Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Cần có giải pháp bảo vệ di sản!

Tuần trước, nhiều người dân Sài Gòn đã đến giã biệt Thương xá Tax. Với họ, công trình kiến trúc này là một chứng nhân của Sài Gòn suốt hơn 130 năm qua. Tim Doling, một nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử người Anh, cũng là một trong số những người ngậm ngùi trong cuộc chia tay này.

Đối với Tim, người có hơn 20 năm tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc Chợ Lớn, Sài Gòn (TPHCM) và xuất bản nhiều ấn phẩm về đề tài này thì những công trình kiến trúc cổ xứng đáng nhận được sự quan tâm và tầm hiểu biết của không chỉ giới chức trách mà ngay cả người dân, và nhất là giới trẻ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Tim Doling chia sẻ: “Việc phá hủy các công trình kiến trúc cổ để phục vụ phát triển đô thị cũng đã diễn ra tại Anh, Ailen, Pháp, Singapore... Chính quyền các quốc gia này sau đó đã hối hận về những quyết định như vậy. Tôi thấy đáng buồn khi điều tương tự đang được lặp lại tại Việt Nam khi người ta dường như không học hỏi hay rút ra được kinh nghiệm gì từ các quốc gia khác”.

Ông nói tiếp: “Đơn cử như chính quyền tại Anh, Ailen và Mỹ đều có chung một suy nghĩ là giá như họ có thể quay ngược thời gian để không dẫn đến việc phá hủy hàng loạt các công trình kiến trúc cổ chỉ để phục vụ lợi ích ngắn hạn và phát triển kinh tế dẫn đến việc mất đi tính nhận diện, sự độc đáo riêng của rất nhiều thành phố tại các quốc gia này”.

Cũng theo ông Tim, rồi đây tính nhận diện của Sài Gòn cũng sẽ không còn nếu lần lượt từng công trình kiến trúc cổ bị phá bỏ nhường chỗ cho nhiều tòa nhà chọc trời khác mọc lên cũng bởi một thực tế rất nhiều người nghĩ rằng việc bảo tồn di sản chẳng đóng góp gì cho phát triển kinh tế đất nước.

Một tài liệu được Tim Doling thu thập tại hội thảo “Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững” do Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị cùng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức vào giữa tháng 3-2014 chỉ ra: trong vòng một thập kỷ qua, khu vực quận 3 đã mất hơn 56% các biệt thự Pháp. Hàng loạt công trình có tính biểu tượng như tòa nhà 12 Lê Duẩn (xây năm 1905), tòa nhà số 213 Đồng Khởi (xây năm 1929) và tòa nhà 200 Lý Chính Thắng (xây năm 1920), sắp tới là tòa nhà 164 Đồng Khởi (xây năm 1920) và 122 Lý Tự Trọng (xây năm 1927)… cũng sẽ bị phá hủy, nhường chỗ cho những công trình mới.

Theo ông, thay vì đổ lỗi cho bất kỳ ai về việc cho phép phá bỏ các công trình này thì việc ta cần làm ngay là tìm ra giải pháp cho câu chuyện bảo tồn di sản. Điều đầu tiên là tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về các công trình lịch sử ở TPHCM và đầu tư nghiên cứu để tìm ta những câu chuyện người thật, việc thật đằng sau những công trình, cảnh quan này để làm nguồn tư liệu phục vụ phát triển du lịch. Kế tiếp là có nhiều biện pháp bảo vệ để gìn giữ các công trình di sản đặc biệt này. Sau cùng là hợp tác với các bên có liên quan để khai thác giá trị di sản của các công trình, cảnh quan, vừa ở khía cạnh tài sản du lịch vừa là tài sản của cả cộng đồng.

Tim Doling là tác giả những cuốn sách: The Railways and Tramways of Viet Nam (Đường sắt và tàu điện Việt Nam), Exploring Hồ Chí Minh City (Khám phá thành phố Hồ Chí Minh) giới thiệu hàng loạt tuyến điểm tham quan, di sản vòng quanh thành phố, các sách hướng dẫn du lịch tại Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam. Ông đang thực hiện hai cuốn sách Khám phá di sản kiến trúc Đà Nẵng và Hải Phòng, dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Đặc biệt quan tâm đến những tòa nhà có tính lịch sử và làm thế nào để khai thác giá trị cảnh quan di sản trong việc phục vụ du lịch, Tim Doling đồng thời thực hiện các chương trình đưa du khách đến tìm hiểu, tham quan các tòa nhà cổ, di sản gắn liền với các nhân vật và sự kiện lịch sử Sài Gòn ít được khai thác trong các chương trình tour hiện nay.

Kiều Giang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối