(SGTT) - TPHCM vừa trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường Vành đai 4. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 206km với tổng mức đầu tư hơn 136.000 tỉ đồng.
- Bộ LĐTBXH đề xuất nghỉ 9 ngày dịp Tết Nguyên đán 2025
- Bộ Giao thông Vận tải có đề xuất mới về giá dịch vụ hàng không
Theo đó, trong giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại, với 4 làn xe cao tốc với khoảng 21 nút giao thông liên thông, đồng thời đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân địa phương bằng hệ thống đường song hành và đường dân sinh, TTXVN đưa tin.
Tuyến Vành đai 4 dài hơn 206km, đi qua 5 địa phương. Trong đó, tuyến đường đi qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 18km, qua tỉnh Đồng Nai khoảng 45km, qua tỉnh Bình Dương khoảng 48km, qua TPHCM gần 17km và tại Long An là 78km.
Tuy nhiên, việc tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư cho tuyến đường qua thành phố mới Bình Dương với vận tốc 80km/h đặt ra yêu cầu cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tiêu chuẩn chung của tuyến đường, cần có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải.
Về mức đầu tư, dự án Vành đai 4 TPHCM sẽ cần đầu tư khoảng 136.590 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương dự kiến khoảng 42.550 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương là khoảng 33.580 tỉ đồng, số còn lại là vốn từ nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo kế hoạch, việc phân bổ nguồn vốn sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025 sẽ giải ngân khoảng 16.025 tỉ đồng và khoảng 59.581 tỉ đồng trong giai đoạn 2026-2030.
Dự án được chia thành 2 nhóm dự án thành phần. Cụ thể, một nhóm đạm nhận việc bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng đường gom dân sinh, nhóm còn lại đảm nhận việc xây dựng đường cao tốc.
Trước đó, TPHCM được giao nhiệm vụ điều phối tổng thể dự án đường Vành đai 4. Tại cuộc họp cuối tháng 8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu thành phố phối hợp cùng các địa phương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, báo cáo này sẽ được trình lên Quốc hội để xin ý kiến phê duyệt tại kỳ họp tháng 10.