Nguyễn Thanh Vũ (TPHCM)-
Quảng cáo ngoài trời (out-door) trái phép theo kiểu treo, dán, sơn lên tường, cột điện, cây xanh ven đường vẫn tiếp tục tồn tại bất chấp nghị định mới nhất của Chính phủ có liên quan đến vấn đề này có hiệu lực từ ngày 5-5 vừa qua.
Đó là Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20-3-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Một thanh niên chạy xe dán quảng cáo lên cột điện. Ảnh chụp vào trưa 12-5-2017. Ảnh: Thanh Vũ
Theo đó, nếu người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đăng quảng cáo (không đăng ký xin giấy phép) bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng, so với mức cũ là 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, từ lúc nghị định có hiệu lực đến nay, tình trạng xả rác tờ rơi, dán giấy quảng cáo lên tường, cây xanh công cộng vẫn đầy ra đó. Chính quyền địa phương ở nhiều quận, huyện dường như chưa có cách thực thi hữu hiệu nào về nghị định này.
Vào mỗi cuối tuần, đoàn viên, thanh niên tình nguyện, sinh viên thường có chiến dịch lột rác quảng cáo trên tường, cột đèn để trả lại vẻ đẹp cho đô thị. Nhưng chỉ sau một vài đêm, tình trạng tường, cột đầy giấy dán quảng cáo vẫn trở lại. Có lần, tôi góp ý với công an của một phường về vấn đề này thì họ lắc đầu, cho rằng đây là “căn bệnh mãn tính” khó trị. Anh công an nói lực lượng công an đã nhiều lần gọi vào các số điện thoại được in trên tờ quảng cáo để điều tra, nhưng chủ nhân số điện thoại đó lại chối phăng, cho rằng bản thân họ không làm điều đó, nên việc xử lý về quảng cáo ngoài trời trái phép rất khó giải quyết. Chỉ có cách là bắt tận tay những kẻ đi dán giấy mới mong truy tìm thủ phạm. Tuy nhiên những người này thường hoạt động lén lút, lực lượng công an cũng rất khó phát hiện.
Tôi nghĩ rằng, việc dọn “rác” hè phố là nghĩa cử đẹp nhưng không phải là giải pháp tốt nhất vì cứ một người dọn, nhiều người tiếp tục bày bừa bộn thì cũng hoàn số không. Nên ngoài việc làm sạch này, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn trong việc xử lý các chủ nhân của số điện thoại đăng trên quảng cáo trái phép đó. Tôi cho rằng, ngoài số điện thoại, doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm, dịch vụ đều có đăng cả địa chỉ của cửa hàng, của dịch vụ ở phường nào đó, quận nào đó. Phải có sự liên thông về thông tin giữa chính quyền các phường trong quận hay các quận với nhau trong việc xử lý mới có thể triệt để. Các cơ quan chức năng như nhà cung cấp viễn thông, công an phường, quận nên phối hợp, liên thông với nhau thì việc xử lý có hiệu quả hơn.