cùng giới chuyên môn, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã đề ra 3 phương án giải quyết: một là nắn lại tuyến đường hoặc thu hẹp một đoạn vỉa hè, hai là thiết kế một vòng xoay - kiểu như Nhà thờ Đức bà Sài Gòn và ba là di dời cả ngôi biệt thự vào trong – theo phương pháp của “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy.  Ảnh: Kinh Luân
Phương án nào là tối ưu hiện đang được cân nhắc qua sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai và giới chuyên gia. Trong ảnh là cửa chính dẫn vào tiền sảnh ngôi nhà, với những ô kính màu làm theo phong cách kiến trúc Gothic và Baroque. Ảnh: Kinh Luân
Tấm phù điêu gắn trên nóc nhà chạm nổi tên VÕ-HÀ-THANH và năm khánh thành 1924. Ảnh: Kinh Luân
Cầu thang chính dẫn lên tầng trên được làm bằng gỗ quý nhập từ Pháp, sau một thế kỷ vẫn chưa bị mối mọt. Theo lời kể của cháu chắt dòng tộc Võ Hà, hiện vẫn sinh sống ở Biên Hòa, thì ông Võ Hà Thanh sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi. Khi theo cha mẹ di cư vào Đồng Nai kiếm sống, ông trải qua nhiều nghề, từ đi buôn cho tới khai thác đá rồi mộ phu mở đồn điền, xuất khẩu cao su… Ảnh: Kinh Luân
Sau bao năm tích góp và xây dựng các mối quan hệ, ông Thanh trở nên một thương nhân giàu có và quyền thế. Ảnh: Kinh Luân
Mặc dù được xây theo phong cách kiến trúc của châu Âu nhưng gian thờ ở tầng trên vẫn giữ nguyên kiểu “ba gian” thuần Việt. Ảnh: Kinh Luân
Năm 2023, khi Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa bắt đầu thi công đường ven sông Đồng Nai, bà Đặng Thị Linh Phương (trong ảnh mặc áo cam, là người hiện đang trông giữ ngôi nhà) đã nộp đơn lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh kiến nghị không “giải tỏa” ngôi nhà để bảo tồn. Ảnh: Kinh Luân
Được biết, hiện tại người sở hữu “danh chính, ngôn thuận” là người cháu nội của đốc phủ Võ Hà Thanh tên Võ Minh Cảnh (90 tuổi, thường gọi là Tư Bưởi), nhưng ông này lại thường trú tại phường Bửu Long. Ảnh: Kinh Luân
Trong ảnh là hệ thống rui kèo trên tầng áp mái, hiện vẫn còn rất tốt. Ảnh: Kinh Luân
Hiện, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa quyết là sẽ duyệt chi ngân sách để “mua đứt” ngôi nhà, hay hợp tác với gia đình để bảo tồn và khai thác dưới hình thức thích hợp như làm bảo tàng, “điểm đến” nhà hàng - khách sạn… Ảnh: Kinh Luân
Kinh Luân