(SGTT) - Trong chuyến du hành vòng quanh thế giới, tàu quan sát năng lượng Energy Observer đã ghé thăm TPHCM, điểm dừng chân thứ 73 của tàu.
- Hành khách từ TPHCM có thể về Tiền Giang, Bến Tre bằng tàu cao tốc từ quí 3
- Chiêm ngưỡng siêu du thuyền hai thân có giá hơn 150 tỉ đồng
Dưới đây là một số hình ảnh và thông tin về con tàu hydrogen đầu tiên tự hành, không phát thải mà KTSG Online ghi nhận.
Tàu Energy Observer có một phòng thí nghiệm chuyển đổi sinh thái được thiết kế để thúc đẩy công nghệ không phát thải.
Energy Observer được vận hành hoàn toàn bằng năng lương tái tạo gồm gió, nước và ánh sáng mặt trời. Tàu có hệ thống tám bình tích trữ năng lượng từ các nguồn gió, nước và ánh sáng mặt trời.
Sau đó, các năng lượng này sẽ đi qua một hệ thống chuyển hoá thành điện cần thiết cho việc chạy tàu, hệ thống ánh sáng cũng như phục vụ sinh hoạt cho các thuyền viên trên tàu.
Luc Bourserie, kỹ sư hệ thống của tàu, cho biết toàn bộ con tàu khi được sạc đầy năng lượng có thể di chuyển được trong khoảng 4 đến 7 ngày.
Tàu có sức chứa tối đa 10 người. Theo Martin Jarry, thuyền trưởng kiêm giám đốc vận chuyển của Energy Observer, 10 thuyền viên, cũng là các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng được chia làm hai nhóm, mỗi nhóm 5 người, thay phiên thu thập thông tin nghiên cứu trên bờ và trên tàu.
Khởi hành vào năm 2017 từ Saint-Malo, cảng quê hương của con tàu, Energy Observer đã đi được hơn 50.000 hải lý, thực hiện được 72 lần dừng chân, trong đó có 16 lần tổ chức làng giáo dục lưu động và đến thăm hơn 40 quốc gia.
Nhiệm vụ chính trong chuyến thám hiểm của Energy Observer chính là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông qua đổi mới sáng tạo, bằng cách chứng minh rằng các công nghệ và sự kết hợp năng lượng trên tàu có thể hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt và có thể được nhân rộng hơn cả trên đất liền và trên biển.
Hành trình vòng quanh thế giới của Energy Observer sẽ kết thúc vào năm 2024 tại Paris, Thủ Đô nước Pháp, đúng vào dịp nước này tổ chức thế vận hội Olympic 2024.
Tàu nhận được sự bảo trợ cấp cao của Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron cùng sự hỗ trợ chính thức của Bộ Chuyển đổi Sinh thái, Unesco, Liên minh châu Âu, của Irena (Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế) và Ademe (Cơ quan Môi trường và Quản lý năng lượng Pháp).
Energy Observer sẽ lưu lại TPHCM đến hết ngày 29-6. Trong những ngày này, với sự phối hợp của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM, thủy thủ đoàn sẽ giới thiệu hệ thống không phát thải tự động của tàu với du khách, nhà hoạch định chính sách và sinh viên.
Vương Anh - Lê Vũ
Theo KTSG Online